7 năm con mới nói được "bố ơi", người cha vui mừng chở con dạo khắp phố Hà Nội lúc 10h đêm

Hà A.N |

Bà kể, năm lên 7 tuổi lần đầu tiên Tùng nói được từ "bố ơi". Khi ấy, dù đã 10 giờ đêm nhưng ông xã của bà vui đến nỗi lấy xe máy đưa con đi chơi khắp phố.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là các bé tự kỷ có thể sống một cuộc đời vui vẻ, tự lập, có một nghề để trong tương lai tiếp tục cuộc sống của mình khi không có người thân bên cạnh” - những mong muốn tưởng như rất đỗi bình thường của bất cứ người cha người mẹ nào dành cho con, nhưng với những gia đình có các bạn nhỏ "đặc biệt", điều đó lại trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Đó là những tâm sự của bà Phạm Thị Yến (Giám đốc Trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý - Cơ sở trị liệu trẻ tự kỷ Albert Einstein, ở Hoàng Mai, Hà Nội) - một người mẹ từ chỗ còn hoang mang khi con bị tự kỷ, nay đã trở thành người đồng hành không chỉ với con mà rất nhiều bạn nhỏ khác đang được can thiệp sớm và giáo dục kĩ năng.

7 năm chờ đợi và 2 tiếng "bố ơi" nghẹn ngào

Đầu những năm 2000, con trai bà Yến là Mai Thanh Tùng khi đó đã 5 tuổi vẫn chưa thể nói thành tiếng, vận động chậm chạp, ít ngủ về đêm. Vợ chồng bà đưa con đi khám chữa ở rất nhiều nơi, nhưng lúc bấy giờ, khái niệm về tự kỷ ở trẻ nhỏ còn rất mơ hồ, các bác sĩ hầu hết chỉ kết luận Tùng chậm nói, chậm phát triển trí tuệ.

Kể từ đó, bà kiên trì đồng hành, đưa con đến nhiều cơ sở trị liệu để giúp con có thể theo kịp bạn bè.

Nở một nụ cười trìu mến, đôi mắt ánh lên chút tự hào, bà Yến nhắc lại chuyện năm lên 7 tuổi lần đầu tiên Tùng nói được là từ "bố ơi". Khi ấy, dù đã 10 giờ đêm nhưng ông xã của bà vui đến nỗi lấy xe máy đưa con đi chơi khắp phố phường Hà Nội, như thể bao nhiêu sự chờ mong, bao nhiêu nỗi xúc động của đấng sinh thành đều gửi gắm vào một tiếng "bố" mà nhiều năm, vợ chồng bà mới có thể nghe được.

7 năm con mới nói được bố ơi, người cha vui mừng chở con dạo khắp phố Hà Nội lúc 10h đêm - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Yến bên con trai (Ảnh: NVCC)

Sau đó, Tùng cũng được mẹ cho đi học ở trường hòa nhập đặc biệt. Bà Yến lại theo sát từng bài học của con, từ những kĩ năng sống đầu tiên cho đến học cách tương tác với mọi người. Năm 10 tuổi Tùng mới học hết lớp 2. So với các bạn cùng lớp, Tùng lớn hơn rất nhiều, bởi vậy môi trường hòa nhập không còn phù hợp với em nên bà Yến quyết định cho con nghỉ học.

Nghĩ lại những ngày tháng ấy, bà cho biết chưa khi nào cảm thấy buồn phiền vì con tự kỷ, cũng chưa từng nản lòng vì nuôi dạy Tùng vất vả hơn rất nhiều lần so với những đứa trẻ khác.

Điều duy nhất khiến bà trăn trở là con không có tuổi thơ, không có trường lớp, bạn bè, luôn phải sống ở tâm thế của một đứa trẻ bệnh tật. Sự không đành lòng của một người mẹ đã thôi thúc bà Yến cùng 5 phụ huynh cũng có con mắc chứng tự kỷ quyết tâm tạo một môi trường học đúng nghĩa để con được học tập và phát triển.

Năm 2007, lớp học đầu tiên mang tên Albert Einstein gồm 6 trò và 3 cô giáo ra đời, với hành trang là tình yêu thương chứa chan của những người mẹ.

Trẻ tự kỷ là "đặc biệt" hơn, không phải gánh nặng

Những ngày đầu thành lập lớp, bà Yến phải đối mặt với muôn vàn thách thức từ việc tìm kiếm giáo viên cho đến tìm phương pháp giáo dục đặc biệt cho con và các bạn.

Các bé tự kỷ hầu hết đều có những vấn đề về bệnh lý, bởi vậy "lớp học trong mơ" của bà Yến không đơn thuần là giáo dục mà là môi trường trị liệu kết hợp cả y tế.

Ngoài tìm cô giáo có nghiệp vụ sư phạm, bản thân bà và các phụ huynh phải tham gia các khóa học về tâm lý, các kỹ thuật đặc biệt trong chăm sóc trẻ khuyết tật, thậm chí phải tự học và tham gia các khóa tập huấn cấp cứu người, tìm hiểu bệnh lý của các con để có thể hoạt động đa năng nhất khi chăm sóc các bé.

Giáo trình dạy học cho các bé tự kỷ cũng là quá trình sáng tạo không ngừng của các thầy cô, bởi mỗi bé lại có một thể trạng bệnh khác nhau. Có thể nói, bản thân thầy cô cũng cùng học và cùng trải nghiệm với từng cháu bé trong môi trường đặc biệt này.

