Đừng nhắn tin khi đang lái xe, khi hỏa hoạn hãy cúi thấp xuống... là những bí kíp sống còn chúng ta vẫn thường được dạy.
Tuy nhiên, cuộc sống đôi lúc có thể đặt chúng ta vào tình huống thực sự khó khăn, mà nếu không có kiến thức trước thì khả năng tính mạng gặp nguy hiểm là rất cao.
Bài viết này sẽ đề cập đến những kiến thức như thế. Đó là những sự thật mà bạn sẽ thầm cảm ơn chúng vào một ngày nào đó.
1. Đừng vừa đi bộ vừa dùng điện thoại, vì não bộ của bạn không làm được điều đó
Theo Murali Krishnan - một chuyên gia cố vấn an toàn, việc đi bộ và sử dụng điện thoại đều cần đến nỗ lực nhận thức không hề nhỏ của não bộ.
Thế nên, khác với việc vừa đi vừa nhai kẹo, bạn sẽ không thể tập trung hoàn toàn được nếu như vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại.
Krishman cho biết, khả năng lớn bạn sẽ gặp phải hiện tượng "điểm mù mất tập trung" - tức là bạn có thể nhìn thấy một chiếc xe đang lao đến mà không thể xử lý kịp tình huống.
Điều này cũng có nghĩa là hãy tập trung mà nhìn đường đi. Điện thoại để sau!
2. Nước dẫn nhiệt nhanh hơn không khí, nên đừng để bị ướt
"Nếu bạn để quần áo ướt, thân nhiệt của bạn sẽ mất đi nhanh chóng!" - Lia Lavoie, kỹ sư người Mỹ cho biết.
Theo Lavoie, để đảm bảo cơ thể không nhiễm lạnh trong tiết trời đông giá lạnh, bằng mọi cách phải giữ cho quần áo khô ráo. Ngoài ra, nên lựa chọn quần áo làm từ chất liệu len. Chúng hấp thụ hơi ẩm rất tốt, qua đó đảm bảo nước không chạm đến làn da của bạn.
3. Đừng bao giờ ăn tuyết để bổ sung nước
Cơ thể bạn sẽ cần đến rất nhiều năng lượng để biến tuyết thành dạng lỏng.
Chính vì thế trong các tình huống hiểm nghèo, bạn nên tránh ăn tuyết bằng mọi giá, vì bạn sẽ mất đi chút thân nhiệt quý giá còn sót lại. Chỉ dùng tuyết nếu như bạn có đủ thực phẩm để bổ sung lại năng lượng thôi.
4. "Quy tắc số 3" về sức chịu đựng của con người
Sự thật là nhiều người nếu chẳng may lạc trong khu núi rừng hoang vu nào đó thường hoảng loạn, mất đi sự sáng suốt. Theo Ruchin Agarwal, một "phượt thủ" đáng tin cậy thì lý do là vì họ không nắm được giới hạn chịu đựng của bản thân mình.
Agarwal cho biết đối với một người bình thường, giới hạn chịu đựng có thể áp dụng theo "quy tắc số 3". Chúng ta có thể sống mà không có không khí trong 3 phút, không có chỗ trú ẩn khi có thiên tai trong 3 giờ, không cần nước trong 3 ngày, và không cần thực phẩm trong 3 tuần.
5. Nếu không may bị đâm, hãy giữ nguyên hiện trạng
Đó là lời khuyên của Thomas Mei - chuyên gia tại ĐH New York (Mỹ) đưa ra.
Theo nhiều nghiên cứu thì trong trường hợp bị đâm bởi vật nhọn, tốt nhất là hãy giữ nguyên hiện trạng. Việc rút vật thể ra chỉ làm tăng mức độ mất máu thôi. Thay vào đó, hãy tìm cách bịt miệng vết thương để cầm máu, và nhanh chóng đến bệnh viện.
6. Gặp tai nạn và cần trợ giúp, hãy dứt khoát chọn 1 đối tượng
Người ta có thể tụ tập rất đông người khi có tai nạn, nhưng chẳng ai đứng ra giúp cả. Tuy nhiên, chẳng phải vì xã hội vô cảm đâu, mà đó là một hiện tượng tâm lý xảy ra với đám đông, mang tên "hiệu ứng bàng quan" - khi người ta ngần ngại giúp đỡ vì nghĩ sẽ có người khác làm điều đó.
Vậy nên, nếu bạn gặp tai nạn và may mắn là còn tỉnh táo, hãy ngay lập tức lựa chọn một người để xin được giúp đỡ. Khi bị "chỉ mặt gọi tên", người đó nhiều khả năng sẽ giúp bạn.
Nguồn: IFL Science