Ký ức là một khái niệm tương đối mơ hồ trong khoa học. Về cơ bản, ký ức được định nghĩa là những gì não bộ lưu trữ thông tin tiếp nhận được trong cuộc sống.
Nhưng cách não bộ tiếp nhận thông tin thì không hề đơn giản một chút nào. Nó phải trải qua một quá trình xử lý rất phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của cả 5 giác quan trong có thể. Đó cũng chính là lý do vì sao ký ức của bạn không hề giống như những gì bạn đang tưởng tượng đâu.
Tò mò không? Hãy đến với 6 sự thật dưới đây để biết được thế nào là cảm giác "không thể tin nổi".
1. Những gì bạn nhớ được chưa chắc đã là ký ức của bạn
Sự thực ấy, ký ức của bạn là do nhiều yếu tố xây dựng, bao gồm cả ký ức của những người khác nữa. Mỗi khi chúng ta nhớ lại một khoảnh khắc trong quá khứ, các tế bào thần kinh lại hoạt động giống như khi chúng ta hình thành ký ức mới hoàn toàn.
Tức là khi chia sẻ một thông tin nào đó, chúng ta đã vô tình thay đổi nó đi một chút. Đây cũng chính là lý do những câu chuyện truyền miệng dễ trở thành tam sao thất bản, vì người trong cuộc liên tục thêm mắm dặm muối vào trong nó. Và thế là sau tất cả, ký ức của bạn lại trở nên sai lệch hoàn toàn.
Chưa kể, khi chúng ta nghe một người kể chuyện, cái bộ não "củ chuối" lại rình rập cơ hội để... chôm luôn ký ức của người đó mà chúng ta không thể kiểm soát được. Cảnh đang thao thao bất tuyệt kể chuyện rồi đột nhiên nhận ra nhân vật chính lại là cái đứa đang ngồi nghe, bạn có thấy quen không? Nếu có, đây chính là lý do đấy.
2. Nói dối khác, mà nói sai sự thật khác
Đôi lúc, bạn sẽ rơi vào cảnh tranh cãi với nhóm bạn về một câu chuyện mà cùng một nội dung, mỗi người kể một kiểu.
Vấn đề ở đây là có thể chỉ một người nói đúng, nhưng cũng có thể tất cả đều nói sai. Nhưng tất cả không nói dối, chỉ là họ không nói đúng sự thật thôi.
Nguyên nhân ở đây nằm ở hiện tượng "ký ức sai lệch" - false memory. Hiện tượng này xảy ra khi những thông tin bạn nhớ lại tưởng như là ký ức, nhưng nó không đúng với sự thật ở một số chi tiết. Kiểu như câu chuyện vẫn vậy, nhưng nhân vật chính thì thay đổi.
3. Theo bạn, ký ức dài hạn - long term memory - là gì?
Phải chăng đó là những ký ức kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí trong suốt cuộc đời bạn?
Không phải đâu! Thực ra, ký ức dài hạn được định nghĩa là những gì bạn nhớ được nhiều hơn... 30 giây. Ký ức kéo dài chỉ 1 phút cũng đã được gọi là dài hạn rồi.
4. Vì sao bạn không thể nhớ được những gì xảy ra hồi bé?
Về cơ bản, chúng ta sẽ không thể hình thành bất kỳ ký ức nào cho đến khi được khoảng 2 tuổi rưỡi.
Vì sao ư? Vì trước lúc đó, não bộ của chúng ta chưa đủ lớn để lưu trữ và sắp xếp thông tin xung quanh. Hiện tượng này được gọi là "childhood amnesia" - hôn mê thời thơ ấu - cái tên xuất phát từ cảm giác cực kỳ mơ hồ khi chúng ta bị gây mê.
Thậm chí kể cả những năm sau đó, chúng ta phần nào cũng chịu ảnh hưởng từ hiện tượng này, khiến ký ức trong giai đoạn từ 3 - 7 tuổi tương đối thiếu rõ ràng.
5. Hãy cẩn trọng với ký ức của bạn trong những sự kiện lớn
Những gì bạn nhớ được trong các sự kiện lớn, dù rõ ràng đến đâu, cũng chưa chắc đã đúng sự thật.
Sự kiện lớn ở đây là những gì cực kỳ lớn và quan trọng nhé, kiểu như vụ nổ máy bay 11/9 của Mỹ, hoặc vụ nổ bom tại Paris vừa qua. Bạn có thể kể vanh vách những gì xảy ra vào thởi điểm đó, nhưng thông tin thường là sai lệch.
6. Ký ức đôi khi chỉ là tưởng tượng
Vì khi nhớ lại, chúng ta lại sử dụng cùng một khu vực não để tưởng tượng, nên 2 quá trình rất dễ lẫn lộn với nhau.
Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta đôi khi nhầm mơ với thực. Và cũng nhờ vậy mới có chuyện "tẩy não" - đưa những ký ức giả vào não của một người như trong một số bộ phim của Hollywood.
Nguồn: BuzzFeed