Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Angela Adamo từ Đại học Stockholm (Thụy Điển) đã quan sát được thế giới sâu bên trong 6 cụm thiên hà đặc biệt này để nghiên cứu về quá trình hình thành sao mạnh mẽ sau khi chúng bắt đầu định hình thành một thiên hà mới.
6 thế giới hỗn loạn chính là 6 thiên hà đang được định hình từ vụ sáp nhập 2 thiên hà khác - Ảnh: HUBBLE/NASA/ESA
Hợp nhất thiên hà là một quá trình tự nhiên của vũ trụ. Một nghiên cứu quốc tế cách đây vài tháng cho thấy chính thiên hà chứa Trái Đất Milky Way đã trải qua tận 16 lần hợp nhất thiên hà. Vì thiên hà của chúng ta thuộc dạng khổng lồ so với các đồng loại nên 16 thiên hà kia đều bị Milky Way "nuốt chửng".
Tuy nhiên 2 tỉ năm tới, cuộc đụng độ với một thiên hà "quái vật" cùng cỡ là Andromera (Tiên Nữ) được dự báo là sẽ khiến Milky Way biến đổi mãi mãi và có thể làm Trái Đất văng khỏi vùng sự sống Goldilocks của hệ Mặt Trời.
Vì vậy, theo nghiên cứu vừa công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, phát hiện mới này là một "phòng thí nghiệm" tuyệt với để con người có thể phân tích và hiểu được sự sáp nhập thiên hà, bởi lịch sử tiến hóa thiên hà là một quãng thời gian quá lớn so với đời người.
Phân tích dữ liệu từ "thợ săn hành tinh" Hubble của NASA/ESA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và Cơ quan Vũ trụ châu Âu), các nhà nghiên cứu nhận ra rằng ngay sau vụ va chạm, hệ thiên hà bắt đầu mờ dần và tĩnh lặng hơn, nhưng những cụm sao cầu đang hình thành sẽ tỏa sáng khắp thiên hà. Mỗi cụm có khối lượng gấp hàng triệu lần Mặt Trời của chúng ta, tuổi đời từ 1-500 triệu năm tuổi.
Những ngôi sao mới trong các cụm sẽ là những trung tâm của các hệ sao mới sau này. Có thể nói dù mang tính hủy diệt, nhưng các vụ va chạm thiên hà đồng thời mang đến hàng loạt thế giới mới.
Theo Sci-News, 6 thiên hà đang sáp nhập được quan sát mang tên NGC 34, NGC 1614, NGC 3256, NGC 3690, NGC 4194 và NGC 6052. Không chỉ cung cấp manh mối về sự ra đời của các cụm sao, 6 thế giới này còn cho thấy những chi tiết quý giá về sự tiến hóa và tuyệt chủng của các cụm sao cầu.