76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn "giá mà dài thêm vài trăm km nữa"

Thanh Sky |

Chinh phục quãng đường gần 2.300km bằng đôi chân "cứng cỏi", sau hơn 2 tháng bác Công đã hoàn thành cuộc hành trình trước sự mong chờ, ngưỡng mộ của người thân, bạn bè.

Trên trang cá nhân, liên tục là những lời động viên, khen ngợi và chúc mừng bác Trần Ngọc Công đã vượt qua giới hạn về sức khỏe, tuổi tác trong một kế hoạch không tưởng. Bác đã hoàn xuất sắc mục tiêu chinh phục chiều dài đất nước bằng chính đôi chân của mình khi vượt kế hoạch đề ra ban đầu là 100 ngày.

Bác chia sẻ rằng bản thân cảm thấy rất vui, cùng với đó là hạnh phúc vì nhận được sự quan tâm, yêu mến của rất nhiều người trong suốt chuyến đi. Thế nhưng dường như tinh thần của bác vẫn luôn "sôi sục, khí thế" cho tới khi cán đích, bác vẫn muốn được đi tiếp.

"Điều không tưởng đặt ra rồi tự chinh phục nó, hồ hởi lắm cháu. Cảm giác như vừa làm được một điều kỳ diệu, nhưng giá mà dài thêm vài trăm km nữa"- Bác phấn khởi cho biết.

Quãng đường mà bác chinh phục lên tới gần 2.300km, nếu không tính 9 ngày dừng chân do bệnh gout tái phát khi ở Thanh Hóa và Nha Trang thì bác chỉ mất 67 ngày cho cả cuộc hành trình.

76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn giá mà dài thêm vài trăm km nữa - Ảnh 1.

Bác Trần Ngọc Công đã chạm đích sau cuộc hành trình dài 76 ngày

Đặc sản "tình người"

Nửa đoạn đường về sau, đi tới đâu bác cũng được chào đón nhiệt tình. Không chỉ có người dân địa phương, các hội, nhóm phượt trên khắp mọi miền đều lên kế hoạch đón tiếp, giao lưu với bác.

Anh Nhất Khang (Cà Mau) là người đam mê phượt, đã từng trải nghiệm trên khắp các cung đường. Hiện là chủ của quán cà phê Biker – nơi đã và đang làm cầu nối cho các bạn trẻ, những người cùng niềm đam mê có chỗ dừng chân, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Khi hỏi về bác Công, anh hào hứng cho biết:

"Trời ơi, bác Công à? Bác ấy tuyệt vời lắm! Khang đã phải tìm, liên hệ khắp nơi để xin được số điện thoại của bác, hẹn gặp bác tại Cà Mau. Thật may cuối cùng cũng được gặp lại còn được ngồi trò chuyện, nghe bác kể về chuyến đi của mình.

76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn giá mà dài thêm vài trăm km nữa - Ảnh 2.

Bác Công "chiêu mộ" được rất nhiều tấm lòng cảm phục trên đường đi.

Trông bác khác nhiều so với khi thấy ảnh bác ngoài Hà Nội, bác đen và ốm lắm. Nhưng tinh thần bác thì cực kì phấn chấn.

Khang thực sự học hỏi được ở bác quá nhiều điều, mình cũng từng đi phượt nên hiểu được sự vất vả trên những con đường ấy, mình chạy xe mà nhiều khi còn "ớn" vì quá hiểm trở, ấy vậy mà hơn 60 tuổi bác lại làm được phi thường này. Mình cảm thấy nể phục và đôi chút xấu hổ.

Bác là người truyền lửa đam mê cho tụi Khang, các nhóm phượt trẻ ở đây, và chắc chắn rằng mình sẽ tìm gặp lại bác khi ra Hà Nội" .

Về phía mình, bác Công cũng dành nhiều tình cảm cho anh Khang và các bạn trẻ tại Cà Mau "Khang tận tình giúp đỡ bác khi tới Cà Mau, cậu ấy lo chỗ ăn ở, cậu ấy gọi hỏi han liên tục, liên hệ bạn bè khắp nơi. Thực sự bác rất cảm động".

76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn giá mà dài thêm vài trăm km nữa - Ảnh 3.

Không chỉ có anh Khang, mà còn rất nhiều bạn trẻ khác dành sự trân trọng, kính nể của mình cho bác.

Phạm Hữu Đức Anh- phượt thủ đã từng đi xuyên Việt từ Nam ra Bắc bằng mô tô chia sẻ trên trang cá nhân: "Gặp bác trong hành trình cuối ở Năm Căn - Cà Mau thấy thật cảm phục bác. Bác đang đi hành trình ngược lại hành trình ngày trước anh em con đã đi.

Con thực hiện hành trình khi còn trẻ, ngày đó đi là để đi vậy thôi chứ chữ "Phượt" cũng chưa ra đời, bọn con gọi đó là hành trình tuổi trẻ, còn bác thực hiện hành trình khi đã tương đối già.

Thế mới thấy ý chí bác thật tuyệt vời giữa cái nắng gay gắt, ngày trước khi con đi người ủng hộ thì ít mà người bảo mình vừa khùng vừa rảnh rỗi thì nhiều.

Bây giờ thì mọi người có cái nhìn nhẹ nhàng và trân trọng hơn. Bác là một phượt thủ đích thực đầy ý chí và đam mê".

Những ai theo dõi và biết đến bác có lẽ đều nhớ bác đang mang trong mình căn bệnh gout, mỗi lần tái phát không chỉ gây đau đớn và nếu nặng còn không thể cử động chứu chưa nói đến bước đi.

