Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, FE Credit ghi nhận khoản lỗ sau thuế là 2.996 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất này có lãi 144 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2022 thì lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit giảm từ 0,9% xuống còn -29,23%.
Báo cáo của FE Credit cho biết vốn chủ sở hữu giảm 35,6%, xuống còn 10.250 tỷ đồng; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,02 lên 5,43. Cùng đó, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ 14,45% lên 23,41%. Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành giảm từ 23% xuống còn 13,89%.
VPBank nhận định, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng, hoạt động của FE Credit dần ổn định và có lãi vào quý 3-4/2023.
Cũng trong báo cáo vừa công bố, VietCredit báo lỗ 73,6 tỷ đồng nửa đầu năm 2023. Trong khi quý 1/2023, VietCredit báo lãi trước thuế 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong nửa đầu 2023, Home Credit Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 211 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 2/2023, vốn chủ sở hữu của công ty là 6.571 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% so với ngày đầu năm. Năm ngoái, doanh nghiệp này lãi kỷ lục, gần 1.200 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Home Credit gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 18.202 tỷ đồng, giảm 29% sau 6 tháng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tăng không đáng kể, ở mức 1.117 tỷ đồng và chiếm 5% tổng nguồn vốn. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty tín dụng này gần 24.773 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng 2023 của HD Saison tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số của 6 tháng đầu năm 2022.
Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nửa đầu năm nay, F88 cho biết doanh thu từ các hoạt động dịch vụ trong 6 tháng của công ty tăng trưởng 52% (đạt mức 1.229 tỷ) so với cùng kỳ 6 tháng năm 2022.
Doanh nghiệp này nhận định kết quả đến từ chiến lược phát triển trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân đa dạng, cung cấp các dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Tổng số lượng khách hàng tại thời điểm 30/6 đã tăng 30% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo duy trì ổn định bởi các tổ chức tài chính quốc tế, như World Bank, ADB, nhờ sự gia tăng đối với cầu nội địa và các hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng.
Tại Việt Nam, các đợt giảm lãi suất đi đôi với chính sách ổn định tỷ giá và nới hạn mức tín dụng dự báo sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế và ngành tài chính nói riêng, phía F88 nhận định.
Trung tuần tháng 8, KBank, ngân hàng có quy mô tài sản lớn thứ ba tại Thái Lan (tính đến cuối năm 2022) đang đàm phán mua lại Công ty tài chính Home Credit Việt Nam, theo thông tin từ Reuters . Hồi tháng 5, chi nhánh ngân hàng ngoại này tại Việt Nam vừa tăng vốn điều lệ từ mức 80 triệu USD lên 285 triệu USD (hơn 6.500 tỷ đồng), nằm trong nhóm 3 ngân hàng ngoại có vốn lớn nhất.
Phân khúc được lãnh đạo KBank cho biết hướng đến trong đợt tăng vốn khi đó là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong đó cũng có mục tiêu phát triển sản phẩm liên quan đến ngân hàng số, tiện ích vay dành cho khách hàng cá nhân. Tham vọng của KBank là tăng số lượng người dùng ứng dụng của mình lên gấp 2,7 lần vào cuối năm 2023, tương ứng 1,3 triệu người dùng.
Hồi tháng 5, Ngân hàng SHB công bố hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ Công ty tài chính tiêu dùng SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), phần còn lại sẽ chuyển nhượng sau ba năm theo thỏa thuận đã ký.
Trước đó, đơn vị dẫn đầu thị trường vay tiêu dùng là FE Credit cũng đã được bán 49% cổ phần cho đối tác Nhật Bản hồi cuối năm 2021. Đối tác mua lại tập đoàn tài chính Nhật Bản SMBC, là đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này ở nhiều thị trường tại châu Á.