2018 là một năm có rất nhiều biến động trong tự nhiên, từ những cơn bão khổng lồ, đến cháy rừng thảm họa tại California. Và dĩ nhiên, không thể bỏ qua núi lửa.
Tổng cộng trên Trái đất có 1500 ngọn núi lửa đang hoạt động, và 50 trong số đó phun trào hàng năm. Riêng trong năm 2018, nhân loại đã phải chứng kiến những vụ phun trào gây thảm họa rất lớn, mà chúng ta sẽ liệt kê ra ngay dưới đây.
1. Kilauea: Chuỗi phun trào kinh hoàng nhất trong năm
Kilauea là ngọn núi lửa hình khiên đang hoạt động ở quần đảo Hawaii. Nó tọa lạc trên bờ phía Nam, có niên đại từ 300.000 - 600.000 năm, nhưng mới chỉ nổi lên trên mặt nước biển từ khoảng 100.000 năm trước.
Về mặt cấu trúc, Kilauea có 1 miệng núi lửa và 2 khe nứt. Một hướng về phía đông, dài 125km; và một hướng về phía tây, dài 35km.
Kể từ năm 1983, Kilauea đã liên tục phun trào, gây ra nhiều thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, đáng sợ nhất vẫn là chuỗi phun trào xảy ra vào tháng 5/2018.
Ngày 3/5, hơn 20 lỗ phun dung nham trên đỉnh ở Puna đã ào ạt trào magma, kéo theo một trận động đất dữ dội vào ngày 4/5, buộc 2000 dân phải sơ tán. Đến ngày 17/5, vào lúc 4:17 giờ sáng, đỉnh ở Halemaumau lại bùng nổ, bắn một cột tro cao hẳn 9,1km lên trời. Phải sang tận đầu tháng 8, chuỗi phun trào kinh hoàng này mới tạm lắng xuống, tới ngày 4/9 thì dừng hẳn.
2. Volcán de Fuego: 99 người chết và gần 200 người mất tích
Volcán de Fuego là một núi lửa dạng tầng đang hoạt động ở Guatemala, rất nổi tiếng vì cứ 15-20 phút lại trào khí và phun tro một lần. Tất nhiên chỉ ở mức độ nhỏ thôi, đủ để ngắm cho vui.
Song vào ngày 3/6/2018, nó đột ngột làm một vụ cực mạnh. Dòng dung nham lớn đến nỗi tràn cả vào các làng El Rodeo, Las Lajas, San Miguel Los Lotes và La Reunión, chôn vùi nhà cửa và cướp đi mạng sống của nhiều người.
Tại làng San Miguel Los Lotes sau vụ phun trào, người ta tìm thấy 18 thi thể. Trong tổng số các nạn nhân của Volcán de Fuego, có hơn 50 trẻ em (1-16 tuổi) bị bỏng.
Tàn tro còn bay tới tận thủ đô Guatemala, buộc sân bay quốc tế La Aurora phải đóng cửa. Nhiều tuyến đường cũng bị hủy hoại nghiêm trọng. Theo báo cáo từ Associated Press vào ngày 5/6, ít nhất cũng có 99 người chết và gần 200 người mất tích.
3. Kadovar: Dung nham bao phủ hết một nửa diện tích hòn đảo
Kadovar là một hòn đảo núi lửa ở Papua New Guinea, nhưng chưa từng có vụ phun trào nào được ghi nhận cho đến tháng 1/2018.
Đảo Kadovar khá nhỏ, chỉ dài tầm 1,5km, song vẫn có khoảng 700 dân cư. Họ chủ yếu sống trong làng Gewai gần vành đai miệng núi lửa.
Trước năm 2018 cũng có vài câu chuyện về sự hoạt động của núi lửa ở Kadovar. Nghe nói vào khoảng năm 1700, có ngọn khói lớn xuất hiện ở đảo này. Trong 2 năm là 1976 và 1981 cũng từng có dấu hiệu sắp phun lửa.
Song chỉ chính xác vào ngày 5/1/2018, vụ phun trào mới thật sự được thấy tận mắt. Dưới cột tro cao tới 2,1km, nham thạch ồ ạt trào ra khỏi đỉnh núi, phủ kín hết cả một nửa hòn đảo. Phải mất vài ngày, vụ phun trào này mới kết thúc.
4. Sinabung, Agung, Krakatau: Nhấn chìm không ít vùng đất của Indonesia trong tro tàn
Sinabung là một núi lửa dạng tầng ở cao nguyên Karo của Indonesia. Ngọn núi cao hơn 2000m này đã xảy ra một vụ phun trào đáng sợ vào ngày 19/2/2018, thổi ra chí ít 1,6 triệu mét khối vật chất từ đỉnh núi. Chưa đầy 2 tháng sau, vào ngày 6/4, ngọn núi này lại bùng nổ một lần nữa. Rất may là không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nào.
Còn Agung thì nằm ở Bali của Indonesia, cũng là một núi lửa dạng tầng. Nó hoành hành từ năm 2017, gây ra 844 trận động đất, đạt tần suất cực đại vào ngày 26/9/2017, với 300-400 trận. Sang năm 2018, ngọn núi lửa này vẫn tiếp tục sôi sục. Đến ngày 3/7, nó bùng phát dữ dội, bắn tung magma ra mọi hướng.
Riêng Anak Krakatau của Indonesia còn thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương. Nó đã hoạt động khá liên tục, và vào ngày 15/10/2018 còn "làm" hẳn một cú phun dung nham cực mạnh, suýt chút nữa thì "hạ cánh" bom magma trên thuyền của một nhóm nghiên cứu núi lửa nghiệp dư liều mạng tới gần để quan sát.
5. Mayon: báo động cấp 4 suốt hơn 1 tháng
Mayon là một ngọn núi lửa của Philippines. Nó nằm tại tỉnh Albay, chỉ cách thủ đô Manila có 2.5km.
Vào ngày 13/1/2018, lúc 4:21 giờ chiều, Mayon bùng phát, dựng một cột tro cao 2,5km, khiến hơn 10 làng mạc, thị trấn ở phía tây của ngọn núi chìm trong tro xám, và khoảng 40.000 cư dân phải di tản khẩn cấp.
Sang ngày 14, Albay nâng mức báo động núi lửa lên cấp III, bởi đã có đến 3 vụ phun trào phreatic (hiện tượng magma nung nóng nước ngầm khiến hơi nước phun lên do áp lực) và 158 vụ đá tảng rơi. Song chưa dừng lại ở đó, vào ngày 22/1, Mayon còn thổi một cột tro cao hẳn 3km, buộc Albay phải ban bố cảnh báo cấp IV, cho phép tất cả các trường học trong tỉnh tạm đóng cửa.
Qua ngày 23/1, vòi dung nham cao 300-500m xuất hiện, sau đó tiếp tục phun tro và magma cho đến hết tháng. Suốt cả tháng 2, Albay giữ nguyên cảnh báo núi lửa cấp IV. Sang đầu tháng 3, họ mới hạ xuống cấp III, và đến cuối tháng 3 thì là cấp II.
Ngoài những vụ phun trào núi lửa kể trên vẫn còn nhiều vụ phun trào khác ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó có Villarrica ở Chile, Piton de la Fournaise ở Réunion, Etna ở Ý và Shinmoedake ở Nhật.
Tham khảo The Atlantic