8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết

Jayden |

Hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra sau sự việc người đàn ông da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát bắt giữ ở bang Minnesota hôm 25/5. Dưới đây là diễn biến trong những phút cuối đời của Floyd.

Các clip lan truyền mạnh mẽ khắp thế giới từ ngày 25/5 cho thấy sĩ quan Derek Chauvin đã ghì gối lên cổ của George Floyd khiến anh tử vong. Hiện giờ Chauvin đã bị truy tố tội giết người.

Theo BBC, toàn bộ quá trình dẫn đến cái chết của Floyd chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút - dựa trên các clip hiện trường, lời kể của nhân chứng và hồ sơ của cảnh sát Mỹ.

Trong đó, từ lúc 8h19' đến hơn 8h27' tối ngày 25/5 là thời gian ám ảnh nhất, khi viên cảnh sát giữ nguyên tư thế ghì gối đè lên gáy của Floyd. Theo New York Times, quãng thời gian này kéo dài đúng 8 phút và 46 giây nhưng đã để lại hậu quả vô cùng tàn khốc.

8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 1.

Một người biểu tình giơ cao hình ảnh của George Floyd (Nguồn: Jerry Holt/Star Tribune)

Tối 25/5, cảnh sát thành phố Minneapolis, bang Minnesota được một cửa hàng báo cáo nghi ngờ George Floyd (46 tuổi) sử dụng tờ 20 USD giả.

Có mặt ở hiện trường đầu tiên là hai cảnh sát Thomas Lane và J.A. Kueng. Họ đến ô tô của Floyd, nhìn thấy anh đang ngồi ở ghế tài xế cùng với hai hành khách khác. Sĩ quan Lane bắt đầu nói chuyện với Floyd, sau đó rút súng nhắm vào anh thông qua cửa kính ô tô đang mở, yêu cầu giơ hai tay lên.

Khi Floyd đặt tay lên vô lăng, sĩ quan Lane rút súng lại, vừa ra lệnh vừa kéo anh ra khỏi ô tô. Floyd đã "chống cự khi bị còng tay", nhưng sau đó đã "tuân thủ" trong tình trạng bị khống chế. Lane cho nghi phạm ngồi xuống và hỏi tên, giấy tờ tuỳ thân cũng như giải thích lí do bắt giữ anh.

8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 2.

Lane cùng với sĩ quan Keung có mặt ngay từ đầu, đã xốc Floyd đứng dậy và dường như kéo anh đến xe cảnh sát. Vào lúc 8h14' tối, Floyd chợt cứng người lại và ngã xuống đất, nói rằng mình gặp chứng claustrophobic (hội chứng sợ không gian kín).

Ngay sau đó, hai sĩ quan Derek Chauvin và Tou Thao cũng đến hiện trường trên một xe cảnh sát khác. Được biết, nghi phạm Floyd và sĩ quan Chauvin (44 tuổi) đã cùng làm việc tại một hộp đêm ở Minneapolis trong khoảng 1 năm trở lại đây.

"Khi Chauvin không làm nhiệm vụ tại đồn cảnh sát, anh ấy đã phụ trách an ninh cho chúng tôi trong suốt 17 năm qua, kể từ khi quán mở cửa kinh doanh" - bà Maya Santamaria, chủ quán bar El Nuevo Rancho cho biết. Đây cũng chính là quán bar mà Floyd làm người bảo vệ bên trong.

"Họ đã làm việc trong cùng khung thời gian, chỉ là Chauvin bảo đảm an ninh bên ngoài còn các nhân viên bảo vệ thì túc trực bên trong". Tuy nhiên, bà Santamaria không thể khẳng định giữa viên cảnh sát và Floyd có quen biết nhau hay không.

8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 3.

Sĩ quan Derek Chauvin

Quay trở lại hiện trường, phía cảnh sát hiện gồm 4 người đã thực hiện nhiều nỗ lực để đưa Floyd vào ghế sau xe tuần tra. Thế nhưng Floyd "không tự nguyện bước vào và đấu tranh với cảnh sát khi cố tình ngã xuống đất" - theo hồ sơ vụ việc ghi lại.

Trong lúc đứng bên ngoài xe, Floyd có vẻ như đã nói mình không thở được. Cảnh sát vẫn cố gắng đưa anh vào trong ghế hành khách.

8 phút và 46 giây ám ảnh cả nước Mỹ

Tiếp đó, Chauvin kéo Floyd đến bên hông xe, đặt nghi phạm trong tư thế hướng mặt xuống đất và vẫn luôn bị còng tay. 2 viên cảnh sát khác đã cố định chân của Floyd. Đến lúc 8h19', Chauvin đặt đầu gối bên trái lên phía sau gáy của Floyd.

8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 4.

Khi Floyd kêu lên "Tôi không thở được", "Mẹ ơi" và "Làm ơn" thì cảnh sát đã đáp: "Anh vẫn đang có thể nói chuyện đấy".

Tuy nhiên, đến cuối cùng sĩ quan Lane đã bày tỏ: "Chúng ta có nên lật anh ta lại không?".

Chauvin đáp: "Không, cứ giữ nguyên vị trí mà chúng ta đã bắt giữ hắn".

Khi Lane lo ngại "về tình trạng mê sảng" của nghi phạm, Chauvin nói: "Đó là lí do chúng ta để hắn nằm sấp".

8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 5.
8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 6.

8h24', Floyd ngừng cử động. Khoảng 1 phút sau đó đã xuất hiện tình tiết như đoạn video lan truyền khắp nước Mỹ, cho thấy Floyd gần như không thể nói chuyện hay thở được.

Sĩ quan Keung kiểm tra mạch đập trên cổ tay phải của Floyd, cho biết không bắt được mạch. Dù vậy, không có viên cảnh sát nào di chuyển khỏi vị trí của mình.

3 phút sau, 8h27', Chauvin đã bỏ đầu gối ra khỏi gáy của Floyd. Xe cứu thương được gọi đến hiện trường nhưng người đàn ông đã không qua khỏi. Trung tâm Y tế hạt Hennepin tuyên bố Floyd tử vong vào ít lâu sau đó.

George Floyd - "người khổng lồ luôn vui vẻ"

Floyd, 46 tuổi, đã mất công việc bảo vệ tại quán bar Conga Latin Bistro do nơi này đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Cao đến gần 2 m, Floyd được bạn bè đùa rằng anh là "người khổng lồ thân thiện".

Chủ nhà hàng Jovanni Tunstrom còn cho biết Floyd "luôn vui vẻ". "Anh ấy có thái độ rất tốt. Anh ấy thường nhảy dở tệ để chọc cười mọi người. Tôi đã từng cố dạy anh ấy khiêu vũ vì Floyd yêu thích nhạc Latinh, thế nhưng không làm được vì Floyd quá cao so với tôi... Anh ấy gọi tôi là 'ông chủ'. Tôi bảo rằng: 'Không đâu, Floyd, tôi là bạn của anh'".

8 phút 46 giây đầy ám ảnh của nước Mỹ: Khoảnh khắc cuối cùng của người đàn ông bị cảnh sát ghì chết - Ảnh 7.

Floyd chuyển đến thành phố Minneapolis từ Houston, Texas - nơi anh từng là ngôi sao trong đội bóng bầu dục trường trung học.

Cuộc đời của anh từng nhiều lần vấp ngã, vào năm 2007 bị cáo buộc cướp của ở Texas. Dù bị tuyên án 5 năm tù nhưng Floyd đã được tha bổng vào năm 2009. Anh chuyển đến Minneapolis vào khoảng năm 2014, để lại phía sau là con gái nhỏ, hiện giờ 6 tuổi và vẫn sống cùng mẹ.

Dịch Covid-19 là một cú sốc nữa trong cuộc đời của người đàn ông này, khiến anh mất việc và chật vật bám víu vào nghề thứ hai của mình - lái xe tải.

Câu nói cuối cùng của anh - "Tôi không thở được" - đang vang dội khắp nước Mỹ trong các cuộc biểu tình suốt nhiều ngày qua. Nhưng trước đây, nó cũng từng vang lên trong lịch sử đau thương của xứ sở cờ hoa.

Eric Garner cố gắng thốt lên những lời này khi bị ghì cổ đến chết bởi viên cảnh sát ở Đảo Staten (thành phố New York) vào tháng 7/2014. Trong các vụ việc, cả 2 người tử vong đều là da màu và 2 cảnh sát đều là da trắng.

(Theo Telegraph, NY Times)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại