5 danh lam hùng vĩ nhất châu Phi

Vũ Thị Huế |

Với diện tích 30,3 triệu km2, châu Phi có rất nhiều vùng khí hậu và sinh thái với hệ thống động – thực vật độc đáo, cảnh quan ngoạn mục.

Quỷ hồ bên mép thác Victoria, chỉ những ai 'gan thép' mới dám xuống tắm. Ảnh: Thecollector.com.

Với diện tích 30,3 triệu km2, châu Phi có rất nhiều vùng khí hậu và sinh thái với hệ thống động – thực vật độc đáo, cảnh quan ngoạn mục. Một số cảnh quan còn được chính thức công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Thác Victoria

Thác Victoria là thác nước lớn nhất thế giới. Nó nằm trên biên giới giữa Zambia và Zimbabwe, có độ cao 108m, chiều rộng 1.780m và được công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên toàn cầu. Người Lozi địa phương gọi thác nước này bằng cái tên vô cùng độc đáo, Mosi-oa-Tunya, có nghĩa là “khói sấm sét”. Người Tonga cũng đặt cho nó cái tên rất đặc biệt, Shungu Namutitima, nghĩa là “nước sôi”.

Đúng như cái tên địa phương đã lột tả, thác Victoria có tốc độ chảy trung bình ấn tượng là 1.088 m³/s. Vào mùa mưa, tốc độ này có thể lên đến tận 12.800 m³/s. Khối nước khổng lồ dàn trải hết bề mặt rộng mênh mang, ào ạt đổ xuống khe nứt, bùng nổ tiếng gầm gào và tung bụi nước trắng xóa.

Chưa hết, ngay trên mép thác là Quỷ hồ, chỉ cho phép những du khách mạo hiểm nhất ngâm mình. Bởi vì, lượng nước chảy qua Quỷ hồ lên đến 500 triệu lít/phút, tràn qua mép thác và lao thẳng xuống vực sâu hơn 100m. Trừ khi có thần kinh thép, còn không thì bạn không thể nào dám bước xuống hồ nước trên đỉnh thác này mà bơi chơi.

Núi Bàn

Núi Bàn với đỉnh bằng phẳng như mặt bàn, lừng danh ngọn núi đẹp nhất châu Phi. Ảnh: Thecollector.com

Giống như thác Victoria, núi Bàn ở Nam Phi cũng là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Tuy chỉ cao 1.086m so với mặt nước biển nhưng nó khiến du khách ngỡ ngàng bởi đỉnh núi phẳng như mặt bàn, rộng đến 3 km2.

Mọc trên núi Bàn là 8.200 loài thực vật, hầu hết đều là thực vật đặc hữu. Hệ động vật tuy không phong phú bằng, nhưng cũng có một loại lưỡng cư đặc hữu quý hiếm là ếch ma.

Xung quanh núi Bàn là khu vực bảo tồn tự nhiên hoang dã rộng 221 km2. Từ trên đỉnh núi Bàn, du khách có thể ngắm nhìn quang cảnh bốn phía, thấy rõ toàn cảnh thành phố Cape Town - trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước Nam Phi và miền Nam châu Phi.

Lòng chảo Ngorongoro

Lòng chảo Ngorongoro nhìn từ không gian. Ảnh: Thecollector.com

Lòng chảo Ngorongoro là miệng núi lửa không hoạt động nằm ở Tanzania, nổi tiếng vẫn còn nguyên vẹn và chưa được lấp đầy lớn nhất thế giới, với diện tích lên tới 260 km2. Nó được hình thành cách đây 2 triệu năm, khi dòng dung nham khổng lồ bên dưới bùng nổ.

Trải qua hàng triệu năm không hoạt động, miệng núi lửa Ngorongoro biến thành vùng đất sinh cư của rất nhiều loài động – thực vật, trong đó có loài tê giác đen cực kỳ nguy cấp. Giới sinh vật học thường ví lòng chảo Ngorongoro như “vườn Địa đàng vĩ đại”, vì quá dày đặc sự sống.

Bắt đầu từ năm 1959, lòng chảo Ngorongoro được quy hoạch làm vườn quốc gia. Hiện tại, diện tích được bảo tồn rộng tổng cộng 8.292 km2.

Đồng bằng Okavango

Đồng bằng Okavango mỗi chỗ một kiểu cảnh quan. Ảnh: Thecollector.com

Đồng bằng Okavango là đầm lầy châu thổ vô cùng rộng lớn nằm ở Botswana, thuộc diện ngập nước theo mùa. Mùa mưa, diện tích ngập nước của nó lên tới 15 nghìn km2. Giữa đất nước Botswana khô nóng khắc nghiệt, nó đóng vai trò như ốc đảo khổng lồ.

Điều thú vị nhất ở đồng bằng Okavango là hệ thực vật đồng bộ chu kỳ sinh học theo sự lên xuống của nước ngập lụt thay vì theo mùa. Tùy theo mức nước, diện mạo các đảo, hồ, đầm phá, bờ sông… thay đổi, chỗ này đang xanh tốt, chỗ kia lại trong kỳ rụng lá.

Theo thống kê của giới nghiên cứu, đồng bằng Okavango là nơi sinh trưởng của 1.061 loài thực vật, 89 loài cá, 64 loài bò sát, 482 loài chim và 130 loài động vật có vú, trong đó có tê giác trắng, tê giác đen, báo gêpa, voi và sư tử.

Sa mạc Namib

Sa mạc Namib với những đụn cát cao lớn, đỏ rực rỡ và hệ động vật phong phú bất ngờ. Ảnh: Thecollector.com

Sa mạc Namib chạy dọc theo toàn bộ chiều dài bờ biển Namibia, kéo dài đến bờ biển phía Nam của Angola và bờ biển phía Bắc của Nam Phi, nổi tiếng sa mạc lâu đời nhất trên thế giới. Đặc trưng của Namib là các cồn cát cao ngất ngưởng, có cái đạt 300m và chạy dài những 32km.

Cát của sa mạc Namib có hàm lượng sắt rất cao nên mang màu đỏ. Dưới cái nắng thiêu đốt, bề mặt Namib cực kỳ rực rỡ, đẹp mê hồn.

Mặc dù rất khô hạn, lượng mưa chỉ từ 2 – 200 mm/năm, Namib rộn ràng sự sống. Hầu hết các động vật châu Phi đều có mặt ở đây hoặc thường di cư ngang qua đây.

Theo Thecollector

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại