9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì "Tân Bến Thượng Hải"

Pa Dun |

9 năm qua đi nhưng có lẽ chỉ cần bản nhạc phim trầm buồn vang lên, bộ phim Tân Bến Thượng Hải vẫn khiến nhiều người phải luyến tiếc.

Thượng Hải là niềm tự hào của nhiều người Trung Quốc. Thành phố hoa lệ này không chỉ là bản giao thoa nhiều màu sắc của phương Đông cổ kính với phương Tây hiện đại mà nó còn là "thủ đô của những câu chuyện tình".

Nơi đây cũng được lấy làm bối cảnh của rất nhiều tiểu thuyết, bộ phim kinh điển. Và cũng từ nơi đây, một tác phẩm kinh điển đã được ra đời - Bến Thượng Hải.

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 1.

Bến Thượng Hải (tên tiếng Anh: The Bund) lần đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1980.

Thành công của Bến Thượng Hải cũng trở thành bệ phóng hoàn hảo cho các phiên bản sau này mà trong đó có Tân Bến Thượng Hải ra đời năm 2007.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin dành cho Tân Bến Thượng Hải, bộ phim mà thế hệ 8x - đầu 9x của chúng tôi từng xem là một phần của tuổi thanh xuân đã qua.

Máu nhuộm bến Thượng Hải

Trong các phiên bản Bến Thượng Hải thì Tân Bến Thượng Hải (2007) nhận được nhiều "yêu thương" của khán giả hơn cả.

Nguyên nhân là do phiên bản 2007 không thay đổi nhiều so với phiên bản đầu tiên, thậm chí bài hát Bến Thượng Hải cũng được đạo diễn dùng lại để đảm bảo tinh thần của phim. Thêm vào đó là diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên thực lực như Huỳnh Hiểu Minh, Tôn Lệ...

Bến Thượng Hải - Ca sĩ Diệp Lệ Nghi (Nhạc phim Tân Bến Thượng Hải)

Tân Bến Thượng Hải xoay quanh cuộc tranh giành quyền lực của các băng nhóm ở Thượng Hải vào những năm 1930. Trong thời gian đó, Thượng Hải bị chia năm xẻ bảy, những nước đại cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật... chiếm đóng từng khu vực gọi là "tô giới".

Hứa Văn Cường (Huỳnh Hiểu Minh thủ vai) tới miền đất hứa Thượng Hải với hi vọng tìm thấy một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Anh vô tình cứu được cô con gái cưng của ông trùm Phùng Kính Nghiêu - Trình Trình tiểu thư và sau này là yêu thương cô.

Nhờ sự giúp đỡ của thanh mai trúc mã Phương Diễm Vân, bây giờ là người tình của Phùng Kính Nghiêu, Hứa Văn Cường trở thành giám đốc một nhà hát lớn.

Bằng tài năng, sự an dạ, thông minh, đa mưu túc trí của mình, Văn Cường đã nhanh chóng trở thành một người đàn ông đầy tin cậy tại bến Thượng Hải.

Và tất nhiên, việc này không thoát khỏi sự kiểm soát của Phùng Kính Nghiêu. Ông quyết tâm lôi kéo Văn Cường về làm tay sai cho mình.

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 3.

Vì tình yêu với Trình Trình, Văn Cường dần dần trở thành người của Phùng Kính Nghiêu. Giữa lúc tình yêu của Trình Trình và Văn Cường chuẩn bị kết hoa trái ngọt thì anh phát hiện Phùng Kính Ngiêu đích thị là kẻ bán nước cầu vinh.

Tuy sống trong giới xã hội đen , nhưng bản chất tốt đẹp vẫn tồn tại mạnh mẽ trong con người Hứa Văn Cường.

Mâu thuẫn đỉnh điểm với Phùng Kính Nghiêu buộc Hứa Văn Cường phải rời khỏi Thượng Hải. Ngày cuối trước khi rời khỏi Thượng Hải, Văn Cường phải nhận 2 nỗi đau. Nỗi đau không có người yêu bên cạnh và nỗi đau mất đi tình anh em kết nghĩa với Đinh Lực.

Chi tiết khiến nhiều người "nổi da gà" có lẽ là khi Văn Cường chặt bỏ ngón tay út như quyết định đoạn tình.

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 4.

Tại Hong Kong, Hứa Văn Cường được một gia đình cưu mang, giúp đỡ. Cô đơn nơi đất khách và cũng vì cảm kích lòng tốt của những con người đôn hậu, Hứa Văn Cường đã nhận lời kết hôn cùng cháu gái của gia đình này.

Bi kịch lại một lần nữa đến với Văn Cường khi vợ con bị Phùng Kính Nghiêu thuê người giết chết. Căm phẫn đến tận cùng, Văn Cường quyết định trở lại Thượng Hải để trả thù. Và máu một lần nữa lại nhuộm đỏ bến Thượng Hải.

