72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 2

Hoàng Trang |

28 người còn sống sót sau khi máy bay đâm vào núi. Họ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trên đỉnh Andes băng giá. Những chàng trai đến từ vùng biển Uruguay chưa từng thấy tuyết trong đời, họ quá hoảng sợ khi mắc kẹt ở độ cao 4.500 m và nhiệt độ chừng - 10OC. Họ không có quần áo ấm, không thuốc men trong khi da thịt thì tấy đỏ vì giá lạnh.

CUỘC CHIẾN SINH TỒN

Vài ngày đầu sau vụ tai nạn kinh hoàng, dưới sự hướng dẫn của đội trưởng bóng bầu dục Marcelo Perez, nhóm người sống sót thu dọn tàn tích của chiếc Fairchild, chất chúng thành từng đống để làm nơi giữ ấm.

Chỗ thức ăn và rượu ít ỏi còn sót lại được chia phần trong suốt những ngày chờ đợi đội cứu hộ. Người bị gãy chân được nẹp cố định lại tạm thời bằng các mảnh gỗ hoặc kim loại.

Tìm kiếm thất bại

Cùng lúc đó, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn máy bay mất tích đã được giới chức ở cả ba nước Uruguay, Chile và Argentina triển khai trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, trang thiết bị lại chưa được hiện đại như ngày nay nên các đội cứu hộ không thể tìm đến khu vực máy bay rơi. Hơn nữa, màu sơn trắng của chiếc phi cơ lại bị lẫn vào màu tuyết khiến các máy bay cứu nạn ở trên cao khó phát hiện ra.

72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 2 - Ảnh 1.

Thân máy bay vỡ tan tành sau vụ tai nạn.

Ngày thứ 8 kể từ khi máy bay gặp nạn hôm 13/10/1972, cuộc tìm kiếm chính thức bị dừng lại do người ta cho rằng toàn bộ 45 người trên máy bay không còn ai sống sót. Trong khi đó, nhóm người vẫn nuôi hy vọng lực lượng cứu hộ sẽ tới và đưa họ về với người thân.

Hôm đó, thêm một phụ nữ qua đời sau nhiều ngày chống chọi với vết thương nặng. Số người sống sót còn lại 27 người, trong đó không có thành viên nào trong tổ bay của Không quân Uruguay.

Tới ngày thứ 11 ở trên núi, trong lúc nâng phần đuôi máy bay lên, các cầu thủ bóng bầu dục Uruguay đã tìm thấy các thỏi pin, liền lắp vào chiếc đài.

Trong cuốn “Còn sống: Câu chuyện của những người sống sót trên Andes” của Pier Paul Read có đoạn kể lại thời khắc hồi hộp của những con người đã nhiều ngày bị cô lập này. Mọi người vây quanh Roy Harley, dỏng tai lắng nghe bản tin từ chiếc đài mà anh cầm trên tay.

Người khóc nức nở, người thì cầu nguyện. Sóng tín hiệu lúc có lúc mất nhưng vẫn đủ để họ hiểu nội dung của bản tin kêu rè rè rằng cuộc tìm kiếm đã bị ngừng lại. Họ đã bị bỏ rơi và trong tâm trí họ, điều này không khác gì một bản án tử hình.

Họ đang kiệt sức vì đói, mệt và cái lạnh cắt da cắt thịt. Trong bầu không khí nặng nề, chợt cầu thủ Gustavo Nicolich lên tiếng: “Chúng ta sẽ tự thoát khỏi chốn này”. Câu nói đầy sự dũng cảm của anh đã khiến cả nhóm thêm hi vọng.

72 ngày sống sót trên đỉnh Andes - Kỳ 2 - Ảnh 2.

Vận động viên Nando Parrado.

Những ngày tiếp theo trên núi băng Andes quả là một cuộc chiến sinh tồn khốc liệt. Mỗi người làm một nhiệm vụ. Vì cần chăn đắp nên họ lọc hết phần vải bọc ghế ra còn phần đệm ghế thì làm thành giày đi tuyết.

Họ đặt tất cả vali hành lý ở đằng sau thân máy bay để tránh mưa nắng. Do ánh sáng mặt trời phản chiếu trên mặt băng quá mạnh, một người đã bẻ tấm chắn nắng ở buồng lái và chế ra những đôi mắt kính để khỏi bị chứng mù tuyết.

Roberto Canessa, 19 tuổi, học trường y khoa nên được giao nhiệm vụ chăm sóc những người bị gãy chân. Cậu cũng là người di chuyển các thi thể nạn nhân vì không mấy ai đủ can đảm làm việc này.

Ăn thịt người chết

Dù đã chia lương thực vô cùng dè xẻn nhưng vài thanh socola và mấy gói đồ ăn vặt chẳng thể nào giúp họ cầm cự được lâu. Một người trong nhóm đã nghĩ ra cách để lấy nước uống.

Anh ta dùng mảnh kim loại lấy từ ghế ngồi trên máy bay để đựng tuyết vào bên trong. Sau đó, phơi dưới nắng để tuyết tan chảy rồi dồn nước trong các chai rượu đã uống cạn.

Trên đỉnh núi cao phủ trắng băng tuyết, không có bất cứ cây cối hay con vật nào sinh sống. Tuyệt vọng, đói lả và bị lãng quên, đám đông buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn: Ăn thịt những người đã chết để tiếp tục sống sót.

Mặc dù nhất trí là cần phải ăn để tồn tại nhưng thoạt đầu, dường như không ai dám ăn. Họ đã chật vật trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2006, Nando Parrado đã miêu tả về cuộc đấu tranh tư tưởng như sau: “Ở độ cao thế này, nhu cầu calo của cơ thể là vô cùng lớn.

Chúng tôi đang chết đói, dù không có hy vọng tìm thấy đồ ăn nhưng cơn đói vẫn khiến chúng tôi sục sạo mọi nơi, tìm đi tìm lại, lùng sục khắp thân máy bay để tìm bất cứ mẩu thức ăn nào còn sót lại. Chúng tôi đã thử ăn những mảnh da bọc hành lý, dù biết nó được xử lý bằng chất hóa học độc hại.

Xé toạc đệm ghế với hy vọng sẽ có chút rơm rạ ở trong nhưng chỉ tìm được miếng mút cao su. Trong tôi đã lặp đi lặp lại kết luận rằng: Trừ phi chúng tôi ăn hết quần áo đang mặc bởi vì xung quanh chẳng có gì ngoài nhôm, nhựa, băng và đá”.

Ai cũng bị hành hạ bởi cảm giác đau khổ, tội lỗi đối với người quá cố mà đa phần là bạn học và bạn thân của mình. Tuy nhiên, sau vài ngày bị cơn đói dày vò, họ đã phải đổi ý. Chỉ có một nhóm 3 - 4 người làm nhiệm vụ xẻ thịt tại một góc khuất và họ sẽ không tiết lộ phần thịt đó được lấy từ thi thể của ai.

Cuối cùng, đội bóng Old Christans đã thỏa thuận với nhau rằng, nếu một người trong số họ qua đời, người đó vui lòng “hiến thân” để nuôi sống những người còn lại. Theo các ghi chép, người phụ nữ duy nhất sống sót, Liliana, ban đầu một mực từ chối ăn thịt người bởi niềm tin tôn giáo mãnh liệt của bản thân.

Nhưng rồi cô vẫn phải làm điều này sau khi chồng cô Javier hết lời thuyết phục. Tuy nhiên, Liliana vẫn không sống sót được cho tới ngày trở về vì một trận lở tuyết kinh hoàng xảy ra ít ngày sau đó.

Còn tiếp...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại