Nhiều người khi trải nghiệm 5G cảm thấy tốc độ mạng không được như kỳ vọng. Công nghệ mới này đôi khi cảm giác còn chậm hơn 4G, đã thế còn chập chờn, thậm chí là mất kết nối. Vì sao?
Không phải cứ có biểu tượng 5G là dùng được 5G
Nhìn vào góc trên bên phải phía trên của điện thoại, bạn thấy chữ "5G" và biểu tượng vạch sóng biểu thị cho cường độ tín hiệu mạng đang "căng đét".
Nhưng khi kết nối vào internet, bạn thấy mạng không nhanh như mong đợi, thậm chí là lúc có lúc không. Mạng 5G được quảng cáo là siêu tốc mà sao lại kém hơn cả 4G vậy?
Lỗi không phải ở 5G mà sự thật là những biểu tượng ở trên điện thoại không có ý nghĩa như bạn đang lầm tưởng.
Theo WSJ, không phải cứ khi điện thoại hiển thị "5G", bạn sẽ được kết nối với công nghệ mạng di động mới nhất và nhanh nhất. Điều đó đôi khi chỉ có nghĩa là kết nối 5G đang khả dụng gần đó. Với việc mạng 5G mới thiết lập như hiện nay, số trạm phát sóng còn ít, chuyện bắt hay không bắt được sóng 5G là điều bình thường.
Ngoài ra, các vạch tín hiệu cạnh chữ 5G cũng không hoàn toàn chính xác. Không có thước đo chuẩn nào về mức độ mạnh yếu của tín hiệu mà mỗi vạch biểu thị.
"Biểu tượng kết nối đó chỉ là một lời nói dối", Avi Greengart, chủ tịch công ty phân tích công nghệ Techsponential cho biết.
Số vạch bạn thấy chỉ là phỏng đoán tốt nhất chứ không phải là phép đo chính xác về cường độ kết nối của điện thoại. "Điều đó chỉ có nghĩa là bạn có tín hiệu", Ken Hyers, giám đốc công nghệ thiết bị của công ty nghiên cứu TechInsights giải thích.
Tất nhiên, biểu thị đó về cơ bản vẫn có ích. Nếu chỉ thấy còn một vạch sóng trên điện thoại, rõ ràng bạn sẽ không có trải nghiệm tốt khi phát trực tuyến Netflix hoặc tham gia cuộc gọi video FaceTime.
Mọi người thường có thói quen là khi thấy ít vạch sóng, họ sẽ đi vòng quanh, tay huơ điện thoại lên cao để tìm sóng. Những cuộc đi săn tín hiệu đó có thể hiệu quả, nhưng bạn nên coi chúng là những thí nghiệm may rủi.
Lời khuyên hữu ích là nếu bạn ở nơi có nhiều cây xanh hoặc nhiều tòa nhà và sóng điện thoại di động không ổn định, hãy di chuyển ra xa những vật cản để cải thiện khả năng thu sóng.
Có nên sử dụng 5G?
5G hiện tại chưa ổn định và nhiều khu vực chưa hỗ trợ. Tin tốt là bạn có thể không cần đến 5G.
Hầu hết các nhu cầu sử dụng hiện nay của mọi người như gọi điện, nhắn tin và lướt web đều hoàn toàn ổn trên thế hệ công nghệ không dây trước đó gọi là 4G hoặc đôi khi là "LTE".
Dịch vụ 5G sẽ chỉ tạo ra sự khác biệt thực sự khi thực hiện cuộc gọi video hoặc chơi game hay các tác vụ yêu cầu kết nối mạng băng thông lớn và ổn định.
Một vấn đề khác là pin. 5G có thể sử dụng nhiều pin hơn 4G LTE trong hầu hết trường hợp. Samsung, Apple, T-Mobile và các công ty khác đều khuyên người dùng nên chuyển sang 4G nếu ưu tiên đến thời lượng pin.
Hiện nay, các nhà mạng triển khai sớm 5G thường chọn hình thức 5G không độc lập (5G NSA), truyền dữ liệu tốc độ cao nhưng định tuyến các cuộc gọi và tin nhắn qua mạng 4G hoặc 3G cũ.
Theo Samsung, điều này có nghĩa là điện thoại thông minh của bạn được kết nối với hai mạng khác nhau cùng một lúc, càng làm tăng mức tiêu thụ điện năng và hao pin.
Ở khía cạnh phần cứng, quá trình chuyển đổi bên trong điện thoại thông minh từ 4G sang 5G cũng vẫn chưa hoàn thiện. Các mẫu điện thoại 5G thế hệ đầu thường sử dụng modem rời thay vì modem tích hợp trực tiếp vào SoC. Điều này dẫn đến mức tiêu thụ điện năng cao trên toàn bộ bo mạch.
Điện thoại thông minh 5G đời đầu mất 1-2h sử dụng pin so với kết nối 4G tiêu chuẩn. iPhone 12, sản phẩm đầu tiên trong dòng sản phẩm hỗ trợ 5G, đã gặp phải vấn đề này.
Tình hình đã được cải thiện phần nào với modem tích hợp hiện đã trở nên phổ biến với các mẫu điện thoại ra mắt gần đây. Tuy nhiên, kết nối 5G vẫn còn kém hiệu quả hơn một chút so với 4G LTE.
Cường độ tín hiệu kém cũng ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ pin của điện thoại thông minh. Nếu ở xa tháp 5G, modem điện thoại phải làm việc nhiều hơn để thiết lập kết nối.
Nói cách khác, trong lúc 5G mới chỉ phủ sóng ở vài nơi, hãy chuẩn bị cho việc thiết bị tốn pin hơn. Người dùng có thể vẫn tiếp tục sử dụng 4G và chờ đợi cho đến khi quá trình triển khai ổn định.