Lăn khử mùi, hoặc gọi thẳng ra là lăn nách, vốn được xem như món đồ không thể không xài của người bắt đầu tuổi dậy thì cho đến mãi về sau.
Bởi một trong các dấu hiệu cho biết sự trưởng thành là cơ thể tỏa ra các mùi rất đặc trưng, rõ nhất ở phần nách, mà người xung quanh nếu hít phải sẽ không thấy dễ chịu lắm.
Để giảm cái mùi tế nhị ấy, cứ mỗi sáng thức dậy hay sau khi tắm, chúng ta đều đặn lăn lăn cục bi gắn trên đầu chai khử mùi vào "vùng trũng" giữa ngực và tay.
Sử dụng thường xuyên là thế, nhưng cá là còn nhiều điều "thật bất ngờ" mà bạn chưa biết hết về vật dụng thiết thân ấy đâu.
1. Lăn khử mùi không phải mốt thời hiện đại
Từ xửa xừa xưa, người Ai Cập cổ cũng không thích thú mấy với mùi cơ thể nên đã phát minh ra nghệ thuật "tắm thơm" bằng các loại nước có chứa hoa. Rồi họ tiến xa hơn nữa bằng việc bôi các loại nước ấy lên phần nách.
Lăn khử mùi có nhãn hiệu đầu tiên được sản xuất vào năm 1888 với tên Mum. Gọi là "lăn" không chính xác lắm vì thực ra sản phẩm ở dạng kem sáp đựng trong hộp, lấy bôi trực tiếp chứ không dùng bi. Còn dạng chai gắn bi trên đầu mà chúng ta xài như ngày nay ra đời muộn hơn vào 15 năm sau.
2. Tác dụng chủ yếu của lăn khử mùi là kháng khuẩn
Bản chất của mồ hôi vốn không hề "hôi", đúng hơn là gần như không mùi. Các vi khuẩn trên da tiêu hóa mồ hôi rồi thải ra các hợp chất gốc lưu huỳnh mới là nguyên nhân gây mùi khó chịu.
Vì vậy, thành phần chính trong lăn khử mùi là các chất có hoạt tính tiêu diệt vi khuẩn, ngăn không cho chúng sinh sôi để mắc công ăn nhiều lại... "xì hơi" nhiều.
3. Bất hạnh thay chúng ta có thể trở nên miễn nhiễm với chất ngăn mồ hôi
Nếu bạn thấy trong mục ghi chú thành phần có các muối nhôm (aluminum) thì lăn khử mùi bạn đang dùng thuộc loại vừa kháng khuẩn, vừa kháng tiết mồ hôi. Hiệu quả mang lại cao hơn vì vi khuẩn bị diệt bớt đã đành, lại còn bị cắt nguồn lương thực nữa.
Thế nhưng, các nhà khoa học phát hiện cơ thể con người dường như thích ứng dần với tác động của các chất chống đổ mồ hôi. Sau một thời gian ngắn sử dụng hiệu quả thì mọi việc đâu lại đóng đấy.
Cơ chế miễn nhiễm chưa được hiểu rõ, có thể bằng cách nào đó mà các tuyến tiết mồ hôi được khai thông trở lại, hoặc những tuyến chưa bị bít sẽ tăng lượng tiết nhiều hơn.
Cách ngăn cơ thể "lờn thuốc" là bạn hãy thay đổi luân phiên nhãn hiệu lăn khử mùi đang sử dụng mỗi 6 tháng.
4. Bạn sẽ ghen tị khi biết có "bọn" được trời phú không cần lăn khử mùi
Có điều thực tế không phải ai cũng nặng mùi, thậm chí một số dân tộc trên thế giới còn không có mùi cơ thể.
Tất cả do việc thay đổi một kí tự trong một gene duy nhất qui định: ABCC11. Đây là một dạng biến thể của gene GBCC11. Những người sở hữu gene tương ứng với kí tự G thì có nhiều tuyến apocrine - nguyên nhân gây hôi nách, và ngược lại kí tự A có ít tuyến hơn hẳn, nên gần như không có mùi cơ thể.
Và cách đơn giản để biết bạn thuộc phe nào là kiểm tra ráy tai. Ráy tai ướt thì mang gene "nặng" còn khô và đóng mảng mang gene "nhẹ".
5. Lăn khử mùi không phân biệt nam nữ
Một sự thật thú vị rằng: nữ giới có nhiều tuyến mồ hôi hơn nam giới, nhưng lượng mồ hôi tạo ra lại ít hơn.
Nhà sản xuất dựa vào đó để tạo ra loại lăn dành riêng cho nam và nữ. Nhưng thực ra, việc phân chia như vậy có lẽ là chiêu trò tiếp thị giúp họ thu lợi nhuận lớn hơn, thay vì nguyên nhân khoa học.
Theo báo cáo trên tạp chí Discovery, hầu hết các sản phẩm lăn nách đều có cùng thành phần, chỉ khác ở mùi hương và bao bì mà thôi.
Nguồn: Huffington Post