72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 3

Hoàng Trang |

Ngày 29/10/1972, tức ngày thứ 17 mắc kẹt trên dãy núi Andes giáp biên giới giữa Argentina và Chile, một sự cố kinh hoàng đã ập đến với 27 người còn sống sót.

TAI HỌA CHỒNG TAI HỌA

Buổi sáng hôm đó, sau khi thức dậy, mọi người liền bắt tay vào nhiệm vụ đã được phân công trước. Một nhóm dọn dẹp bên trong thân máy bay, phơi những mảnh chăn ghép lại từ vải bọc ghế và quần áo ra ngoài nắng. 

Xong xuôi, họ ngồi tựa lưng bên ngoài phần thân còn lại của chiếc Fairchild và nhìn lên bầu trời, luôn hy vọng rằng sẽ trông thấy ai đó hoặc thứ gì đó chuyển động. Một nhóm khác thì bận làm tan tuyết để lấy nước uống, xẻ thịt và chia phần ăn. Mỗi cá nhân đều lặng lẽ làm việc của mình.

Mặt trời lặn khuất đằng sau những ngọn núi cũng là thời điểm cả nhóm đi ngủ. Họ nằm túm tụm nhau trong khoang máy bay để tránh mất nhiệt khi màn đêm buốt giá buông xuống. 

Để ngủ được trong chỗ chật hẹp như vậy quả không dễ, bất cứ ai cựa quậy hoặc thì thầm đều có thể làm người khác tỉnh giấc.

Cho đến thời điểm này, dường như một ngày nữa lại sắp kết thúc, đồng thời có nghĩa là họ đã sống thêm được một ngày.

Trong lúc mọi người cố chợp mắt thì Roy Harley muốn đổi chỗ nằm cạnh hai người bạn của mình. 

Đang loay hoay chuyển chỗ thì cậu nghe thấy tiếng động ầm ầm đáng sợ xuất hiện phía trên đầu, vài giây sau, hàng tấn tuyết trắng đổ ập xuống chiếc máy bay, làm sập bức tường tạm thời mà mọi người dựng chắn lối ra vào. 

Harley lập tức bật dậy theo bản năng thì nhận thấy những người còn lại đang nằm trên sàn đã bị vùi sâu dưới chừng 1,5 mét tuyết, bản thân anh cũng bị tuyết chôn ngập tới ngực.

Cuống cuồng đào bới trong đống tuyết, Harley tìm thấy người đồng đội Carlos Paez đầu tiên. Hai người sau đó tiếp tục vục đôi bàn tay trần xuống lớp tuyết dày nhanh nhất có thể để cứu giúp những người khác khỏi ngạt không khí. 

Khi họ tìm được chỗ nằm của đội trưởng Marcelo Perez, anh ta đã chết ngạt. Họ vẫn còn nghe thấy những tiếng kêu rất yếu từ dưới đống tuyết. Đôi bàn tay Roy Harley lạnh cứng, mất hoàn toàn cảm giác. Ba người bị gãy chân nằm võng riêng trong khoang hành lý cũng cố giúp sức.

72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 3 - Ảnh 1.

Chiếc Fairchild tan tành sau loạt sự cố.

Liliana Methol, người phụ nữ duy nhất trong đoàn - chút dịu dàng, ân cần cuối cùng của đoàn người - đã tắt thở khi được tìm thấy. Javier, chồng của Liliana gục ngã và không ngừng khóc. 

Mặc dù ai cũng bị mất ít nhất một người bạn của mình trong trận lở tuyết nhưng cái chết của Liliana là điều đau lòng nhất mà tất cả đều cảm nhận thấy. 

Thêm 8 người bỏ mạng trong đêm đó. 45 người trên chuyến bay số hiệu 571 giờ còn lại 19 người trong cuộc chiến sinh tồn này.

Eduardo Strauch đã kể về giây phút nằm bất động dưới đống tuyết dày như sau: “Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy bị đè nén bởi hàng tấn tuyết và nỗi tuyệt vọng rằng tôi sắp chết. 

Sau đó tôi lại cảm thấy hân hoan rằng mình sắp sửa được đi tới nơi nào đó tươi đẹp. Những ký ức trong cuộc đời tôi cứ thế hiện ra dưới màu sắc rực rỡ, hàng nghìn hình ảnh mạnh mẽ”. Sự bình tĩnh của Strauch đã cứu mạng anh, giúp anh duy trì nhịp thở cho tới lúc có người cứu.

72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 3 - Ảnh 2.

Chiếc ví rách nát của Eduardo Strauch.

Gần một tiếng sau đó, chưa kịp xốc lại tinh thần thì một trận lở tuyết khác lại ầm ầm dội xuống thân máy bay vốn đã không còn lành lặn với lực tác động mạnh hơn lần thứ nhất. 

Chiếc Fairchild bị lật úp, mặc dù tuyết không tràn được vào bên trong khoang nhưng đã phủ lấp toàn bộ máy bay, không còn lối ra. Nhóm người hoàn toàn kiệt sức vì phải đào tuyết nay lại bị suy sụp bởi cú sốc tinh thần. 

Quần áo và giày ướt sũng trong khi chăn và vải đắp thì bị tuyết vùi. Để tránh bị đóng băng, họ thay phiên xoa bóp cho nhau. 

Vì tuyết ngập sâu trong khoang phi cơ nên họ không thể đứng và đi lại, đành phải đào một cái hố đủ lớn để 19 người cùng ngồi sát vào nhau, chừa lại một khoảng trống ở giữa để từng người một đứng nhảy tại chỗ làm nóng cơ thể.

Không chỉ lạnh cóng, nhóm người nhận ra tình hình còn nghiêm trọng hơn thế, họ sắp hết oxy để thở. Parrado cầm một đoạn sắt chọc liên hồi lên lớp vỏ máy bay cho đến khi tạo được một lỗ hổng để không khí tràn vào. 

Sáng hôm sau, một cơn bão lớn kéo tới và không ngừng chất dày tuyết trùm lên chiếc máy bay. 19 người lại mắc kẹt bên trong thân máy bay thêm hai ngày nữa. 

Cái chết của đội trưởng Marcelo Perez làm nhóm người mất đi một thủ lĩnh cứng rắn, đồng thời khiến họ nhụt chí. Trong thâm tâm, nhiều người đã nghĩ thà chết đi còn dễ dàng hơn là sống tiếp như thế này.

Vị trí của Perez sau đó đã được ba anh em họ nhà Strauch thay thế - những người được tín nhiệm nhất trong số đám đông sống sót. 

Trong thời gian bị chôn chân tại chỗ, họ không thể tiếp cận với những xác người để bên ngoài phi cơ. Không thức ăn, không nước uống, quần áo thì ướt sũng, họ yếu đi nhanh chóng. 

Đến ngày thứ ba, vì không thể cầm cự thêm được nữa, những thanh niên này buộc phải xẻ thịt các thi thể mới qua đời bằng một mảnh thủy tinh vừa nhặt được.

Tới ngày 1/11, bão đã tan, nắng đã lên. Họ sưởi ấm cơ thể bằng sức nhiệt của mặt trời chiếu trên nóc máy bay. Vài ba người làm chảy tuyết để lấy nước uống. Phải mất tới 8 ngày sau đó họ mới dọn sạch được khoang hành khách và đưa hết 8 thi thể ra ngoài.

Thảm họa lở tuyết đã xoáy thêm vào nỗi đau mất mát của mỗi cá nhân nhưng lại tạo ra một động cơ mạnh để cả nhóm người tìm cách tự cứu lấy mình. 

Có thể so sánh, trận bão là một cái bản lề để mở ra một cánh cửa mới dẫn tới niềm hy vọng. Cả tập thể đã quyết tâm tìm đường thoát khỏi đỉnh núi khắc nghiệt này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại