75 ngày đấu trí tại Hội nghị Geneve năm 1954

Quốc Hùng |

Trải qua 75 ngày đấu trí cân não trên bàn đàm phán với các cường quốc, nền ngoại giao Việt Nam đã thành công vang dội với việc ký kết Hiệp định Geneve vào ngày 21/7/1954.

Cách đây 70 năm (năm 1954) tại thành phố Geneve, Thụy Sỹ đã diễn ra Hội nghị về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đấu trí cân não trên bàn đàm phán với các cường quốc, nền ngoại giao Việt Nam đã đạt được thành công vang dội với việc ký kết Hiệp định Geneve vào ngày 21/7/1954; khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…

75 ngày đấu trí tại Hội nghị Geneve năm 1954- Ảnh 1.

Hội nghị Geneve (Thụy Sỹ) năm 1954 (Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao).

Chỉ đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ngày 8/5/1954, Hội nghị Geveve bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn". Có thể khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng tạo tiếng vang toàn cầu, là nhân tố mang tính quyết định đưa đoàn Việt Nam đến bàn Hội nghị cũng như tạo ưu thế cho Ta trên bàn đàm phán.

Tại sự kiện lịch sử này, Việt Nam đã lần đầu tiên tham gia một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và tính toán lợi ích riêng. Tuy nhiên, thông qua phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, đoàn đàm phán của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

Những tính toán lợi ích của các bên tham gia

Hội nghị Geneve năm 1954 về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương được tổ chức theo quyết định của Hội nghị ngoại trưởng bốn nước lớn gồm: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 2/1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương. Hội nghị Geneve khai mạc 8/5/1954 và kết thúc vào ngày 21/7/1954.

Thành phần tham dự Hội nghị có 9 bên gồm: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên Hiệp Pháp do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu, ủy quyền cho Pháp tham dự trực tiếp Hội nghị), Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.

75 ngày đấu trí tại Hội nghị Geneve năm 1954- Ảnh 2.

Các thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Geneve, năm 1954 (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Đầu tiên, về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội nghị chính thức khai mạc một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Do đó, có thể nói đoàn Việt Nam tham dự hội nghị với tâm thế người chiến thắng. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn. Cùng với đó, tham gia phái đoàn của ta còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu...

Việt Nam tham gia Hội nghị Geneve với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. "Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi... Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao", Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ trong báo cáo trước Hội đồng Chính phủ ngày 15/3/1954.

Trước đó, xác định tầm quan trọng của việc phải giành được thắng lợi tại Hội nghị Geneve, tháng 3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp, làm việc với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Liên Xô để vận động và thúc đẩy sự ủng hộ. Qua làm việc với phía Trung Quốc và Liên Xô, Việt Nam nhận thấy cả hai nước đều ủng hộ Việt Nam tham gia Hội nghị Geneve để đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương. Việt Nam cũng hiểu rõ rằng, cả hai nước đều vì lợi ích riêng mà thúc đẩy Hội nghị Geneve. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều mong muốn hòa hoãn với Mỹ và phương Tây, giảm căng thẳng tình hình thế giới để tập trung mục tiêu xây dựng đất nước...

Về phía Trung Quốc, nước này đến Hội nghị với mục tiêu sớm đạt được một giải pháp hòa bình ở Đông Dương để tránh sự can thiệp của Mỹ, tránh quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương và đẩy chiến sự xa khỏi biên giới, đảm bảo an ninh quốc gia. Tại Geneve, Trung Quốc còn có mục tiêu quan trọng là thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu nhằm phá bao vây, cấm vận của Mỹ; tiến tới gia nhập Liên Hợp Quốc và giải quyết vấn đề Đài Loan...

Về phía Pháp, nước này đến Hội nghị Geneve với mong muốn đạt được một giải pháp đình chiến ít có hại nhất; chủ trương hạn chế mức tối đa thắng lợi của cách mạng Việt Nam và Đông Dương, chia cắt Việt Nam, giữ Lào và Campuchia càng nguyên vẹn càng tốt. Pháp còn có hai mục tiêu quan trọng là bảo toàn quân đội viễn chinh để tiếp tục giữ các thuộc địa còn lại, trấn an dư luận trong nước... Trong một số vấn đề, Pháp nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh.

