Không chỉ bia, nước giải khát hay cà phê, mà ngành hàng sữa, bao gồm sữa bột và sữa tươi, cũng đang chứng minh mình là một ngành tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu ở mức 2 con số trong các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Theo dự đoán, với thu nhập tăng lên và chi tiêu ngày càng thoải mái, người Việt sẽ uống sữa ngày càng nhiều và đạt mức 27 -28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.
Ngành sữa đang tăng trưởng nhanh chưa từng thấy
Có thể nói, thị trường sữa đang có những bước phát triển nhanh chưa từng thấy trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Bình quân, ngành này tăng trưởng 17%/năm trong giai đoạn 2011 -2015.
Sau khi đi ngang về tăng trưởng trong các năm 2011 và 2012 thì đến năm 2013, doanh thu toàn ngành đã bắt đầu tăng mạnh, năm sau tăng cao hơn năm trước. Cho đến năm 2015, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 92.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22,7% so với năm trước, là mức cao nhất trong lịch sử ngành.
Hai mảng chính dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành sữa trong nước và cũng là 2 mặt hàng quan trọng nhất là sữa nước và sữa bột. Riêng tổng giá trị trường của 2 mảng này đã chiếm gần 3/4 giá trị thị trường. Năm 2015 vừa qua cũng ghi nhận mức sản lượng sản xuất sữa các loại này cao nhất từ trước đến nay.
Theo đó, sữa tươi lần đầu đạt sản lượng trên 1 tỷ lít (1103,8 triệu lít). Sữa bột có lượng sản xuất đã trở lại đà tăng sau năm 2014 bị giảm, đạt 97,3 nghìn tấn, tăng 19,5% so với năm ngoái. 5 tháng đầu năm nay, lượng sản xuất 2 mặt hàng sữa này cũng đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu một năm tiếp tục tăng trưởng về sản lượng.
Thực tế, tiềm năng tiêu thụ của thị trường sữa Việt Nam được đánh giá là vẫn còn rất lớn và chưa dừng lại ở đây.
Theo dự báo của Euromonitor International, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thì trong những năm tới ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 9% / năm và đạt mức 27 – 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020, tăng gần gấp rưỡi so với hiện tại.
Cơ sở tăng trưởng cho ngành sữa
Theo Eurominonitor International, có 3 cơ sở để khẳng định sự tăng trưởng của ngành sữa trong các năm tới.
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia đông dân với quy mô hơn 91 triệu dân và có tốc độ tăng trưởng dân số trung bình là 1,2%/năm. Dân số tăng sẽ dẫn đến nhu cầu về sữa ở khắp các lứa tuổi tăng lên. Đây là một cơ sở quan trọng đảm bảo cho sự phát triển của không chỉ sữa mà còn nhiều ngành khác.
Thứ hai, thu nhập bình quân đang không ngừng cải thiện.
Bình quân từ năm 2008 đến năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng GDP đầu người của Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người đều đã tăng trưởng 2 con số trong mỗi năm.
Ở thống kê gần nhất, năm 2014, trung bình cả nước có thu nhập đầu người là 2,64 triệu đồng / tháng và GDP bình quân đầu người là 3,6 triệu đồng/tháng.
Thứ ba, cùng với sự gia tăng trong thu nhập, mức sống của người dân cũng đang ngày càng nâng cao, thể hiện ở mức chi tiêu bình quân mỗi người có xu hướng gia tăng liên tục qua các năm.
Chỉ trong vòng 6 năm từ 2008 – 2014, mức chi tiêu tháng của một người Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi từ 792 nghìn đồng lên đến gần 1,9 triệu đồng.
Điều đáng chú ý, trong số mình bỏ ra chi tiêu, người Việt đang sử dụng ngày càng nhiều tiền hơn để chi cho ăn uống, mà sữa là một trong số đó. Trong gần 1,9 triệu đồng, mỗi người Việt có thể bỏ ra tới một nửa để chi cho ăn uống, một tỷ lệ đã cải thiện rõ rệt so với năm 2007.
Về ngành hàng sữa, đây là vốn là một sản phẩm thiết yếu nên dù trong những năm kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp ngành này vẫn giữ tăng trưởng mạnh với mức 2 con số.
Trong những năm tới, việc dân số tăng, thu nhập người dân tăng kéo theo chi tiêu nhiều hơn, và những quan tâm ngày một nhiều của người Việt Nam về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, ngành sữa được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này.