5 năm nợ xấu và những con số

Tại hội thảo về những vướng mắc trong xử lý nợ xấu cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa ra dữ liệu khá chi tiết về nợ xấu và kết quả xử lý.

Điểm xuất phát của quá trình xử lý nợ xấu hiện nay được xác định từ mốc 30/9/2012 - thời điểm nợ xấu được công bố công khai với mức độ hai con số, thay vì chỉ trên dưới 3% theo cách công bố nhiều năm trước đó.

Cụ thể, tại 30/9/2012, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam là 464.664 tỷ đồng, tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng.

Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu công bố chỉ phản ánh một cách tương đối thực trạng, vì các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại 143,4 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012.

Sau khi Quyết định 780 hết hiệu lực, cơ chế được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm tiếp tục được chuyển tiếp trong Thông tư 09. Tuy nhiên, mức độ nợ được cơ cấu lại cho đến nay vẫn chưa được công bố cụ thể. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu công bố tại các thời điểm về sau chỉ mang tính tương đối.

Và tính đến tháng 8/2016, nợ xấu của toàn hệ thống là 147 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,66% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ xấu tổ chức tín dụng bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ thì tỷ lệ nợ xấu đến tháng 8/2016 là 5,84 %.

Trong 5 năm qua, từ mốc 9/2012 nói trên, việc xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả đáng kể; một phần lớn được bán sang VAMC, nhưng phần lớn hơn đã được các tổ chức tín dụng tự xử lý với lượng lớn từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Cụ thể, tính từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó phần bán cho VAMC là 220 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,14%; các tổ chức tín dụng tự xử lý 328 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,8%.

Trong tổng lượng nợ xấu đã xử lý thực chất 328 nghìn tỷ đồng đó, chiếm lớn nhất là 141.886 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn lực dự phòng rủi ro; 108.755 tỷ đồng là thu được nợ từ khách hàng; bán nợ cho các tổ chức cá nhân khác là 16.356 tỷ đồng; các hình thức khác là 45.028 tỷ đồng.

Hạn chế nhất trong kết quả xử lý nợ xấu 5 năm qua là ở hướng bán, phát mại tài sản đảm bảo, khi chỉ được 16.041 tỷ đồng.

Đây cũng là một thực tế lý giải vì sao nhiều năm qua các tổ chức tín dụng vẫn luôn phản ánh gặp nhiều khó khăn về những vướng mắc pháp lý, hay khó khăn trong triển khai, phối hợp với các ban ngành chức năng khi tiến hành xử lý tài sản đảm bảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại