Theo kênh BBC (Anh), thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ loại bỏ một số loại thuế quan. Do đó, những chướng ngại vật lớn nhất vẫn còn đó và có thể ngáng đường Mỹ-Trung trong giai đoạn hai. Về lý thuyết, giai đoạn hai là thời diểm dỡ bỏ mọi loại thuế cao mà hai bên đã áp lên hàng hóa của nhau.
Sau đây là 5 vấn đề gai góc không được đưa vào thỏa thuận giai đoạn một và sẽ khiến đàm phán giai đoạn hai khó khăn.
1. Trợ cấp công nghiệp và “Made in China 2025”
Theo ông Paul Triolo thuộc Tổ chức Eurasia (Mỹ), thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã không đề cập tới chiến lược đầy tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc. Chiến lược được thiết kế để giúp các công ty Trung Quốc hoạt động nổi trội và trở thành người đi đầu mang đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi.
Thỏa thuận cũng không đề cập tới các khoản trợ cấp mà Chính phủ Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nhà nước.
Mỹ coi “Made in China 2025” là mối đe dọa trực tiếp với vị thế vượt trội của nước này trong lĩnh vực công nghệ cao. Mỹ cho rằng công ty Trung Quốc chỉ theo kịp công ty Mỹ, có lúc vượt công ty Mỹ, vì họ được hỗ trợ một cách bất bình đẳng từ chính phủ dưới dạng trợ cấp.
Đây là vấn đề gai góc nhất mà Chính quyền Mỹ phải giải quyết với Trung Quốc, nhưng vấn đề đã bị đẩy sang giai đoạn hai.
Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định mình không trợ cấp cho các ngành công nghiệp hay công ty trong nước. Thực tế là Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ vị trí thống lĩnh trong các ngành công nghệ.
2. Huawei
Thỏa thuận thương mại sẽ không giảm áp lực của Mỹ với tập đoàn công nghệ nổi tiếng Huawei của Trung Quốc, vốn đang bị mắc kẹt trong thương chiến. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói rằng công ty Huawei không phải là “quân cờ” trong đàm phán.
Điều này sẽ khiến cả Huawei và Chính phủ Trung Quốc không hài lòng. Họ rất tức giận khi Mỹ gắn số phận Huawei với quan hệ Mỹ-Trung.
Huawei trở thành biểu thượng thù địch công nghệ Mỹ-Trung. Mỹ đã vận động đồng minh không sử dụng dịch vụ công nghệ 5G của Huawei trong các cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng với cáo buộc Huawei có thể dùng để do thám khách hàng. Huawei bác bỏ cáo buộc và hy vọng quan hệ Mỹ-Trung cải thiện.
Các nhà phân tích cho rằng điều này khó xảy ra. Khi ký thỏa thuận giai đoạn một, an ninh quốc gia và thương mại là hai vấn đề tách biệt. Do đó, Huawei và các công ty Trung Quốc khác vẫn sẽ chịu áp lực từ Mỹ. Mỹ có thể sẽ cấm nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ không chỉ từ Huawei mà còn từ một số công ty Trung Quốc khác, đồng thời tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.
3. Tiếp cận dịch vụ tài chính
Mặc dù thỏa thuận có nói về mở cửa tiếp cận thị trường cho các công ty dịch vụ tài chính, nhưng một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận không đi xa tới mức đảm bảo tiếp cận công bằng.
Trung Quốc đã công khai nói sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính và gần đây cho phép công ty nước ngoài có cổ phần lớn hơn trong công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không mất nhiều khi làm vậy vì lĩnh vực dịch vụ tài chính nước này đang được các công ty thành toán kỹ thuật số trong nước chiếm lĩnh.
Ngay cả nếu công ty thanh toán Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn thì cũng khó cạnh tranh ở đây.
4. Thực thi và cách hiểu thỏa thuận
Thỏa thuận có một cơ chế giải quyết tranh chấp. Về cơ bản, khi có khiếu nại, cơ chế này yêu cầu Trung Quốc tham vấn Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết.
Tuy nhiên, theo ông Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, điều mà thỏa thuận không nói tới là Mỹ sẽ giám sát quá trình thực thi như thế nào. Ông nói: “Doanh nghiệp Mỹ không thích báo cáo hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ. Vì thế ngay từ đầu, câu hỏi là Mỹ dùng cơ chế nào để thu thập thông tin về vấn đề này. Mọi thứ được đề cập trong thỏa thuận chỉ là tham vấn”.
Thỏa thuận cũng không nói hai bên sẽ hiểu những khía cạnh quan trọng trong thỏa thuận như thế nào.
5. Giảm thêm thuế
Thỏa thuận không có các mốc thời gian xác định khi nào sẽ giảm các mức thuế đang được áp dụng. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mức thuế trung bình với hàng hóa hai bên vẫn tăng khoảng 20% so với mức trước thương chiến, tức là cao gấp 6 lần trước khi có tranh chấp. Điều đó có nghĩa là các công ty và người tiêu dùng vẫn phải trả tiền nhiều hơn với hàng hóa, dịch vụ.
Khi chưa giảm thuế ngay, Mỹ có thể dùng nó để trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không giữ cam kết. Tuy nhiên, có rủi ro với Mỹ khi đó.
Như tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) chỉ ra: “Liệu thỏa thuận thương mại sơ bộ đạt được trong giai đoạn mà quan hệ chiến lược Mỹ-Trung rõ ràng đang suy giảm có thực sự hiệu quả hay không? Thỏa thuận có bị thay thế khi có xung đột mới hoặc có tiến bộ mới khi đàm phán tiếp diễn không?”
Tóm lại, vẫn có khả năng rất lớn căng thẳng thương mại giữa hai bên bùng phát lại.