Chắc hẳn, không ít người trong chúng ta từng cảm thấy ngán ngẩm hoặc lo lắng khi ngày ngày phải hoàn thành công việc trong một môi trường làm việc độc hại. Những áp lực đó có thể đến từ công việc, đồng nghiệp thích buôn chuyện hoặc cảm thấy không được tôn trọng trong một tập thể.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả bộ máy khổng lồ. Ta sẽ luôn gặp những hạn chế và khó khăn nhất định trong việc cố gắng thay đổi văn hóa, phong cách làm việc của một tổ chức.
Vậy nhưng nếu chỉ than thở, rắc rối có thể sẽ không bao giờ được giải quyết. Vì thế, ta có thể hướng tới một phương án tích cực hơn, cố gắng tiếp cận và giải quyết từng vấn đề bất ổn tại môi trường làm việc.
"Ét ô ét": Dấu hiệu nhận biết của một môi trường độc hại
Thông thường, chúng ta khó có thể nhận ra môi trường làm việc không lành mạnh có thể tác động tiêu cực tới một người như thế nào. Chính vì thế trong một vài thời điểm, ta cần đi chậm lại và xem xét toàn bộ công việc của mình, bao gồm nhiệm vụ, lãnh đạo và những đồng nghiệp xung quanh. Sau đây là một vài gợi ý giúp chúng ta xác định như thế nào là một môi trường làm việc độc hại:
1. Có rất ít hoặc hoàn toàn không tồn tại bầu không khí nhiệt huyết, vui vẻ
Khi nhìn xung quanh và luôn thấy những gương mặt nhăn nhó, bực bội của đồng nghiệp thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Đấy, thái độ tiêu cực sẽ lan truyền giống như một loại virus, nhất là khi mọi người rõ ràng không thích công việc của họ. Đây có thể là kết quả của văn hoá công ty, và đến lượt chính nó lại tác động tiêu cực hơn vào văn hoá công ty.
Tệ hơn nữa là chính sự thiếu bầu không khí nhiệt huyết với công việc này sẽ tác động không nhỏ đến năng suất làm việc của từng cá nhân.
2. Không có sự công bằng và thăng tiến
- Công ty tuyển quanh năm suốt tháng, lương thỏa thuận kèm hashtag "làm theo chỉ đạo của cấp trên" (H.B tâm sự)
- JD mơ hồ không có range lương cụ thể, công bằng ở đâu ra? (T.H.V bình luận)
Chỉ cần đọc những ý kiến này thôi cũng đoán được môi trường làm việc ở công ty quan trọng đến nhường nào. Khi một tổ chức không công nhận sự thể hiện của những cá nhân có thành tích xuất sắc, hoặc có xu hướng giữ những người có tiềm năng phát triển ở những vị trí thấp, thì đây là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang ở trong một môi trường làm việc độc hại.
3. Một sân khấu kịch với những tin đồn thất thiệt và drama không ngớt
Các câu chuyện truyền tai nhau thường không xa lạ trong môi trường công sở. Hết 96% người được hỏi đã thừa nhận từng tham gia vào một vụ lan truyền tin đồn nào đó trong công ty. Điển hình như:
- "Sao nay bà A mặc đồ xấu thế, không có style gì cả!"
- "Drama giữa đứa A với ông B như thế nào rồi? Có hóng thêm biến gì nữa không?"
Với mô típ quen thuộc như vậy khiến bạn cảm thấy mỗi ngày làm việc của bạn trôi qua giống như bạn đang là một nhân vật trong chương trình truyền hình thực tế thì rõ ràng bạn đang gặp một môi trường làm việc khá là mệt mỏi. Ở đó, người ta sẽ không nói chuyện trực tiếp nhau mà thay vào đó là những tiếng huýt, cú lườm, những hành vi gây hấn thụ động đến bạn.
Tuy rằng bề ngoài việc này có vẻ vô hại, nhưng sự hiểm độc này sẽ gây ra tác động đáng kể. Hành vi "ma cũ bắt nạt ma mới" tại nơi làm việc sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi về tâm lý, cảm giác tuyệt vọng, lo lắng hoặc sự gây hấn ngược lại.
4. Khả năng lãnh đạo của người đứng đầu
Trong một vài trường hợp, nguyên nhân của sự tiêu cực có thể tới từ người quản lý. Họ độc đoán, thích trừng phạt, có xu hướng đàn áp, thậm chí là thiên vị trong công việc. Sự bất an cũng có thể diễn ra khi người quản lý không phản hồi mail, hạn chế giải đáp thắc mắc và thường lảng tránh xử lý vấn đề.
5. Tỉ lệ nghỉ việc cao
Tình trạng nghỉ việc cao xảy ra sẽ tạo ra cảm giác bạn luôn không thể đồng hành lâu dài cùng bất kỳ đồng nghiệp nào. Mỗi ngày trôi qua bạn cảm thấy một sự không chắc chắn liệu một đồng nghiệp nào đó sắp nghỉ việc chưa và lan truyền những tin đồn về việc một đồng nghiệp nào đó sắp ra đi.
6. Sự lẫn lộn vai trò và chức năng nhiệm vụ kéo dài
Văn hoá công ty độc hại chính là nơi dung dưỡng cho sự lẫn lộn vai trò và chức năng này. Khi thành viên ít có sự tin cậy lẫn nhau, thiếu giao tiếp hiệu quả, tranh đấu quyền lực v.v.. sẽ làm cho sự hợp tác trở nên khó khăn. Cuối cùng, các mối quan hệ, dự án, buổi họp thường xuyên bị đổ vỡ.
7. Quá nhiều stress khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức
Nếu những nhân viên giỏi nhất đang rời đi, hoặc đồng nghiệp của bạn than thở rằng họ gặp quá nhiều căng thẳng vì bị deadline “dí", thì có thể, đó là một môi trường làm việc không hề dễ thở cho bất kỳ ai.
Làm thế nào để ngăn chặn những điều này?
Chúng ta đi làm là để được cống hiến, chứ không phải để chịu đựng sự vất vả, mệt mỏi vì những điều độc hại chốn công sở. Vì vậy, khi các hành vi độc hại này tồn tại ngay nơi làm việc của bạn, hãy thực hiện một số chiến thuật dưới đây.
- Để loại bỏ các nhân viên độc hại, hãy thể hiện sự tôn trọng, biết cách làm việc theo nhóm và luôn phát huy tinh thần khuyến khích, dân chủ. Hãy luôn đưa những điều này vào kế hoạch thực hiện của bạn và luôn tuân thủ một cách nghiêm túc.
- Khi phải đối mặt với một đồng nghiệp độc hại, người có khả năng biến cuộc thảo luận thành nơi tranh cãi, đấu tố, hãy đưa một bên thứ ba vào cuộc họp để bảo vệ bản thân.
- Mỗi nhân viên cần phải học giá trị của việc thiết lập ranh giới. Xác định rõ những hành vi nào phù hợp hoặc không phù hợp – và tôn trọng ranh giới đó khi làm việc.
- Giải quyết mọi vấn đề bằng cách thúc đẩy nền văn hoá lành mạnh và sống chung với các giá trị chia sẻ để loại bỏ những thứ không mong muốn.
Tạm kết
Đến cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là đưa ra lựa chọn để xác định hành trình sự nghiệp của mình. Bạn sẽ rời đi hay tiếp tục gắn bó với tập thể này? Nếu quá trình cải thiện sau nhiều cố gắng vẫn đi vào ngõ cụt, rất có thể việc tìm đến một công ty, doanh nghiệp khác mà bạn cảm thấy thoải mái, muốn gắn bó lâu dài sẽ là lựa chọn tốt hơn.
Nguồn: Tổng hợp