Thế nhưng, không chỉ một lần mất 5 ngày ở Thanh Hóa, căn bệnh này lại tiếp tục "hoành hành" khi bác tới Nha Trang. " Lần 2 bác đi khập khiễng, may uống thuộc kịp thời nên chỉ sưng nhẹ, 3 ngày sau thì khỏi".

Vì phải kiêng khem nhiều thứ nên đi dọc đất nước bao nhiêu món ngon, của lạ bác đều không dám thử. Nhiều khi nhìn thèm lắm, đặc biệt khi đi tới các tỉnh miền Trung, Nam Bộ hải sản nhiều vô kể nhưng cũng đành "nuốt nước bọt".

76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn giá mà dài thêm vài trăm km nữa - Ảnh 4.

Bác Công được những người bạn mới quen tổ chức sinh nhật

Bác tâm sự rằng ngày nào bác cũng ca "bài ca cơm sườn" không dám dùng món gì khác. Nhưng bù lại bác được thưởng thức đặc sản mà không phải ai cũng có cơ hội được hưởng đó là "tình người".

"Tới cuối Trà Vinh, các bạn ở đây tổ chức sinh nhật cho bác, một cái bánh Gato lớn khiến bác rất bất ngờ. Một sinh nhật vô cùng ý nghĩa có lẽ không bao giờ bác có thể quên.

Rồi đi tới đâu cũng được cho quà, nhưng chỉ xin nhận tấm lòng vì nếu nhận hết sẽ nặng hơn người mất. Thôi thì những tấm chân tình ấy xin được khắc cốt ghi tâm".

Đừng gọi bác là "phượt thủ"

Nhận được nhiều tình cảm và trở thành "hiện tượng" trong giới những người đam mê "phượt" nhưng khi hỏi bác về danh hiệu mà dân mạng đã dành tặng bác "phượt thủ chân chính của năm" bác đã từ chối ngay lập tức :

"Đừng gọi bác là phượt thủ, có người gọi bác là chú lính chì. Bác thấy thích tên đó hơn! Còn nếu phượt thì bác mơ ước đi nối 3 thủ đô Đông Dương nhưng phải kiếm được bạn đường và phượt theo đúng nghĩa: Ngủ lều, nấu ăn lấy, đi xuyên thôn làng rừng núi, trèo đèo, lội suối… ".

Đã có qúa nhiều câu chuyện trong chuyến đi mang nặng "thành tích", "kỉ lục", nhưng đối với bác đi là để khám phá, tìm hiểu, đi là để giao lưu, gặp gỡ những người bạn tốt, để thử bản thân và để không lãng phí những ngày tháng cuối cùng của đời người.

Bác chia sẻ rằng cũng chính nhờ chuyến đi này, bác thấy các bạn trẻ lập những hội/nhóm phượt rất lành mạnh, không như những gì mọi người thấy trên tivi, báo đài rằng đó là những đứa "nghịch ngợm, ngông cuồng".

76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn giá mà dài thêm vài trăm km nữa - Ảnh 5.

"Bây giờ thì có lẽ người lớn đang quá khắt khe. Đừng đánh đồng tất cả giới trẻ bây giờ sống vô trách nhiệm, buông thả. Họ là những người có niềm đam mê, họ cũng sống có lý tưởng đấy chứ.

Họ cần sự ủng hộ, khuyên răn nếu đi sai cách, đừng cấm đoán hay coi thường. Đó là những hoạt động rất tốt, thể dục thể thao và rèn luyện được cả tinh thần yêu nước" - bác Công chia sẻ.

Trở về với "bà ấy"

Dù vẫn chưa quyết định sẽ quay trở lại Hà Nội bằng phương tiện gì nhưng bác chia sẻ rằng " Đi bộ lúc đi là đủ rồi, quay lại bác sẽ đi tàu hoặc máy bay".

Hơn 2 tháng rong ruổi trên đường, "thắt lưng đã thừa thêm 5-7 phân", làn da rám nắng duy có tinh thần và sức khỏe không những được giữ vững mà còn củng cố thêm rất nhiều.

Người thân và gia đình luôn ủng hộ nhưng bác cũng biết rằng ai cũng mong mỏi tới ngày bác trở về.

"Cả nhà động viên cứ đi thăm thú cho thoải mái rồi về nhưng có lẽ đã đến lúc về nhà với bà ấy, với các con các cháu rồi. Họ đã phải lo lắng cho bác quá nhiều".

76 ngày đi bộ từ Bắc vào Nam, ông cụ 65 tuổi vẫn giá mà dài thêm vài trăm km nữa - Ảnh 6.

Gia đình hạnh phúc của bác Công

Cùng chúc cho bác Công luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, và luôn giữ được tinh thần lạc quan liệt như bây giờ.

Qua câu chuyện về bác và cuộc phưu lưu đầy thách thức này, có thể thấy được rằng, những người có ý chí, nghị lực như bác Công sẽ mãi mãi là động lực, là nguồn cảm hứng khi được sống có ý nghĩa, có ích, và sống là chính mình.

"Đừng đi qua thời gian mà không để lại dấu vết. Được sinh ra trên cuộc đời này đã là một điều kì diệu, vì thế đừng sống đơn giản chỉ là tồn tại. Hãy sống để cảm nhận sự đẹp đẽ và kì diệu của cuộc đời để khỏi thấy xót xa, tiếc nuối cho những ngày sống hoài, sống phí".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại