Chúng ta dù lớn lên nhưng vẫn giữ được phần nào đặc tính của một đứa trẻ, đó là tò mò về những sự vật sự việc xung quanh.
Nhưng khổ nỗi, chúng ta lại không được năng động như lũ trẻ. Trẻ em thấy thắc mắc thì chúng sẽ hỏi. Còn chúng ta, đa số đều cảm thấy ngại, hoặc đơn giản là "lười" dù chỉ để gõ Google thôi, và rồi lại quên bẵng đi mất. Vậy nên có rất nhiều điều mà chúng ta đang cảm thấy thắc mắc mà mãi vẫn chẳng có lời giải.
1. Truyền thuyết nàng tiên cá ở đâu ra?
Ngày xưa - cái thời mà Columbus còn chưa kịp tìm ra châu Mỹ, thì đại dương là một thế giới ngập tràn thú vị mà nói thực là bạn kể gì người ta cũng tin.
Người đi biển về kể chuyện, thêm mắm dặm muối, cộng thêm trí tưởng tượng bay xa đã trở thành nguồn gốc của biết bao truyền thuyết nổi tiếng. Và nàng tiên cá là một trong số đó.
Dựa trên các bằng chứng tìm được, thì có vẻ như truyền thuyết về tiên cá bắt nguồn từ loài cá voi trắng - hay cá voi beluga. Chúng đẹp, trang nhã và cực kỳ thông minh. Thậm chí, chúng có thể bắt chước được âm thanh của con người.
Giả thuyết được đặt ra là người xưa đã nhầm rong rêu mắc trên đầu cá là tóc, nghe âm thanh chúng phát ra rồi tưởng là tiếng hát. Cộng thêm khả năng "thêm mắm dặm muối cho trí tưởng tượng bay xa", nàng tiên cá đã ra đời.
2. Bạn có thể hít vào bằng mũi và miệng cùng một lúc hay không?
Dám chắc là đến đây, rất nhiều người sẽ làm thử. Và cũng dám chắc là bạn không làm được đâu!
Thông thường, cơ thể bạn có cơ chế tự đóng một trong hai đường thở. Khi bạn thở bằng mũi, nó sẽ đóng đường miệng, và ngược lại. Tuy nhiên về mặt lý thuyết thì có thể, chỉ cần phải tập luyện trong thời gian dài. Trên thực tế, đây là cách hít thở rất phổ biến trong giới ca sĩ và những người tập yoga.
3. Tại sao bạn ghét tiếng trẻ con khóc?
Không chỉ tiếng trẻ con, mà có những loại âm thanh mà gần như ai cũng ghét - như tiếng móng tay cào bảng chẳng hạn.
Khoa học đã chứng minh rằng tai của chúng ta trở nên rất nhạy cảm với những âm thanh có tần số từ 2000 Hz - 4000 Hz.
Tiếng cào bảng nằm trong dải tần số này, tiếng trẻ em khóc cũng vậy. Nhưng cũng cần biết rằng có rất nhiều âm thanh nằm trong đó, và chúng không gây khó chịu như 2 âm thanh kể trên.
Lý do cụ thể là gì, đến giờ chúng ta vẫn chưa có đáp án chính xác, dù nhiều giả thuyết được đặt ra.
Như theo nghiên cứu vào năm 2006, 2 âm thanh này rất giống với tiếng loài tinh tinh phát ra khi muốn báo động. Đó là những âm thanh gây chói tai, có thể kích hoạt cơ chế tự vệ của đồng loại.
Dù vậy, giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là những âm thanh này kích thích hạch hạnh nhân trong não - khu vực gắn liền với nỗi sợ.
4. Tại sao sáng ngủ dậy, miệng lại hôi kinh khủng?
Để thêm phần thắc mắc thì nếu bạn thức cả đêm, mồm của bạn cũng không thể hôi như khi mới ngủ dậy được. Tại sao vậy?
Nguyên nhân nằm ở nước bọt. Đây vốn là lớp bảo vệ tự nhiên trong vòm miệng của chúng ta. Nước bọt giết chết vi khuẩn, đồng thời cũng trung hòa các hợp chất có gốc lưu huỳnh - thứ gây ra mùi hôi.
Và lý do đơn giản chỉ là khi chúng ta ngủ, nước bọt tiết ra ít hơn, nên khuôn miệng của bạn có nhiều vi khuẩn hơn thôi.
5. Nếu tất cả mọi người trên Trái đất cùng nhảy lên một lúc, chuyện gì sẽ xảy ra?
Khi bạn nhảy lên và hạ xuống, trọng lượng cơ thể khi chạm đất sẽ tạo ra năng lượng. Một phần năng lượng ấy sẽ chuyển ngược vào chân. Số còn lại truyền xuống đất. Và nếu là 7 tỉ người cùng truyền năng lượng, thì hậu quả sẽ là gì nhỉ?
Trước tiên, nếu 7 tỉ người nằm rải rác, sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả. Còn nếu tất cả cùng tập trung một chỗ, mọi thứ có thể trở thành thảm họa.
Thứ đầu tiên bạn nhận ra sẽ là... màng nhĩ bị thủng, vì đó là âm thanh lớn bậc nhất. Để dễ hình dùng thì âm thanh của động cơ phản lực là khoảng 150 decibels, còn âm thanh tạo ra lúc này sẽ vượt qua con số 200.
Tiếp theo, chấn động gây ra là đủ để gây động đất - khoảng 4-8 độ richter. Những vùng biển lân cận khu vực nhảy có thể xuất hiện sóng thần, với độ cao trên 30m. Thậm chí, một vài tòa nhà xây dựng không mấy chắc chắn cũng có thể sập thẳng xuống.
6. Có những bài hát không thể ra khỏi đầu. Tại sao vậy?
Chắc cũng không dưới một lần, đầu bạn liên tục nghĩ về giai điệu của một bài hát mới nghe, mà không làm cách nào quên đi được.
Theo các nhà âm học, một bài hát muốn đạt đến "đẳng cấp" như vậy cần 2 yếu tố. Một là giai điệu phải đơn giản, và hai là lời bài hát trở nên dễ nhớ.
Những bài hát ấy cũng thường có giai điệu ngắn, bắt tai, và khiến con người ta cảm thấy hứng thú. Lý do là bởi chúng không chỉ tác động vào bộ nhớ trong não bộ, mà còn đến trung khu thần kinh vận động nữa.
Và cuối cùng, nếu nghe một bài hát khi đang có tâm trạng bị biến động mạnh (chẳng hạn như mới thất tình), bạn sẽ nhớ nó rất lâu.
Tham khảo: Bright Side