Tuy nhiên, trong cái khó lại có điều may, vốn là giảng viên tiếng anh của trường Đại học Kiến trúc, bà Yến có cơ hội được gặp và làm việc với nhóm Chuyên gia giáo dục đặc biệt của Vương Quốc Anh làm tình nguyện viên tại Việt Nam.

Biết bà có nguyện vọng mở một lớp học cho con trai và các bạn tự kỷ, các chuyên gia đã trở thành cố vấn, tập huấn cho bà từ cách thức tổ chức lớp học, thiết kế bài giảng, bố trí môi trường, hướng dẫn phụ huynh và học sinh mọi vấn đề để hình thành 1 môi trường đúng tiêu chuẩn giáo dục đặc biệt cho các con học tập, sinh hoạt.

7 năm con mới nói được bố ơi, người cha vui mừng chở con dạo khắp phố Hà Nội lúc 10h đêm - Ảnh 2.

Các phụ huynh tham gia trải nghiệm cùng con ở lớp học "đặc biệt" (Ảnh: NVCC)

Cứ thế, từ 1 lớp học nhỏ chỉ có 6 bạn, hiện nay, bà Yến đã phát triển thành Trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý - Cơ sở trị liệu Trẻ tự kỷ Albert Einstein, với quy mô 14 giáo viên, nguồn kinh phí hoàn toàn do các phụ huynh tự đóng góp.

Trung tâm hiện đang đào tạo và trị liệu cho 28 học sinh, đặc biệt, có những bé đã gắn bó với nhau suốt 15 năm kể từ khi thành lập.

Dù cho khó khăn và thách thức vẫn luôn ở phía trước, nỗi buồn vẫn còn đó khi chứng kiến học sinh trở bệnh nặng hơn, nhiều bé còn chậm nói, chưa thể tự ăn cơm, thậm chí còn đánh thầy cô khi không kiểm soát được hành vi, nhưng bà Yến chưa từng bỏ cuộc.

Bà cho biết, chính ông xã luôn động viên mình rằng bố mẹ phải cảm ơn Tùng, vì Tùng đã mang đến cho gia đình những thay đổi tích cực, bố mẹ kiên nhẫn hơn, anh của Tùng biết chia sẻ và bảo vệ em sớm hơn. Bởi vậy, những đứa trẻ như Tùng chỉ đơn giản là "đặc biệt" hơn, chứ không phải gánh nặng.

Là một người mẹ từng trải qua đủ những cung bậc cảm xúc với sự phát triển của con, bà hiểu rằng nếu bản thân buông tay là tước đi một cơ hội phục hồi của các bạn nhỏ. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ tìm đến trung tâm của bà Yến không đơn thuần là tìm một người dạy học cho con, mà họ tìm thấy gia đình thứ hai của chính mình.

Sự kết nối vô hình giữa những bạn nhỏ kém may mắn đã gắn kết những người làm cha làm mẹ lại với nhau, cùng chia sẻ niềm vui khi con đi những bước đầu tiên, cùng nghẹn ngào xúc động khi con bập bẹ những âm sắc còn chưa tròn vành rõ chữ.

Mong các con có một công việc để tự lo được cuộc sống

Bước vào lớp học đặc biệt của những đứa bé trong hình hài người lớn, âm thanh từ tiếng kèn, tiếng trống, nhịp điệu organ rộn ràng hòa tấu bài hát "Quỳnh hương", khiến người nghe không khỏi bất ngờ bởi nhạc công là những cậu bé mắc chứng tự kỷ.

Bà Yến cho biết, vài năm trở lại đây, bà thiết kế những tiết học có sử dụng âm nhạc trong giáo dục đặc biệt cho các bạn học sinh và đạt được những hiểu quả ngoài mong đợi. Nhiều bạn bộc lộ rõ năng khiếu với nghệ thuật, cải thiện khả năng tập trung cũng như rèn luyện tính nhẫn nại.

Ban nhạc đặc biệt ấy có Tùng – con trai bà, mà cứ nhắc đến là khuôn mặt bà bừng lên niềm hạnh phúc.

7 năm con mới nói được bố ơi, người cha vui mừng chở con dạo khắp phố Hà Nội lúc 10h đêm - Ảnh 4.

Ban nhạc của những nhạc công "đặc biệt" (Ảnh: Hà A.N)

Nói về tương lai của Tùng cũng như những đứa trẻ tự kỉ mà bà Yến vẫn đang đồng hành, bà mong mỏi ngoài việc sống tự lập, các con sẽ học được nghề và có một công việc để tự lo được cho cuộc sống của mình khi không có bố mẹ bên cạnh.

Là một người mẹ của những đứa con khỏe mạnh bình thường khác, bà Yến tâm niệm mình không nên đặt một thứ trọng trách quá lớn lên vai con, dù vẫn luôn giáo dục con về tình cảm anh em, chia sẻ với con về tương lai của em Tùng. Với tư tưởng văn minh và cởi mở như vậy, bà Yến hướng Tùng đến một cuộc sống tự thân, gia đình là điểm tựa cho các em nhưng bản thân các em sẽ cố gắng để không trở thành gánh nặng.

Cũng từ đây, bà mong mỏi về những ngôi trường giáo dục đặc biệt có quy mô lớn hơn, được sự bảo trợ của các cấp các ngành để giảm tải gánh nặng chi phí cho các gia đình có con mắc chứng tự kỷ.

Xa hơn nữa, bà ấp ủ xây dựng được một ngôi nhà cộng đồng làm chốn bình yên cho các con mắc chứng tự kỷ có thể sinh sống cùng nhau trong tương lai khi không có bố mẹ bên cạnh. Nơi chỉ có những tiếng cười, những niềm vui và cả sự hồn nhiên của những đứa trẻ không bao giờ lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại