Ngắm mèo là thú vui tao nhã của bao người, ngay cả ứng viên tổng thống Mỹ như Hillary Clinton cũng phải thường xuyên xem ảnh động của mèo trên Internet để xả stress.
Còn đối với các nhà khoa học, qua bao thế kỷ, mèo vẫn luôn là chủ đề nghiên cứu rất hấp dẫn, mang lại bao kết quả cực kỳ hài hước.
Dưới đây là một số phát hiện hay ho về loài vật lúc thì dữ dằn, lúc thì "ngớ ngẩn" này
1. Nhờ năng chải chuốt, mèo đỡ "bốc mùi" hơn chó
Vào năm 2002, các giáo sư đến từ Trung tâm Nghiên cứu Hành vi động vật thuộc ĐH Queen’s Belfast (Anh) đã thực hiện một thí nghiệm, xem chủ của thú nuôi có biết được đâu là mùi vật nuôi của mình không.
Để thực hiện nghiên cứu, chủ của 25 con mèo phải ngửi hai chiếc chăn, một chiếc có thấm mùi thú cưng của họ và một chiếc có thấm mùi một con mèo xa lạ. Sau khi "ngửi hai cái chăn đến khi nào chán thì thôi", họ sẽ phải đoán xem đâu là chiếc có mùi con mèo của mình.
Kết quả là đối với mèo, chỉ có khoảng 50% số người tham gia thí nghiệm đoán đúng. Trong khi thực hiện thí nghiệm tương tự ở chó, tỉ lệ lên tới 90%.
Lý giải cho kết quả này, các giáo sư cho rằng vì mèo dành nhiều thời gian cho việc "chải chuốt" cơ thể hơn chó, lượng mùi chúng phát ra cũng khác nhau. Mùi của chó "nặng" hơn nên sẽ kích thích khứu giác của con người mạnh hơn, giúp họ dễ dàng phân biệt giữa hai con chó.
2. Mèo là một… dũng sĩ diệt "ma cà rồng"
"Mèo săn ma cà rồng rất giỏi". Đó là kết luận của các chuyên gia đến từ Cục Sức khỏe Động vật Quốc Gia ở Argentina sau khi nghiên cứu về khả năng săn Dơi quỷ hút máu (Desmodus rotundus) của loài mèo ở khu vực Mỹ Latinh vào năm 1994.
Khi quan sát tại các khu vực chăn nuôi gia súc, các chuyên gia nhận thấy rằng mỗi khi mèo xuất hiện, dơi sẽ ngại đến gần dê, heo, bò,… để hút máu hơn. Trường hợp này thường xảy ra khi giữa mèo và bầy gia súc xung quanh có sẵn mối quan hệ tương hỗ.
Mèo diệt dơi rất giỏi
Không những dọa cho sợ không dám đến gần, mèo còn vồ và tấn công dơi. Sở dĩ mèo có thể dễ dàng phát hiện ra dơi là nhờ âm thanh mà dơi phát ra hay mùi phân tích tụ trong hang dơi bám vào chúng.
Dù nghe có vẻ hữu ích như tập tính bắt chuột, mèo cũng có lúc chỉ vồ dơi sau khi dơi đã hút no máu con mồi của mình và không thể bay nhanh.
Mang "chiến lợi phẩm" về cho chủ
3. Mèo còn là một… kẻ sát nhân hàng loạt tàn nhẫn
Hiệp hội Nghiên cứu Sinh thái học ở New Zealand đã rất bất ngờ với kết quả theo dõi hành vi săn mồi trong suốt 17 năm của một con mèo sống ở vùng ngoại ô. Chuột và dơi, như ta đã biết ở trên, không phải là những động vật duy nhất phải dè chừng móng vuốt của mèo.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Zoology của New Zealand vào năm 2007, thì từ năm 1988 đến năm 2005, con mèo tên Peng You của chính tác giả bài viết đã tiêu diệt hơn 800 sinh vật cư ngụ ở khu vườn sau nhà, bao gồm chuột, thỏ, chồn, thằn lằn, ếch… và hơn 15 loài chim khác nhau.
Hầu hết số chuột bị mèo tha về vẫn còn lành lặn dù đã chết, nhưng thỏ thì không may mắn như vậy, chúng bị mèo ngấu nghiến toàn bộ, chỉ chừa một ít da và phần chân sau. Chim thì hầu như cũng bị ăn hết, một số chỉ còn sót lại nửa thân.
Hiện nay tại New Zealand, người ta đang lo ngại một số loài động vật có thể bị tuyệt chủng vì mèo.
Chính phủ New Zealand thậm chí đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm loại bỏ hoàn toàn các loài ăn thịt không đặc hữu, bao gồm cả mèo, trước 2050!
4. Chỉ cần đứng im một chỗ, mèo đã có thể giết chết một con chim
Các giáo sư đến từ Đại học Viên ở Áo đã đăng trên tập san quốc tế Behavioural Processes vào năm 2012 một thí nghiệm như sau: họ cho mèo tiếp xúc với vật lạ - một con cú con bằng bông có cặp mắt kính to và rộng. Kết quả là món đồ chơi đã bị con mèo "sưng sỉa" và bay vào cấu xé.
Điều đó tất nhiên chẳng có gì lạ, vì mèo vốn là một sát thủ vô tình. Tuy nhiên 1 năm sau đó, trong một thí nghiệm được thực hiện bởi các giáo sư đến từ ĐH Sheffield (Anh), mèo lại ở vị trí là thú nhồi bông.
Họ đặt một con mèo mướp nhồi bông gần tổ của một bầy chim Hoét đen hoang dã. Lần này, chim lại là bên "bực mình" nhất. Chỉ trong vòng 15 phút, bầy chim này đã bắt đầu giảm sút hoạt động tìm kiếm thức ăn, gây nguy hại cho khả năng sống của các con chim non.
Cuối cùng, tiếng kêu réo báo hiệu mèo đến gần của bầy chim này lại thu hút các loài thú săn mồi khác đến "hốt" chúng.
Chẳng cần làm gì, bọn mèo cũng diệt được nhiều sinh vật
5. Mèo luôn "thon thả" trong mắt chủ của mình
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các giáo sư đến từ ĐH Kỹ thuật Munich và ĐH Bonn (Đức) vào năm 2006, họ nhận thấy tỉ lệ mèo đang mắc bệnh béo phì tăng rất nhanh. Thế nhưng, chủ nhân của chúng liên tục phủ nhận điều này, và đó cũng chính là nhân tố góp phần khiến cho mèo của họ ngày càng béo lên.
Trong số 60 người tham gia phỏng vấn, phần lớn cho rằng mèo của mình chỉ "hơi mập mạp tí tẹo thôi", trong khi sự thật là nếu có gọi chúng nó là heo thì cũng hơi xúc phạm con heo. Thậm chí có người còn nghĩ rằng mèo của mình có "hình mẫu nhẹ cân lý tưởng". Chỉ có một phần rất nhỏ là chấp nhận sự thật.
Siêu mẫu đấy!
Theo một nghiên cứu tương tự được thực hiện bởi cùng một đội ngũ vào năm 1998, những người nuôi chó lại có ý thức về tình trạng cân nặng của thú cưng nhiều hơn.
Lý do được cho là vì mèo không thường xuyên được mang tới những nơi đông người như chó nên cũng ít ai bình phẩm về "đống mỡ" của mèo cho chủ của chúng biết.
Và cứ thế, mèo đã béo lại hoàn béo
6. Ở nhà cả ngày, mèo làm đủ trò kỳ lạ
Công ty chuyên sản xuất thức ăn chó mèo Iams ở Mỹ đã thực hiện một khảo sát về thói quen của mèo vào năm 2005. Câu hỏi được đặt ra rất quen thuộc: "Trong một ngày, con mèo làm gì?".
Và bao thú vui quái dị của mèo đã được liệt kê ra: nghịch miếng bọt biển cọ rửa, "quay tít người" như một con... động rồ, nằm lên lò điện nướng bánh ngủ, ngắm nhìn… bãi đậu xe, ngắm mưa, ngắm tuyết, ngắm mái hắt cửa sổ và Mặt trời…
Ngoài ra, có một hoạt động rất phổ biến của mèo mà người chủ nào cũng biết: nhìn chằm chằm vào… không trung.
Nguồn: Smithsonian