75 ngày đấu trí tại Hội nghị Geneve năm 1954

Hội nghị Geneve trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp Trưởng đoàn. Diễn biến của Hội nghị có thể chia thành 3 giai đoạn chủ yếu:

Giai đoạn 1 (từ 08/5/1954 - 19/6/1954), các bên tập trung thúc đẩy lập trường, quan điểm của mình. Theo đó, Pháp nhấn mạnh chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập vấn đề chính trị, đồng thời tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam. Mỹ ủng hộ quan điểm của Pháp. Trong khi đó, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu phải có đại diện kháng chiến Lào và Campuchia tham dự; khẳng định lập trường giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị và cả ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia.

Việt Nam yêu cầu Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Đặc biệt, Việt Nam nêu cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương là quân đội nước ngoài phải rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam. Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào Đông Dương.

75 ngày đấu trí tại Hội nghị Geneve năm 1954- Ảnh 3.

Các nhà báo quốc tế tại sân bay Geneve, chờ đợi ghi hình các đoàn đại biểu tới dự Hội nghị. (Ảnh: Tư liệu)

Giai đoạn 2 (từ 20/6/1954 – 10/7/1954), đây là giai đoạn đấu trí căng thẳng giữa các bên. Trong giai đoạn này, các bên liên quan tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, Trung Quốc và Pháp tập trung thảo luận về vấn đề vạch vĩ tuyến nào để chia cắt Việt Nam. Sau cuộc gặp giữa Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Pháp Mendes France ngày 23/6/1954, Pháp chuyển trọng tâm đàm phán sang vấn đề chia cắt Việt Nam và nêu vấn đề chia cắt ở vĩ tuyến 19 với Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Từ ngày 3 - 5/7/1954, tại Liễu Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai để bàn về các vấn đề phân vùng, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề Lào và Campuchia, song hai bên còn những khác biệt. Theo đó, Ta muốn vĩ tuyến 16, phía Trung Quốc đề nghị vĩ tuyến 17; về thời hạn tổng tuyển cử, Ta nêu 6 tháng, phía Trung Quốc đề nghị hai năm.

Đến ngày 9/7/1954, tại cuộc họp tiểu ban quân sự, Ta và Pháp tiếp tục không đạt được sự đồng thuận về vấn đề chia cắt vĩ tuyến. Đến ngày 10/7/1954, Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai điện khuyên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên nhượng bộ về vấn đề vĩ tuyến, về Lào, về Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế để sớm đạt được Hiệp định. Như vậy các cuộc họp hẹp ở Geneve trong giai đoạn này không có bước đột phá đáng kể.

Giai đoạn 3 (từ 11-21/7/1954), vào 10 ngày cuối cùng của Hội nghị Geneve đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, đàm phán tay đôi, tay ba cũng như giữa nhiều bên. Đây cũng là giai đoạn gay cấn nhất, căng thẳng nhất để đi được đến thỏa thuận cuối cùng. Trong giai đoạn này, các đoàn đã làm việc hết sức khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là quá trình đàm phán gay cấn giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Pháp về vấn đề phân chia vĩ tuyến, thời hạn tổ chức tổng tuyển cử, vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia...

Kết quả, tại cuộc họp toàn thể thứ 8 tiến hành từ 17 giờ 15 phút tới đêm 20/7/1954, chỉ vào phút chót, Trưởng đoàn các nước Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam mới đạt thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm. Tới 24h ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Sau đó, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào, Campuchia cũng được ký.

Đêm 20 rạng ngày 21/7/1954, đánh dấu kết thúc 75 ngày đấu trí căng thẳng và thành công vang dội cho đoàn Việt Nam. Theo đó, Hội nghị Geneve chính thức kết thúc, ra Tuyên bố gồm 13 điểm, trong đó quan trọng hơn cả là điều khoản các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo Nhân dân (https://special.nhandan.vn/mot_ngoaile_cua_lichsu/index.html)

2. Báo Công luận (https://www.congluan.vn/dau-tri-o-geneva-post65340.html)

3. Tạp chí nông thôn mới (https://tapchinongthonmoi.vn/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu-cuoc-dau-tri-can-nao-26027.html)

4. Báo Tiền phong (https://tienphong.vn/geneva-cuoc-dau-ngoai-giao-can-nao-post706765.tpo)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại