Sự kiện thiên văn có một lần trong đời
Các nhà thiên văn học trên toàn thế giới đang háo hức mong đợi một sự kiện thiên thể hiếm có vào mùa hè này khi một hệ sao cách chúng ta 3.000 năm ánh sáng sẽ có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong năm 2024, khi độ sáng biểu kiến của nó tăng lên tạm thời trong sự kiện nova có một lần trong đời người, BBC Sky at Night Magazine thông tin.
T Coronae Borealis, còn được gọi là T CrB hoặc 'Ngôi sao rực lửa', lần cuối cùng sáng lên là vào năm 1946 và các nhà thiên văn học dự đoán nó có thể sáng trở lại trong khoảng thời gian từ bây giờ cho đến tháng 9/2024. Sau đó, nó sẽ mờ dần và có thể duy trì như vậy trong khoảng 80 năm nữa, khiến đây trở thành sự kiện thiên văn hiếm có, có khả năng chỉ xảy ra một lần trong đời.
Sự kiện sáng lên này được gọi là 'nova', có nghĩa là "sao mới" trong tiếng Latin. Nó được gọi như vậy vì nó mô tả hiện tượng một ngôi sao trước đây mờ nhạt có thể đột nhiên đạt đến độ sáng rõ rệt, có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời.
Ngôi sao T CrB nằm trong chòm sao Corona Borealis nổi bật ở Bắc bán cầu và cách chúng ta khoảng 3.000 năm ánh sáng (1 năm ánh sáng xấp xỉ bằng 9,5 nghìn tỷ km).
Hệ thống sao T CrB thường tỏa sáng ở độ sáng cấp +10, đây là phép đo mà các nhà thiên văn học sử dụng để mô tả độ sáng tương đối của một thiên thể (tức là độ sáng của nó khi nhìn từ Trái Đất) so với các thiên thể khác. Giới thiên học còn gọi là cấp sao biểu kiến.
Thang cấp sao biểu kiến được tính ngược lại: Số càng nhỏ, vật thể càng sáng. Ví dụ, Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm, có cấp sao biểu kiến là -1,46. Trăng tròn có cấp sao biểu kiến khoảng -13. Mặt trời có cấp sao biểu kiến -27.
Trong sự kiện xảy ra một lần trong đời này, cấp sao biểu kiến T CrB dự kiến sẽ tăng lên +2, khiến độ sáng của nó tương tự như sao Bắc Cực, Polaris. Nhờ đó, giới thiên văn học có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường trong nhiều ngày và có khả năng nhìn thấy trong hơn một tuần qua ống nhòm.
Cách quan sát T CrB
Người yêu thiên văn học nghiệp dư trên toàn thế giới có thể quan sát sự kiện thiên văn đặc biệt này thông qua việc theo dõi @NASAUniverse trên Twitter ngay từ bây giờ.
Sự kiện này sẽ xuất hiện trong chòm sao Corona Borealis, đây là một chòm sao khá khó phát hiện. Nó xuất hiện như một hình bán nguyệt nhỏ gần chòm sao Boötes và Hercules.
Hãy tập quan sát Corona Borealis ngay bây giờ và làm quen với vị trí của nó trên bầu trời. Sau đó, khi sự kiện này xuất hiện, bạn có thể ngắm nó bằng mắt thường ở khoảng cách 3.000 năm ánh sáng.
Sao mới (Nova) là gì?
Sao mới (Nova hay tân tinh) không giống với siêu tân tinh (Supernova).
Siêu tân tinh xảy ra khi một ngôi sao khổng lồ phát nổ vào cuối vòng đời của nó do cạn kiệt nhiên liệu. Ngược lại, sao mới là sự sáng lên tạm thời của một ngôi sao trước khi nó mờ dần trở lại.
T CrB là một sao mới tái phát, nghĩa là nó tạm thời sáng hơn hàng nghìn lần rồi lại chìm trong bóng tối. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy nó phát sáng rực rỡ là vào năm 1946.
Theo nghiên cứu của giới thiên văn học, T CrB là hệ sao đôi, nghĩa là 'ngôi sao' thực chất là hai ngôi sao quay quanh nhau.
T CrB bao gồm một sao lùn trắng và một sao khổng lồ đỏ. Sao lùn trắng là phần còn lại dày đặc của một ngôi sao đã sử dụng hết nhiên liệu của nó.
Cụ thể, trong thời kỳ đỉnh cao của cuộc đời, các ngôi sao được cung cấp năng lượng bởi phản ứng tổng hợp hạt nhân sâu bên trong lõi của chúng. Phổ biến nhất, hydro được chuyển thành heli tạo ra đủ năng lượng để giữ cho ngôi sao ổn định và tỏa sáng trong hàng tỷ năm.
Hệ sao T CrB đã qua thời kỳ đỉnh cao và hiện có tàn dư của một ngôi sao được gọi là sao lùn trắng. Trong khi đó, sao khổng lồ đỏ cũng đang ở giai đoạn cuối hành trình tiến hoá của nó.
Khi sao khổng lồ đỏ bắt đầu tăng nhiệt độ và đẩy các lớp bên ngoài vào không gian, 'bạn đồng hành' của nó là sao lùn trắng sẽ kéo vật chất sao đó vào. Điều này khiến sao lùn trắng nóng lên, tạo ra độ sáng tăng lên mà chúng ta thấy khi quan sát từ Trái đất (chính là sự kiện sẽ diễn ra trong khoảng từ nay cho đến tháng 9/2024).
"Những gì đang xảy ra trong hệ thống T CrB này là ngôi sao khổng lồ đỏ đang đổ tất cả vật chất lên bề mặt của sao lùn trắng. Khi có quá nhiều vật chất tiếp xúc với bề mặt của sao lùn trắng, phản ứng nhiệt hạch sẽ xảy ra, giống như một quả bom khổng lồ trong vũ trụ vậy" - William Cooke, Giám đốc chương trình môi trường thiên thạch của NASA, cho biết khi trả lời phỏng vấn BBC.
Tham khảo: The Conversation, BBC Sky at Night Magazine