Bạn có dám đảm bảo rằng mình sẽ chẳng bao giờ rơi vào tình huống phải đi bộ một mình giữa đêm tối, hoặc vô tình lạc vào một con hẻm tối tăm, phức tạp nào đó và bị tấn công?
Chúng ta chẳng bao giờ đoán biết được điều gì sẽ xảy ra với mình, vậy nên việc chuẩn bị trước cho mình một vài bí kíp tự vệ cũng không bao giờ là thừa. Tuy nhiên, không phải bí kíp nào cũng đúng, mà kể cả đúng cũng chưa chắc đã áp dụng được trong thực tế. Thậm chí, một số có thể khiến bạn phải trả giá nếu áp dụng không đúng cách.
1. Tự vệ bằng chìa khóa: nhét khóa vào từng ngón tay
Trong các tình huống hiểm nghèo, chìa khóa cũng có thể là một thứ vũ khí tự vệ hiệu quả. Vấn đề là bạn dùng nó như thế nào. Nhiều người cho rằng cách tốt nhất là kẹp khóa vào từng ngón tay, để nắm đấm trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên đây thực chất là một sai lầm, vì một nắm đấm như thế trông rất thu hút.
Nếu kẻ xấu chú ý đến, chúng sẽ ngay lập tức khóa tay bạn lại và bạn sẽ mất đi hoàn toàn cơ hội chống trả. Hơn nữa, việc kẹp khóa như vậy không giúp tính sát thương trong nắm đấm cao hơn, mà tay bạn có thể bị thương ngược lại vì cạnh chìa khóa khá sắc.
Cách tốt nhất là nắm thật chặt chìa khóa theo kiểu tự nhiên, vừa không gây chú ý, tăng cơ hội thoát thân hơn.
2. Bỏ chạy
Bỏ chạy thực chất vẫn là cách tốt nhất để đối phó với kẻ xấu. Nhưng đôi khi bạn cũng cần phải cân nhắc, xem liệu bỏ chạy có thực sự là giải pháp phù hợp hay không.
Tại sao ư? Vì nếu kẻ xấu chạy nhanh hơn bạn, việc phải bỏ công đuổi theo sẽ khiến hắn cảm thấy tức giận, khó chịu và đẩy bạn vào tình huống nguy hiểm. Hơn nữa, có nguy cơ bạn không đủ thể lực để chống trả lại nếu chẳng may bị bắt.
Vậy nên nếu muốn bỏ chạy, cần phải vạch sẵn đích đến cho mình: là chỗ sáng, chỗ đông người, hoặc nơi gần đồn cảnh sát... và phải nhớ đảm bảo mình có đủ thể lực để chạy đến đó.
Ngoài ra hãy nhớ đừng quay đầu lại khi chạy. Việc này sẽ chỉ khiến bạn mất tập trung, làm giảm tốc độ, và dễ vấp ngã, chấn thương hơn.
3. Thuyết phục kẻ tấn công
Khi rơi vào tình huống hiểm nghèo, nhiều người cho rằng chỉ cần cố gắng thỏa hiệp với kẻ xấu là khả năng an toàn sẽ cao lên. Nhưng rất tiếc, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.
Một tên cướp sẽ luôn tập trung vào mục đích của hắn - đó là tấn công và lấy đồ của bạn. Mọi hành động trì hoãn quá trình đó có khả năng khiến hắn cảm thấy phẫn nộ và tấn công bạn.
Nếu không có khả năng chống trả thì trong tình huống như vậy, hãy từ bỏ tài sản kẻ xấu muốn cho yên chuyện.
4. Tự tập những bí kíp tự vệ trên mạng
Trên Youtube có đầy rẫy các video hướng dẫn bí kíp tự vệ. Những bí kíp đó đa phần là đúng, nhưng chưa chắc đã có hiệu quả.
Việc xem những video này có thể khiến bạn tự tin và an toàn hơn, nhưng thực tế thì không giống vậy. Nếu chỉ chăm chăm tập theo, đôi khi bạn sẽ thấy mình phải đối mặt với một tình huống khác hẳn. Hơn nữa vì quá tự tin, bạn có thể tự đưa mình vào tình huống nguy hiểm mà không hề hay biết.
Nếu muốn học bí kíp tự vệ, hãy đăng ký đi học để có trải nghiệm thực tế.
5. Né tránh ánh mắt
Có thể bạn đã nghe ở đâu đó lời khuyên: đừng nhìn vào mắt kẻ xấu, vì nó có thể khiến gã nổi giận và làm tình hình xấu đi.
Điều này cũng có thể đúng, nhưng đôi khi lại phản tác dụng và khiến kẻ xấu nghĩ bạn là một mục tiêu quá dễ. Trong khi đó, việc nhìn thẳng vào mắt hắn lại thể hiện rằng bạn thừa tự tin, đủ cảnh giác và sẵn sàng tố cáo hắn cho cảnh sát.
6. Đá vào hạ bộ
Hạ bộ quả là một điểm yếu của cánh đàn ông. Tuy nhiên, việc đá vào đó sẽ không có nhiều tác dụng, bởi đa số các trường hợp bạn sẽ... đá không trúng.
Hạ bộ là một điểm yếu, vậy nên cánh đàn ông sẽ luôn có phản xạ vô điều kiện để bảo vệ khu vực này. Chỉ cần hắn lùi lại, hạ thấp tay xuống, lực đá đã giảm đi đáng kể, và không gây đủ thương tích để khiến hắn từ bỏ con mồi của mình.
7. Giả vờ đang nói điện thoại
Đây là một trong những bí kíp gây khá nhiều tranh cãi. Một mặt nó có thể làm kẻ xấu chùn bước, vì hắn sẽ không muốn ra tay khi đang có nhân chứng ở đó, dù là phía bên kia đầu dây điện thoại.
Nhưng mặt khác, nó lại thể hiện rằng con mồi đang không chú ý, nghĩa là một mục tiêu quá dễ dàng.