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 5.

Còn về phần Trình Trình, để trả ơn Đinh Lực đỡ giúp mình một phát đạn đồng thời muốn quên Văn Cường đi nên cô đã đồng ý kết hôn. Ngày kết hôn của Trình Trinh và Đinh Lực cũng là ngày Văn Cường quyết định kết liễu cuộc đời Phùng Kính Nghiêu.

Khi đối diện với Trình Trình, trái tim Đinh Lực lại trùng xuống. Nhưng phía sau lưng anh, Đinh Lực đã bóp cò, nã những phát đạn vô tình vào người anh em đồng cam cộng khổ...

Người ta nói rằng, cuộc đời một người có 3 điều tiếc nuối nhất đó chính là: Không được tự quyết định cuộc đời mình, Không được ở bên người mình yêu, Không lưu lại được gì cho cuộc đời. Giá như Hứa Văn Cường không đến Thượng Hải.

Giá như cuộc đời anh không gắn với ba người phụ nữ: Phương Mỹ Vân, Phùng Trình Trình, Lệ thì có lẽ cuộc đời Văn Cường sẽ không bi ai đến vậy.

Văn Cường - Trình Trình: Romeo và Juliet phương Đông

Cái kết của Tân Bến Thượng Hải từng khiến rất nhiều người nức nở. Tiếc nuối có lẽ là cảm giác của số đông khán giả khi xem xong bộ phim này.

Hứa Văn Cường lẽ ra sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu sau khi ra tù anh ko đến Thượng Hải, Phùng Trình Trình lẽ ra cũng sẽ mãi mãi là một cô tiểu thư hồn nhiên hạnh phúc nếu như cuộc đời không cho cô gặp gỡ Hứa Văn Cường.

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 6.

Lệ và gia đình cũng sẽ không có kết cục bi thương như vậy nếu cô không gặp và kết hôn với Cường.

Và một số nhân vật khác như: Phương Diễm Vân, Phùng Kính Nghiêu, Đinh Lực.... cũng để lại nhiều tiếc nuối về cuộc đời của họ.

Tuy nhiên, điều khiến cho khán giả luyến tiếc nhiều nhất ắt hẳn là chuyện tình buồn đầy bi ai.

Giữa những cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu tại bến Thượng Hải, người ta vẫn phải rơi nước mắt vì cuộc tình bi thương của Văn Cường và Trình Trình.

Suốt trong cuộc đời của mình Trình Trình chỉ biết đến Văn Cường, người đàn ông duy nhất cô yêu. Còn Văn Cường, dù lấy một người phụ nữ khác đi chăng nữa thì trong trái tim anh, Trình Trình vẫn là duy nhất.

Không chỉ khắc họa hình ảnh xã hội, mối tình của Phùng Trình Trình cùng Hứa Văn Cường được khán giả ví von như Romeo và Juliet phương Đông.

Cho dù không có ngày mai - Tôn Lệ vs Huỳnh Hiểu Minh (Tân Bến Thượng Hải).

Trình Trình cũng như Văn Cường, cả hai đều sinh ra nhầm thời đại. Cô và anh đều không có lỗi, tình yêu của họ càng không có lỗi. Lỗi lầm duy nhất trong cuộc đời cô bắt đầu ngay từ khi cô sinh ra là con gái của Phùng Kính Nghiêu.

Là anh và cô vốn hữu duyên không phận hay đã kết thúc ngay từ khi bắt đầu? Hay vì duyên giữa họ quá mỏng mà nợ chẳng sâu?

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 8.

Thành công với Hứa Văn Cường đã giúp Huỳnh Hiểu Minh nhận giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất trong một cuộc bầu chọn quy mô lớn ở Trung Quốc năm 2007 và đưa tên tuổi anh lên một tầm cao mới.

Hình ảnh Văn Cường ngã xuống còn Trình Trình với đôi mắt đau đớn không nói nên lời hẳn là khung hình ám ảnh nhất đối với mọi người. Số phận Văn Cường đã bi ai nhưng Trình Trình có lẽ mới là người đau đớn nhất.

Ngày cưới, Trình Trình phải chứng kiến cảnh Văn Cường chĩa súng bắn chết cha mình, còn chồng mới cưới lại bắn chết Văn Cường - người đàn ông duy nhất cô yêu.

Còn gì bất hạnh hơn khi một lúc mất cả 2 người đàn ông quan trọng nhất trong cuộc đời cô.

Văn Cường chết, kết thúc một cuộc đời đầy nỗi đau còn Trình Trình cô ở lại với những bi ai thấm đẫm tâm hồn.

9 năm trôi qua, người ta vẫn nức nở khóc vì  Tân Bến Thượng Hải - Ảnh 9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại