1. Lên ý tưởng cho video
Trước khi bắt đầu quay một video, bạn nên suy nghĩ và lên ý tưởng sơ bộ về bố cục và các phân cảnh. Nếu xác định rõ ràng nội dung và trình tự của một câu chuyện cụ thể, bạn sẽ dễ dàng cân nhắc những cảnh quay cần thiết, thay vì phải chọn lọc hàng giờ đồng hồ trong các file ghi hình.
Tốt nhất bạn nên lập một danh sách các cảnh quay, đồng thời tạo một bản phân cảnh sơ bộ để phát triển ý tưởng.
Phác thảo ý tưởng cho video. Ảnh: CNET
2. Thiết lập các cài đặt camera
Hầu như tất cả các điện thoại thông minh hiện nay đều có tính năng quay video, tuy nhiên bạn nên kiểm tra lại các cài đặt mặc định để đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể. Cài đặt độ phân giải là yếu tố quan trọng cho một video sắc nét. Tiêu chuẩn HD 1080p là sự lựa chọn phổ biến nhờ chất lượng tốt và dung lượng vừa phải.
Đối với một số dòng máy cao cấp, bạn có thể tăng lên tiêu chuẩn 4K. Đối với các máy có cấu hình thấp và hạn chế dung lượng, chất lượng 720p cũng là một sự lựa chọn không tồi.
3. Lưu ý về thời lượng để đảm bảo sự hấp dẫn
Để tránh sự nhàm chán, bạn không nên quay liên tục một video dài. Thay vào đó, bạn hãy quay thành các đoạn clip nhỏ, với độ dài khoảng 15-20 giây. Các đoạn ngắn được cắt ghép lại với nhau sẽ mang lại cho video cảm giác hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn.
Ảnh: CNET
4. Tránh rung lắc máy khi quay
Khi máy rung, chất lượng video của bạn sẽ bị giảm đi đáng kể. Nếu điện thoại của bạn có cài đặt chế độ giữ ổn định khi quay video, bạn hãy tận dụng triệt để tính năng này. Nếu không, bạn nên cân nhắc sử dụng chân máy nhỏ để giữ điện thoại cố định khi quay.
Nếu đầu tư hơn, bạn có thể sử dụng thiết bị chống rung chuyên dụng cho điện thoại (gimbal) để ghi lại khoảnh khắc.
5. Sáng tạo với các góc quay độc đáo
Một cách tuyệt vời để cải thiện chất lượng hình ảnh trong clip là thử nghiệm với nhiều góc quay khác nhau. Bạn có thể thay đổi mọi thứ. Bạn có thể thử ghi hình một vật thể nhất định từ nhiều góc độ, sau đó cắt ghép với nhau, nhằm tạo nên sự khác biệt lớn về tổng thể so với video quay lại quá trình thông thường.
Ảnh: CNET
6. Cải thiện âm thanh
Nếu video của bạn làm dưới dạng vlog, công đoạn thu âm cần đặc biệt chú trọng. Để có kết quả tốt nhất, hãy cân nhắc mua một chiếc micro nhỏ cắm vào giắc tai nghe của điện thoại (hoặc cổng nguồn, thông qua bộ chuyển đổi).
Thao tác này sẽ góp phần cải thiện chất lượng âm thanh. Nếu bạn không muốn đầu tư thêm thiết bị, vẫn có cách để tối ưu chất lượng âm thanh. Bạn nên xử lý âm thanh nền khi chỉnh sửa video, tạp âm sẽ giảm đáng kể.
7. Thêm hiệu ứng
Hầu hết các điện thoại hện nay đều có các chế độ để quay video chuyển động chậm và hiệu ứng đặc biệt. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc hợp lý khi sử dụng các hiệu ứng sao cho hợp với tình huống và ý tưởng của mỗi video.
Ảnh: CNET
8. Hoàn thiện video trên ứng dụng
Khi đã có các đoạn video ngắn, bạn tiến hành ghép và hoàn thiện để có sản phẩm cuối cùng. Đây có thể là phần quan trọng nhất quyết định sự thành bại của video, đặc biệt đối với những người mới làm quen với công việc này.
Một số dòng điện thoại cao cấp hiện nay có tích hợp trình tạo video tự động, cho phép bạn chọn một số clip, ứng dụng sẽ xử lý để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh với nhạc nền và hiệu ứng. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số phần mềm chỉnh sửa video miễn phí trên kho ứng dụng CH Play hoặc App Store để xử lý video theo ý muốn.
Theo CNET