Tại các nước trên thế giới, Black Friday - “Thứ Sáu đen tối” được ấn định là ngày thứ 6 lần thứ 4 của tháng 11 hàng năm (vào khoảng ngày 23-29 tháng 11) sau ngày Lễ Tạ Ơn. Đây là dịp mà bạn có thể mua được những món đồ giá trị cao với giá cực hời do đó mà không ít người sẵn sàng thức cả đêm, tranh giành nhau mua những món đồ giảm giá lớn vào mỗi dịp Black Friday.
1. Tráo hàng
Tráo hàng là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất vào dịp Black Friday, bằng cách đưa ra mức giá hấp dẫn cho một sản phẩm nào đó rồi thông báo hết hàng. Sau đó, chủ shop sẽ liên hệ với bạn để xin lỗi và đưa ra một sản phẩm với mức giá tốt hơn để bày tỏ sự lòng hiếu khách.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào ai cũng tốt như vậy, tốt nhất là bạn hãy cẩn thận khảo giá và kiểm tra sản phẩm kĩ càng trước khi đặt mua,
2. Đánh cắp thông tin tài khoản
Đến mùa giảm giá Black Friday, mọi người thường sẽ tiêu một số tiền lớn vào việc mua sắm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà bạn nên cẩn thận vì có đôi khi tiền trong ví vẫn mất kể cả khi chưa mua món đồ gì.
Một trong số những nguyên nhân này xuất phát từ việc người dùng cả tin, điền những thông tin đáng giá vào các trang web có đề mục dạng “tham gia bốc thăm trúng thưởng iPhone Xs” hay “tặng iPhone Xs dịp Black Friday”,…
3. Câu “Like”
Hình thức câu like này đã quá quen thuộc với các Facebooker vài năm trước, nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn có người dính quả lừa có phần hơi phi lý này. Ban đầu, các Fanpage trên Facebook kêu gọi mọi người chỉ cần “Like page và share rồi comment số” để có cơ hội trúng iPhone, iPad hay thậm chí xe hơi VinFast.
Nhiều người với tâm lý ăn may, share một bài đăng mà đã có cơ hội sở hữu những món đồ đắt tiền thì dại gì không thử. Tuy nhiên, thực tế là bạn đã vô tình tiếp tay cho các Fanpage này trục lợi bằng cách bán lại page với lượt like có sẵn.
4. Dịch vụ giao hàng bị quá tải
Vào mùa mua sắm cao điểm, việc giao hàng trễ hẹn không phải là một vấn đè hiếm gặp. Tuy nhiên, các hacker có thể nhân cơ hội này để gửi các email giả mạo cho bạn với nội dung thông báo rằng kiện hàng của bạn sẽ bị chậm trễ vài ngày, hãy nhấn vào đường dẫn được cung cấp để cố định ngày giao hàng.
Nếu không tinh ý phát hiện ra, tài khoản của bạn sẽ bị hacker thâu tóm, hay thậm chí bị nhiễm mã độc gây hư hại máy tính. Do đó, hãy luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi cũng như đường link trước khi bấm vào bất cứ email từ cửa hàng hay công ty vận chuyển.
5. Phát tán mã độc qua email
Do là ngày hội mua sắm lớn nên Black Friday được khởi động trước cả tuần liền, thế nên thời điểm này bạn có thể nhận được hàng tá email quảng cáo giảm giá trên các trang bán hàng điện tử cũng không phải chuyện lạ.
Biết được điều này, các tội phạm công nghệ cao sẽ lợi dụng để gửi những quảng cáo lừa đảo, phát tán mã độc lên máy tính của ngừoi dùng. Vì vậy, hãy nhớ kiểm tra địa chỉ email của người gửi cũng như đường link khi thấy email quảng cáo.
6. Giảm giá ảo
Giảm giá ảo cũng là một chiêu trò khá phổ biến hiện nay. Theo đó, cửa hàng sẽ nâng giá niêm yết của sản phẩm lên rất cao rồi đưa ra mức giảm giá vô cùng hấp dẫn đôi khi đến 5-60%.
Trong thực tế, phương án này được áp dụng rất nhiều trong các đợt giảm giá vì nó đáp ứng được cả hai yếu tố: tâm lý khách hàng và lợi nhuận thực tế cho nhà kinh doanh. Rõ ràng, việc bán hàng không trung thực, quảng cáo khuyến mãi ảo để lôi kéo khách hàng đến mua hàng là một chuyện không tốt lành gì, cho dù nó không gây tổn hại quá lớn cho túi tiền của người mua.
Tốt nhất là bạn nên chọn những cửa hàng uy tín và so sánh giá cả của nhiều cửa hàng trước khi móc ví.