Tăng Quốc Phiên dạy con: 6 kiểu lời nói không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối

Khánh An |

Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, nếu thường xuyên nói những lời này, không sớm thì muộn cũng có ngày gặp họa.

Tăng Quốc Phiên là một trong "Tứ đại danh thần phục hưng cuối thời nhà Thanh", ông được hậu thế đánh giá rất cao, hết lời ca tụng. Con đường làm quan của ông cũng rất thần kỳ, bảy lần thi không đỗ, trong mười năm bảy lần thuyên chuyển, thăng liền mười cấp, làm đến chức quan Nhị phẩm.

Tăng Quốc Phiên cả đời chăm chỉ, liêm khiết, không vì làm quan cao mà kiêu ngạo. Ông luôn nghiêm khắc với bản thân, lấy đức làm quan, trên quan trường cũng đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đường thăng quan đều rất suôn sẻ. 

Thường nghe, quan trường như chiến trường, phúc họa trong một sớm một chiều. Những thành công trên quan trường của Tăng Quốc Phiên, đều đạt được nhờ cách nói chuyện của ông. Tăng Quốc Phiên luôn tuân thủ nguyên tắc "Không nói nhiều".

Người xưa có câu: "Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra". Những điều nên nói thì mới nói, những điều không đáng nói thì đừng nói.

Tăng Quốc Phiên nói: "Làm việc không được tùy tâm, nói chuyện không được tùy miệng".

Việc này bắt nguồn từ câu chuyện sau:

Vào ngày chúc thọ cha của Tăng Quốc Phiên, Trịnh Tiểu San đến chúc thọ, Trịnh Tiểu San là bạn đồng hương của Tăng Quốc Phiên, khi ấy Tăng Quốc Phiên vừa mới vào Hàn Lâm Viện, vì phấn chấn vui vẻ nên kéo Tiểu San vào cùng mình nói chuyện, không nề hà điều gì, cái cần nói cũng nói mà không cần nói cũng nói khiến cho Tiểu San cảm thấy rất phiền, liền tức giận mà bỏ đi.

6 kiểu lời nói không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối - Ảnh 2.

Chân dung Tăng Quốc Phiên.

Sau việc này, Tăng Quốc Phiên nhận ra được sai lầm của bản thân, hối hận mãi, từ đó về sau, ông bắt đầu chú ý mọi hành động lời nói của mình và đúc kết ra những bài học vô cùng chuẩn xác. 

Dưới đây là 6 kiểu lời nói mà Tăng Quốc Phiên khuyên con cháu mình không được áp dụng trong cuộc sống. Chúng ta hãy cùng tham khảo:

1. Lời nói quá thẳng

Nói chuyện là một loại nghệ thuật. Nói hay thì như hoa thêu trên gấm, làm cho mọi việc tốt đẹp hơn; nói không hay thì như sương rơi trong tuyết, tổn hại càng nhiều hơn.

Khi nói chuyện không nên quá thẳng thắn, trực tiếp. Ai cũng có lòng tự trọng và hư vinh của bản thân, nếu nói năng quá thẳng thừng, không suy xét đến hoàn cảnh của người khác, sẽ dễ dàng lâm vào hoàn cảnh khó xử, làm cho mọi người đều không vui.

Tăng Quốc Phiên từng răn dạy con trai rằng: "Từ xưa đến nay, xét đức hạnh tính cách dẫn đến thất bại, có hai điều, thứ nhất là tự kiêu thứ hai là nhiều lời."

Nói chuyện cần giống như nước chảy khe núi, thấm vào ruột gan, từ từ như nước chảy. Lại không thể giống như sông to nước lớn, cuồn cuộn mênh mông, ầm ầm mà chảy. Nói một cách dứt khoát gọn gàng so với nói nhẹ nhàng chậm rãi, sẽ mang đến những kết quả khác nhau, cách nói nhẹ nhàng sẽ càng khiến người nghe dễ dàng tiếp nhận hơn.

6 kiểu lời nói không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối - Ảnh 4.

Để người nghe tiếp thu lời nói của bạn, đây chính là điểm mấu chốt trong nói chuyện, giao tiếp.

Nếu như cách nói chuyện không phù hợp thì cho dù lời nói có thật lòng đến đâu, có giá trị đến đâu đi nữa cũng sẽ không lọt tai người nghe, như vậy là không đạt được giá trị giao tiếp, phí công vô ích.

Còn nói một cách nhẹ nhàng uyển chuyển, không cứng rắn gượng ép sẽ khiến người nghe thấy được sự tôn trọng, tạo không gian cho đối phương, ổn định cảm xúc của đối phương, từ đó có thể giúp kéo dài cuộc trò chuyện.

2. Lời bàn tán

Người hay nói lời bàn tán sẽ dễ bị người khác ghét, đặc biệt là những người thích nói sau lưng người khác.

Trong "Gia thư", Tăng Quốc Phiên từng viết: "Hay nói lời thị phi, tất là kẻ thị phi." Người hay bàn tán, phàn nàn người khác, thích phóng đại chuyện nhỏ thành chuyện lớn, thì chắc chắn chẳng phải người tốt đẹp gì. Suốt ngày đi bàn luận người khác, rồi sẽ có ngày những lời bàn tán ấy truyền đến tai người đó.

Người thông mình thật sự, vào lúc rảnh rỗi sẽ tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ và giá trị của bản thân chứ sẽ không lãng phí thời gian và sức lực của mình để bàn tán người khác.

6 kiểu lời nói không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối - Ảnh 6.

3. Lời phàn nàn

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn gặp phải những người thích phàn nàn,  họ phàn nàn bản thân hoặc trách cứ người khác.

Thực ra thì phàn nàn là một chuyện rất vô ích, chẳng có tác dụng giải quyết bất cứ việc gì. Người khác không thích nghe bạn cứ phàn nàn mãi, ngược lại, chúng ta cũng không thích nghe mãi lời phàn nàn của người khác. Nghe nhiều lời phàn nàn, tâm trạng sẽ trở nên không tốt, nhiễm phải những thái độ tiêu cực với cuộc sống.

Những người thích phàn nàn, hay tức giận, oán trách, không kiên định, khả năng chịu đựng áp lực cũng sẽ giảm đi. Gặp chuyện phiền phức sẽ thích phàn nàn, sẽ cố đổ lỗi cho người khác, trách cứ cuộc đời bất công, khiến bản thân gặp phải cảnh khó khăn, thê thảm. Như thế sẽ dễ biến bạn thành kẻ lười biếng, nhu nhược và yếu đuối.

Vì thế nên, chúng ta không cần cứ mãi ngốc nghếch đi phàn nàn mọi thứ xung quanh, không bằng tĩnh tâm mà suy nghĩ, nghĩ tại sao mình lại thất bại? Có cách nào có thể giải quyết được hay không? Lần sau làm lại liệu mình có thể làm tốt hơn không? Đây mới chính là điều mà chúng ta cần phải làm.

4. Lời nói ngông cuồng

Khi giao thiệp với người khác, chân thành, thành thực luôn là ưu tiên hàng đầu, còn những lời ngông cuồng tự đại thì không cần phải nói, nếu nói ra sẽ khiến người khác ghét hơn. Cũng không cần dễ dãi nhận những việc bản thân không thể làm được, như vậy sau này trở thành người thất hứa, sẽ đánh mất niềm tin của người khác vào mình.

6 kiểu lời nói không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối - Ảnh 8.

Nếu chỉ vì thỏa mãn hư vinh của bản thân, nói ra những lời ngông cuồng tự đại, đem khuyết điểm của mình bộc lộ trước người khác, thì quả thật là lợi bất cập hại.

Thời Ngụy Tấn, có vị danh sĩ lưỡng Tấn thích nói lời ngông cuồng là Chu Bá Nhân.

"Tấn Thư"có viết: Có một lần Tấn Nguyên Đế mở tiệc chiêu đãi quần thần, khi mọi người đều ăn uống no say, Tấn Nguyên Đế liền cao hứng nói: "Các vị đại thần ngồi đây đều là rường cột quốc gia, hôm nay tề tựu đông đủ tại đây, chư vị ái khanh có thấy giống với các vị Nghiêu Thuấn Vũ thời Thượng cổ không?"  Các vị đại thần đều vỗ tay khen vua nói phải.

Lúc ấy, Chu Bá Nhân đã uống say rồi, lớn tiếng nói: "Đều là Hoàng đế, Hoàng đế hôm nay sao có thể sánh với thời các vị thánh nhân khi ấy kia chứ?" Hoàng đế nghe xong cực kỳ tức giận, lập tức hạ chỉ xử trảm Chu Bá Nhân. Vài ngày sau mới đặc xá tha cho.

Cho nên, chúng ta làm người phải khiêm tốn, không nên cuồng ngôn giống như Chu Bá Nhân để rồi phải rước họa vào thân.

5. Lời nói xuyên tạc

Con người sống ở đời phải sống sao cho rõ ràng minh bạch, làm người ngay, làm việc phải.

Không được ăn nói bậy bạ, cái không biết thì không nói, chứ đừng bao giờ nói linh tinh vì lời nói lỡ nói ra rồi thì chẳng thể rút lại được nữa.

Người đời có câu: "Kẻ nói vô tình, người nghe hữu ý". Người khác nghe được, sẽ nghi ngờ nhân phẩm đạo đức của bạn, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và ấn tượng của bạn trong lòng đối phương.

Người hay nói bậy bạ, lung tung sẽ chẳng có ai muốn lại gần giao lưu, bởi vì mỗi câu họ nói ra đều có lẫn những lời dối trá, không có tác dụng trao đổi.

6 kiểu lời nói không nên nói ra, ai cũng nên biết để tránh gặp phải rắc rối - Ảnh 10.

Ảnh minh họa.

Nói chuyện thì phải rõ ràng chính xác, chớ có nói bậy bạ, quàng xiên, để cho người nghe thấy được bạn là người đáng để tin tưởng, như thế càng thể hiện bản thân là người có EQ cao.

6. Lời nói ác ý

Tăng Quốc Phiên luôn cố gắng răn dạy con cái qua "Gia thư" rằng làm người phải đôn hậu, lời nói không được nói đến quá mức, làm việc cũng không nên quá quyết tuyệt. Nên tích khẩu đức, tôn trọng người khác, đây là bao dung với người và cũng là bao dung với mình. Những lời mang ác ý, thì chớ có mà nói ra, phải học cách kiềm nén lại.

Người xưa có câu: "Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng"

Những tổn thương của lời nói ác ý đem lại không khác gì một quả bom nguyên tử công kích tinh thần người nghe.

Nguyễn Linh Ngọc (Trung Quốc) có viết trong bức di thư: "Tôi chết đi nào có gì đáng tiếc, chỉ là sợ hãi miệng lưỡi người đời". Lời nói cay độc có thể mang đến cho người nghe những tổn thương mà chúng ta không thể ngờ đến.

Cho nên, trước khi chúng ta nói ra điều gì đó, hãy cân nhắc cho thật kỹ càng, loại bỏ đi những lời nói ác ý gây tổn thương người khác.

Mỗi câu bạn nói ra đều sẽ quyết định tầm cao của cuộc đời bạn, hãy thận trọng suy nghĩ trước khi mở lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại