Trong Thế chiến II, hòn đảo Kiska thuộc quần đảo Aleut bị Nhật Bản chiếm giữ từ mùa hè 1942, khi thủy quân lục chiến nước này đổ bộ lên đảo và phá hủy trạm thời tiết của Hải quân Mỹ ở đó. Trong cuộc đổ bộ đầu tiên trên các đảo Attu và Kiska, Nhật đã đưa các đơn vị quân đội và các đơn vị công tác đặc biệt lên tới 1.200 người trên mỗi hòn đảo.
Các đơn vị và nhân viên bổ sung đã được chuyển đến đây như thông tin liên lạc, phòng không, căn cứ tàu ngầm, tổng số quân đồn trú trên đảo Attu đã tăng lên 2.500 người, và trên đảo Kiska - 5.400 người. Thời kỳ cao điểm, theo tình báo Mỹ, tổng cộng quân Nhật Bản đồn trú trên đảo Kiska lên tới 10.000 người. Tuy vậy, việc chiếm giữ những hòn đảo này không mang lại cho Nhật Bản lợi thế đặc biệt nào.
Trong gần một năm sau khi người Nhật chiếm đóng hai hòn đảo Aleut này, hành động của các đồng minh trong khu vực này chỉ giới hạn ở các cuộc không kích gây trở ngại và tuần tra bằng tàu ngầm, nhằm mục đích cô lập các đảo bị đối phương chiếm đóng.
Các tàu chiến đã pháo kích và máy bay Mỹ đã ném bom đảo Attu và Kiska trong vài tuần trước khi quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch Landgrab vào ngày 11/5/1943, đỗ 11.000 quân lên Attu. Người Mỹ dự kiến chiến dịch sẽ kéo dài không quá vài ngày, nhưng thời tiết khắc nghiệt và địa hình gồ ghề, lầy lội cuộc chiến đã kéo dài trong hơn hai tuần.
Sau trận chiến đẫm máu trên đảo Attu, các nhà hoạch định quân sự của Đồng minh đã dự đoán chắc chắn trận chiến dành đảo Kiska cũng vô cùng khó khăn. Hạm đội tấn công bao gồm ba tàu chiến, hai tàu tuần dương và mười chín khu trục hạm, đã bắn phá các trận địa của quân Nhật trước cuộc đổ bộ đầu tiên. Tại cả hai khu vực đổ bộ khác nhau của quân Mỹ và Canada, thành phần đổ bộ đầu tiên là Lực lượng Đặc nhiệm số 1 (còn gọi là Lữ đoàn quỷ, Quỷ đen, Lữ đoàn quỷ đen) - một đơn vị đặc nhiệm thiện chiến Mỹ - Canada trong Thế chiến II, dưới sự chỉ huy của Quân đoàn 5 Mỹ.
Trận chiến giành đảo Kiska (diện tích gần 278 km2) mang tính quyết định, là trận cuối cùng trong chiến dịch giải phóng quần đảo Aleut. Trước khi khoảng 40.000 lính bộ binh Mỹ và Canada đổ bộ lên Kiska, hải quân và không quân Đồng minh đã dội lên hòn đảo này hơn 700 tấn bom và đạn pháo. Trong năm trước đó, những cuộc tấn công dạng này đã giết chết hơn 2.500 quân Nhật.
Vị trí đổ bộ của quân Mỹ và Canada; Nguồn: wikipedia.org
Khởi đầu Chiến dịch "Cottage", ngày 15/8/1943 Sư đoàn 7 quân Mỹ đổ bộ lên phía tây. Khi các tàu chiến Mỹ đến Kiska, thời tiết đẹp và biển lặng, khoảng 35.000 binh lính đã đổ bộ mà không gặp trở ngại gì. Ngày 16/8, Lữ đoàn bộ binh 13 của Sư đoàn 6 bộ binh Canada đổ bộ lên phía bắc hòn đảo. Các lực lượng Đồng minh không gặp phải sự kháng cự nào.
Sau hơn hai ngày bị bao vây bởi sương mù dày đặc và luôn trong tình trạng tâm lý căng thẳng, quân Canada nổ súng trước vào quân Mỹ vì nghĩ đó là người Nhật. Cuộc giao tranh người Mỹ và người Canada tiếp diễn cho đến ngày 24/8/1943, kết quả đã khiến 103 người thiệt mạng và 97 người bị thương vì "hỏa lực đồng minh", mìn và bẫy; 130 người khác bị cóng chân trong các chiến hào; 191 lính mất tích. Riêng một quả thủy lôi do người Nhật gài sẵn đã phát nổ và làm hư hỏng một phần lớn đuôi của chiếc tàu khu trục USS Abner Read (DD-526); vụ nổ đã giết chết 71 người và làm bị thương 47 người.
Nhưng khía cạnh đáng chú ý nhất của chiến dịch là ngay trước cuộc đổ quân của Đồng minh, toàn bộ lực lượng đồn trú của Nhật đã rời hòn đảo, chỉ còn lại công sự và nhà trống. Người Nhật quỷ quyệt đã sơ tán khỏi hòn đảo dưới sương mù 2 tuần trước đó, người Mỹ và Canada đã đấu súng với nhau. Người Nhật đã có những dấu hiệu về sự rút lùi của mình, dù nhỏ - súng phòng không từng khai hỏa trong các cuộc oanh kích Kiska đều không có bất kỳ phản ứng nào khi những máy bay Đồng ninh lướt ngang qua trong những ngày trước cuộc tái chiếm.
Quân Canada trên đảo Kiska; Nguồn: canadiansoldiers.com
Thông tin về cuộc di tản hiện có sẵn từ các nguồn của Nhật Bản. Khi cuộc chiến trên đảo Attu đang diễn ra, người Nhật đã quyết định rút quân đồn trú từ Kiska để tăng cường cho quần đảo Kuriles. Quyết định được ban hành trong một chỉ thị của Hoàng gia ngày 21/5/1943. Nỗ lực rút khoảng 820 người, hơn một nửa trong số họ là dân thường, bằng tàu ngầm đã không được thực hiện. Về sau, việc di tản được thực hiện bởi các lực lượng tàu mặt nước trong điều kiện sương mù dày đặc.
Nhờ việc rút quân khỏi đảo Kiska của Nhật Bản, Thế chiến II đã tránh được một trận đánh đẫm máu. Chiến dịch "Cottage" đã đi vào lịch sử quân sự như một ví dụ hài hước về nhầm lẫn trong chiến tranh. Nhưng trên hết, nó là bài học xương máu cho các cấp chỉ huy về công tác trinh sát và đánh giá tình hình…/.