Các cụ có câu: "Quen xem dạ, lạ xem áo". Khi chưa biết nhau, người ta thường có xu hướng đánh giá bằng ngoại hình. Điều này không chỉ đúng với con người mà trong giới tự nhiên cũng vậy. Mỗi loài có một phương thức tự vệ riêng, rất đa dạng và độc đáo. Có loài có độc, có loài lại hung dữ, hiếu chiến.
Và có cả những loài tự vệ bằng… ngoại hình – chỉ cần các loài khác nhìn thấy chúng đã phải khiếp sợ. Ít ai biết rằng, nhiều loài vật trông thì rất "hầm hố" này thật ra lại không hề nguy hiểm chút nào.
1. Khỉ Aye Aye
Sự dữ tợn của khỉ Aye Aye tuy giúp được chúng thoát khỏi sự tấn công của các động vật lớn hơn, nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều điều phiền toái. Vì bị coi là điềm báo của cái chết - có lẽ chính vì ngoại hình xấu xí, Aye Aye luôn bị người dân địa phương ghét bỏ, giết chết hoặc đâm hỏng mắt chúng mỗi khi bắt gặp.
Thật bất công làm sao, bởi trái lại với những gì chúng ta nghĩ, loài khỉ này chỉ ăn các loại hoa quả, hạt cây, côn trùng, mật hoa, nấm... và chưa từng tấn công con người.
Hiện nay, chúng chỉ còn được tìm thấy ở vùng rừng nhiệt đới phía Đông Madagascar, và đang được xếp vào sách Đỏ do số lượng cá thể còn lại của loài không còn nhiều.
2. Cá mập phơi nắng
Nếu một ngày đi lặn và chẳng may nhìn thấy một con cá mập như thế này, chắc hẳn không ai bình tĩnh được nhỉ?
Nhưng đừng lo. Đó là một con cá mập phơi nắng (Cetorhinus maximus), và nó sẽ không làm gì bạn đâu.
Nếu bỏ qua ngoại hình đáng sợ "khóc thét" này thì chúng là một trong những loài cá hiền hòa nhất. Kể cả bạn có bơi qua hoặc đi thuyền lại gần thì chúng cũng chẳng làm gì đâu.
Tuy mệnh danh là loài cá lớn thứ nhì trên thế giới – chỉ đứng sau cá mập voi, loài vật này chỉ ăn các sinh vật phù du trong nước biển mà thôi.
3. Nhện ăn chim khổng lồ Goliath
Đây là giống nhện to thứ hai trên thế giới, sống chủ yếu trong các rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Không cần biết chúng có độc hay không, chỉ một cơ thể lông lá này đã đủ làm cho khối kẻ phát khiếp.
Vì thuộc dòng nhện Tarantula, nên giống với phần lớn những người anh em khác, nhện Goliath cũng có hình thể rất khủng. Tuy nhiên, chúng lại chẳng có độc, và cũng không gây hại cho con người.
Thức ăn của chúng là chim ruồi. "Nọc độc" mà mọi người vẫn nhầm tưởng chúng có thật ra chỉ là một chất giống như nước bọt. Chúng tiêm chất này vào thân con mồi để dễ tiêu hóa hơn thôi.
4. Rắn sữa
Các loài rắn có màu sắc sặc sỡ thường hay có độc. Nhưng rắn sữa thì khác. Loài rắn bản địa châu Mỹ này tuy có màu sắc rất sặc sỡ, song nọc độc của loài này thực sự vô hại.
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một ví dụ điển hình của hiện tượng một loài vô hại bắt chước hình dạng của một loài có độc để tự bảo vệ mình. Trong trường hợp này, rắn sữa "ăn hôi" danh tiếng lẫy lừng của rắn san hô độc.
Rắn sữa (trái) và rắn san hô (phải)
Những người đi rừng thường qua lại khu vực có hai loài rắn này thường có một câu nói để phân biệt giữa chúng: "Đỏ cạnh đen là bạn, đỏ cạnh vàng là thù" - ám chỉ màu sắc vảy của chúng.
5. Cuốn chiếu châu Phi khổng lồ
Với kích thước có thể lên tới gần 40cm chiều dài, loài cuốn chiếu châu Phi này được xếp vào loại "hàng khủng" trên thế giới. Chúng sống tại phía đông châu lục, nhiều nhất ở Kenya và Mozambique.
Khi cảm thấy bị đe dọa, chúng không cắn mà chỉ cuộn tròn lại và tiết ra một chất gây ngứa. Nhưng anh bạn này hoàn toàn không có ý định gây hấn gì với bạn cả.
Tất cả những gì chúng muốn làm là lẩn trốn dưới đất đá, ăn lá rụng và sống một cuộc đời yên bình thôi. Thậm chí ở một vài nơi, người ta còn bán rết Châu Phi cho những ai yêu thích để làm vật nuôi với giá khoảng 9$ một con.
6. Cá sấu Gharial
Là thành viên của họ cá sấu mõm dài, chỉ hàm răng của Gharial đã đủ làm người ta chết khiếp. Và cái vẻ bề ngoài dữ tợn "ăn theo" các anh em cá sấu khác chính là cách tự vệ hoàn hảo nhất rồi.
Bởi vì thật ra, chúng không có khả năng tấn công những động vật lớn khác. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy Gharial còn có xu hướng lẩn tránh khỏi con người.
Lý do là mõm của chúng khá yếu và hẹp, không phù hợp cho việc ăn thịt. Thực đơn chính của chúng là cá, ếch và côn trùng – chấm hết.
Mặc dù rất hiền lành và không muốn động chạm đến ai, cá sấu Gharial lại thường xuyên bị con người tấn công săn để lấy da, trứng, chế thuốc hay làm chiến lợi phẩm… Chúng hiện được xếp vào sách Đỏ với số lượng cực kỳ khiêm tốn, chỉ còn gần 200 cá thể trên thế giới thôi.
7. Dơi mặt nhăn
Mặc dù ngoại hình nhìn có vẻ dữ dằn, loài dơi này thực chất chỉ ăn hoa quả thôi và chúng hoàn toàn không có ý định tấn công các sinh vật khác. Người ta cũng chưa từng ghi nhận trường hợp nào bị thương từ dơi mặt nhăn.
Chúng thích ăn các loại quả chín, nhất là chuối và xoài. Khoang miệng của chúng còn được thiết kế đặc biệt cho thói quen ăn uống này.
Minh chứng rõ ràng nhất là ở hai bên má phía trong có hai chiếc túi rỗng để dơi có thể ních đầy thức ăn vào đó, bay đến nơi an toàn hơn rồi bình thản lấy quả ra để ăn.