Dưới đây là 5 sai lầm ngớ ngẩn mà nhiều người gặp phải, khiến họ vừa tốn tiền, vừa hối hận khi quyết định sắm một món đồ công nghệ mới, cùng những gợi ý để khắc phục các sai làm này, theo tổng hợp từ trang công nghệ Gizmodo.
1. Không biết có bản nâng cấp sắp ra mắt
Bạn biết là có một chiếc iPhone mới sẽ được ra mắt vào tháng 9 hàng năm chứ? Điều đó có nghĩa là nếu bạn thực sự muốn sắm một chiếc iPhone mới vào tháng 7 hoặc tháng 8 thì bạn nên quan tâm đến những tính năng mới (trên chiếc iPhone mới) sắp xuất hiện chỉ sau đó 1 tháng.
Và thậm chí nếu bạn không quan tâm đến tính năng thì ít ra, bạn cũng nên biết rằng khi một chiếc điện thoại mới ra mắt, những đời trước đó sẽ rớt giá một cách không tránh khỏi.
Tất nhiên, không phải mọi smartphone hay món đồ công nghệ thông minh nào cũng có thời gian ra mắt định kỳ đều đặn như của Apple, nhưng với hàng tá thông tin trên mạng Internet, bạn hẳn sẽ biết có thứ gì đó sắp xuất hiện.
Ví dụ, ngay lúc này, ai cũng biết vào cuối tháng Hai tới, Samsung sẽ giới thiệu Galaxy S9, bạn có định mua Galaxy S8 không?
Dấu hiệu để biết một thiết bị nào đó sắp bị thay thế là thời gian nó đã có mặt trên thị trường, và nếu bạn chịu khó nghe ngóng tin tức về các linh kiện, bạn sẽ có thể dự đoán trước được tình hình.
Chẳng hạn như mỗi lần Qualcomm hay Intel ra mắt một con chip mới, chắc chắn sau đó không lâu sẽ có một thiết bị mới được trang bị con chip này.
Nói chung, chỉ cần đọc các báo về công nghệ (như VnReview) là quá đủ để giúp bạn nắm được những thông tin về các món đồ sẽ xuất hiện trong vài tháng tới.
Do đó, hãy cố gắng tìm hiểu chu kỳ sản xuất của bất kỳ thứ gì bạn đang định mua và lắng nghe các tin đồn liên quan sản phẩm đó để đưa ra quyết định mua sắm cho hợp lý.
Việc này không hẳn là mang tính khoa học, nhưng ít ra nó sẽ giúp bạn tránh mua phải các món đồ vào các thời điểm hoàn toàn không thích hợp.
2. Không kiểm tra tính tương thích
Từ những thứ đơn giản như ốp điện thoại đến những thứ phức tạp như Smart TV, bạn cần kiểm tra kỹ xem liệu món đồ mới của mình có hoạt động tốt với những món đồ cũ trước đây hay không, bởi nếu không tức là bạn đang tự đưa mình vào một tình huống khiến bạn cực kỳ hối hận về quyết định của mình.
May thay, vấn đề kiểm tra tương thích này không hề khó, chỉ cần chú ý cẩn thận nếu bạn đang định dùng phần cứng cũ với một thiết bị mới sắp mua. Liệu cái máy chiếu mới có hoạt động với laptop cũ không? Nếu không có lẽ bạn sẽ phải mua thêm một đầu chuyển khá đắt đấy.
Hay việc chuyển hệ điều hành cũng vậy, chẳng có gì là sai nếu bạn muốn chạy từ macOS sang Windows và ngược lại, nhưng bạn sẽ mất một chút thời gian để di chuyển mọi thứ, và chiếc Apple TV của bạn có lẽ sẽ không hoạt động tốt với chiếc máy tính mới đâu.
Nếu bạn chuyển nền tảng, dù là desktop hay di động, bạn cần đảm bảo mọi ứng dụng bạn cần đều hỗ trợ cả hai bên, và dữ liệu của chúng có thể chuyển qua lại giữa hai nền tảng.
Bạn cần đánh giá xem bạn muốn món đồ mới mua hoạt động với thứ gì. Mọi thứ đều có trên mạng, đừng ngại đặt ra câu hỏi. Liệu chiếc smartwatch mới có chat được với chiếc smartphone bạn đang dùng không?
Chiếc máy tính mà bạn đang dùng có đủ mạnh để chạy chiếc HTC Vive Pro mà bạn đang "tăm tia" không? Chiếc loa thông minh bạn mới mua có hoạt động với bất kỳ ứng dụng lịch nào mà bạn thích không?
3. Không nghiên cứu kỹ
Đã là năm 2018 rồi nhưng vẫn có nhiều người bước vào cửa hàng đồ điện tử (hoặc lên các trang web mua sắm) để xem có món gì "hợp mắt" không thay vì nghiên cứu về chúng trước. Tin sốc cho bạn đây: những sản phẩm mà nhiều cửa hàng đang quảng cáo là "cực hot" kia nhiều khi không phải là món hàng hời nhất đối với bạn đâu.
Một chiếc TV 4K 65-inch trông có vẻ ấn tượng khi đặt trong siêu thị đấy, nhưng nó có hợp với phòng khách nhà bạn không? Bạn đã thử kiểm tra chưa? Liệu ghế salong nhà bạn có đặt đủ xa để thưởng thức chiếc TV khổng lồ này một cách hoàn hảo nhất?
Nó có đủ cổng HDMI để bạn cắm mọi loại TV Box mà bạn đã mua? Hãy đặt những câu hỏi tương ứng với món đồ bạn đang mua và luôn mở to mắt khi đi mua sắm nhé.
Tốt hơn cả là bạn nên có một chút kiến thức cơ bản về thông số món hàng mà bạn lướt qua trong khi đang dạo quanh cửa hàng, và quyết định thông số nào là quan trọng nhất với bạn (có thể bạn đặt nặng thời lượng pin hơn là cảm biến nhịp tim khi mua vòng đeo theo dõi thể thao chẳng hạn).
Bạn sẽ có thể phân biệt được giữa hai món đồ đều rẻ, nhưng một món rẻ vì linh kiện đã lỗi thời, còn món kia thì thực sự là một món hời đáng để mua.
Nếu bạn chưa chắc chắn, tốt nhất hãy đi tiếp đi, bởi bất kỳ món gì bạn đang định mua nhiều khả năng vẫn nằm ở đó khi bạn quay lại vào ngày hôm sau. Biết đâu khi về nhà và đọc đánh giá trên mạng, bạn lại phát hiện ra rằng thời lượng pin của nó không tốt như nhà sản xuất tuyên bố?
4. "Vung" chưa đủ tiền
Chúng ta đều muốn mặc cả càng nhiều càng tốt, nhưng mua được đồ giá rẻ làm gì khi số tiền bạn tiết kiệm được lại phải dùng vào việc nâng cấp món đồ đó sớm hơn bình thường? Đôi khi bạn phải chấp nhận bỏ thêm một ít tiền nếu muốn phần cứng bạn mua về hoạt động được lâu dài hơn.
Trên thực tế, điều này còn phụ thuộc vào món đồ bạn đang định mua.
Nhưng, ví dụ nhé, việc chi thêm đôi chút để sắm một chiếc smartphone với bộ nhớ trong lớn hơn là khá xứng đáng, bởi trong quá trình sử dụng, bạn sẽ sớm nhận ra rằng mình sử dụng bộ nhớ trong nhiều hơn hẳn so với dự đoán trước đây.
Hoặc bạn nên lựa chọn cấu hình CPU nhanh hơn cho chiếc laptop mới, bởi nó sẽ giúp máy chạy mượt mà trong ít nhất từ 3-4 năm tới.
Một lần nữa, không có một quy tắc cụ thể nhanh gọn nào mà chúng tôi có thể đưa ra để bạn tham khảo, nhưng với nhiều lựa chọn mua sắm (đặc biệt khi mua các máy tính với nhiều đề xuất cấu hình khác nhau), bạn sẽ thấy rằng một số nâng cấp sẽ mang lại hiệu năng tốt hơn rất nhiều mà số tiền phải chi thêm không đáng là bao.
Tất nhiên, đừng phung phí tiền bạc vào những món đồ bạn không thực sự cần. Hãy đọc lại điều số 3 ở trên, và nếu bạn dành chút thời gian nghiên cứu các sản phẩm mình định mua, bạn sẽ biết thứ gì đáng giá và thứ gì không.
5. Không tham khảo giá cả ở nhiều nơi
Khi nói đến giá cả, hẳn bạn cũng biết rằng ngày nay, chúng ta có thể so sánh giá cả khá dễ dàng thông qua mạng Internet đến nỗi chẳng mấy ai nhớ đến những ngày trước kia, khi bạn phải ghé qua cửa hàng, trả đúng mức giá đang được rao, hoặc lắc đầu và quay về nhà.
"Đảm bảo mức giá thấp nhất" đã trở thành một cụm từ mà nhiều người dựa vào đó để quyết định chọn mua một món đồ tại một nơi nào đó mà không cần biết liệu một nơi khác có thể có giá rẻ hơn hay không.
Tham khảo giá, không đơn thuần chỉ là so sánh trang bán lẻ này với trang bán lẻ khác, nó còn là theo dõi sự biến động giá theo thời gian, và có rất nhiều công cụ sẽ giúp bạn làm điều đó.
Nếu bạn mua hàng tại Amazon, hãy thử sử dụng The Camelizer để theo dõi giá hoặc sử dụng trang web như Websosanh để tìm giá rẻ hơn cho các món hàng trên mạng Internet ở Việt Nam.
Ngoài ra, bạn hãy chú ý những sự thay đổi giá theo từng mùa mua sắm và các đợt khuyến mãi.
Bỏ chút thời gian để so sánh giá có thể sẽ khiến bạn bỏ lỡ những món đồ siêu hời được bán một cách chóng vánh bởi sự chần chừ, nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn thế nếu so sánh cẩn thận mọi thứ.
Hầu hết các trang web lớn đều tích hợp các công cụ so sánh, do đó hãy tận dụng chúng và đảm bảo rằng hãy so sánh mọi thứ: từ phí vận chuyển, bảo hành, phụ kiện kèm theo... trước khi quyết định "vung" tiền nhé.