Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC nêu rõ, hội nghị lần này được tổ chức trong điều kiện đòi hỏi chất lượng của công tác xét xử của tòa án các cấp ngày càng cao và nghiêm ngặt khi các luật tư pháp có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, khi có những chuyển giao nhân sự chủ chốt của TANDTC, rất cần sớm lắng nghe phản ánh tình hình toàn diện, sâu sát, thực chất từ cơ sở.
Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2016 do TANDTC tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/5 (Ảnh: HC)
Ông Nguyễn Hòa Bình nêu rõ với các đại biểu: “Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của các TAND trong 6 tháng qua cũng còn có những hạn chế, thiếu sót mà chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan để nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp có tính đột phá để khắc phục kịp thời, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các mặt công tác trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.
Có thể nói trong thời gian qua, một số vụ án oan sai đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, theo báo cáo chung của TANDTC về “Tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của các tòa án 6 tháng đầu năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016” thì “công tác xét xử các vụ án hình sự trong 6 tháng qua về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội”.
Nhận định này không thấy được Phó Chánh án thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa nêu trong báo cáo tóm tắt trình bày tại hội nghị, mà chỉ thấy nêu “Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn do lỗi chủ quan của Tòa án, phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm”.
Trong khi đó, theo báo cáo của TANDTC, 6 tháng qua, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án chiếm 1,35% trong số 177.604 vụ án các loại đã được Tòa án các cấp giải quyết (đạt tỉ lệ 65,6% so với tổng số 270.855 vụ án đã thụ lý).
Riêng với án hình sự, tỉ lệ các bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm chiếm 26% (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước).
Ở cấp phúc thẩm, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,69% (do nguyên nhân chủ quan 0,32%, khách quan 0,37%); bị sửa là 5,2% (do chủ quan 0,3%, khách quan 4,9%). Tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm chiếm 0,27%.
Đối với các vụ việc dân sự (TAND các cấp đã giải quyết 134.470 vụ việc trong số 214.414 vụ việc đã thụ lý) thì tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,81% (do chủ quan 0,68%, khách quan 0,13%); bị sửa là 1,4% (do chủ quan 1,0%, khách quan 0,4%).
Tỉ lệ các bản án, quyết định sở thẩm có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là 7,3%; tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm là 0,38%.
Đối với các vụ án hành chính, TAND các cấp đã giải quyết, xét xử 1.801 vụ trong số 4.812 vụ đã thụ lý. Trong đó, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 4,66% (do chủ quan 3,61%, khách quan 1,05%); bị sửa là 5,5% (do chủ quan 3,3%, khách quan 2,2%).
Tỉ lệ các bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là 93,6% (tăng 11,8%); tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm là 2,36% (tăng 0,06%); tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan tăng 1,18%...
...và ông Bùi Ngọc Hòa, Phó Chánh án thường trực TANDTC phát biểu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: HC)
Đáng chú ý, báo cáo tóm tắt do Phó Chánh án thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa trình bày tại hội nghị cho biết: “Vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn tạm giam bị cáo trong giai đoạn xét xử phúc thẩm”; “Số lượng các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của Tòa án vẫn còn nhiều”; “Chưa khắc phục được việc án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự”; “Tỉ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn cao, đặc biệt là cao hơn so với cùng kỳ năm 2015”...
Ngoài ra, theo ông Bùi Ngọc Hòa: “Ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật phát ngôn ở nhiều đơn vị chưa nghiêm, vẫn xảy ra tình trạng vi phạm giờ giấc làm việc cũng như các quy định về không tiếp khách, uống rượu bia vào buổi trưa trong các ngày làm việc...
Vẫn còn một số thẩm phán, cán bộ Tòa án hạn chế về năng lực, trình độ; trong công tác chuyên môn có không ít trường hợp có tư tưởng ỷ lại, chưa chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt nên hiệu quả công tác thấp”...
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới được ông Bùi Ngọc Hòa nêu tại hội nghị là "tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo trụ sở TAND các cấp theo các đề án xây dựng trụ sở của TAND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đặc thù của Tòa án các cấp".