72 tháng tù cho nhóm bị cáo chuyên làm giả hồ sơ đấu giá ô tô

Mạnh Hùng |

Ngày 3/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với nhóm bị cáo trong đường dây chuyên làm giả hồ sơ đăng ký xe ô tô về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 267 - BLHS.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Nguyễn Văn Dũng (SN 1976, trú tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội); Nguyễn Văn Dũng (SN 1974, trú tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và bị cáo Nguyễn Ngọc Thịnh (SN 1956, trú tại phố Chợ Vòi, Thường Tín, Hà Nội), cả 3 bị cáo này cùng bị Viện KSND TP Hà Nội truy tố về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức .

Theo cáo trạng truy tố, năm 2007, Nguyễn Bá Thái nhờ Nguyễn Ngọc Thịnh tìm người đứng tên hồ sơ mua đấu giá xe ô tô các tỉnh để làm thủ tục đăng ký tại Hà Nội.

Thịnh gặp Nguyễn Văn Dũng (Dũng Thạch Thất) và Nguyễn Văn Dũng (Dũng Thanh Trì) là những người có hộ khẩu tại Hà Nội để phô tô chứng minh thư.

Theo đó, Dũng Thanh Trì cầm hồ sơ xe đến nộp thuế trước bạ và đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt - CA TP Hà Nội.

Khi làm thủ tục đăng ký, Nguyễn Bá Thái và Thịnh lái xe đến bàn giao cho Dũng Thanh Trì để cảnh sát kiểm tra thực tế xe.

Vì có nhu cầu đăng ký nhiều xe và cũng để tránh công an phát hiện, cả bọn bàn nhau phải tìm thêm một số người khác lấy thông tin đưa vào hồ sơ mua xe đấu giá.

Mỗi lần đăng ký thành công, Thịnh, Dũng Thạch Thất và Dũng Thanh Trì được hưởng lợi 1 triệu đồng/người.

Cơ quan chức năng xác định, trong thời gian từ năm 2007-2010, các đối tượng này đã làm tổng cộng có 22 xe ô tô được đăng ký hồ sơ giả mạo.

Theo xác minh tại một số tỉnh thành trên cả nước, toàn bộ hồ sơ như quyết định tịch thu tang vật, quyết định đấu giá tài sản, biên bản đấu giá tài sản sung quỹ nhà nước… đều được làm giả một cách hết sức tinh vi.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 4 xe ô tô nhãn hiệu Honda CRV, Toyota, BMW.

Với 18 chiếc xe ô tô còn lại được xác định là vật chứng của vụ án nhưng chưa thu giữ được. Công an ra thông báo gửi Cục đăng kiểm Việt Nam và Công an các địa phương, phòng nghiệp vụ để truy tìm nhưng đến nay chưa có kết quả.

Tại cơ quan công an, Dũng (Thạch Thất) thừa nhận đã tiếp tay cho những người khác lợi dụng thông tin cá nhân hợp thức hóa xe ô tô có nguồn gốc không rõ ràng để đăng ký sử dụng là vi phạm pháp luật .

Nguồn gốc 4 xe bị thu giữ đều là xe do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu của việc buôn bán trái phép ô tô qua biên giới.

Theo đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định bổ sung khởi tố vụ án hình sự tội Buôn lậu. Song do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên công an tách rút tài liệu để xử lý sau.

Cũng trong quá trình điều tra, qua lời khai của các đối tượng trên cho thấy, khi làm thủ tục đăng ký 22 xe ô tô trên không phải chi phí “lót tay” cho cán bộ, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông.

Theo quy định pháp luật, đối với xe ô tô có nguồn gốc mua đấu giá không phải bắt buộc tiến hành giám định tài liệu có trong hồ sơ xe.

Thông tư số 01/2007/TT-BCA - C11 ngày 2/1/2007 Bộ Công an quy định: “Việc đăng ký xe tịch thu sung quỹ Nhà nước (không phải có hồ sơ gốc) được thực hiện trên cơ sở hiện trạng số máy, số khung của xe ghi trong quyết định và hóa đơn, nhưng xe phải hoàn chỉnh các chi tiết cùng chủng loại, cùng thông số kỹ thuật”.

Theo đó, 22 chiếc xe trên, hồ sơ không thể hiện chủng loại xe và các thông số kỹ thuật. Cán bộ kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ phải yêu cầu chủ xe hoàn thiện đầy đủ thông tin vào giấy khai đăng ký xe theo mẫu.

Thực tế, cán bộ Đội đăng ký xe chỉ kiểm tra số khung, số máy, nhãn hiệu rồi đề xuất cấp giấy chứng nhận đăng ký và biển kiểm soát.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận định đây không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký và biển kiểm soát cho xe có hồ sơ giả. Do đó, cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự cán bộ, lãnh đạo này.

Trong 22 xe, có 2 xe ô tô mang nhãn hiệu Acura và Toyota Lexus nhưng trên trên tờ khai lệ phí trước bạ thể hiện là xe Honda Odyssey, Toyota Corolla.

Cán bộ kiểm tra xe là ông Đoàn Văn Thọ và Nguyễn Hữu Huy không phát hiện ra, tiếp tục chuyển hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Sai phạm của hai cán bộ này có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để có căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can cần làm rõ thất thu thuế nhà nước. Công an TP Hà Nội có văn bản gửi Cục Hải quan TP Hà Nội nhưng chưa nhận được trả lời.

Do thời hạn điều tra đã hết cơ quan điều tra rút tài liệu xem xét, xử lý sau.

Tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt để các bị cáo sớm có cơ hội được làm lại cuộc đời.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Dũng (Dũng Thanh Trì); Nguyễn Văn Dũng (Dũng Thạch Thất) và Nguyễn Ngọc Thịnh mỗi người cùng lĩnh mức án 24 tháng tù theo đúng tội danh truy tố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại