Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính "Lão phật gia"

Hoàng Cư |

Trước đó, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang đã cho hoãn phiên xử do vắng mặt quá nhiều người liên quan.


Lộ danh tính "Lão phật gia"

Tại phần xét hỏi dành cho Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tọa phiên tòa có đề cập đến quá trình điều tra có thu giữ một mảnh giấy có chữ “lão phật gia” và một số báo danh, theo bị cáo thì “lão phật gia” và cái số báo danh đấy có liên quan gì đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang không? 

Bị cáo Hoài trả lời: “Kính thưa HĐXX cái này không liên quan gì đến kỳ thi”. Chủ tọa hỏi tiếp “lão phật gia” này là ai? Hoài đáp “lão phật gia” này là chị Tống Thị Bê, nguyên Chủ tịch công đoàn giáo dục Hà Giang giai đoạn 2012 – 2013 gì đó, Hoài bảo nhớ không rõ lắm, có thể “lão phật gia” này chỉ nhờ xem điểm”.

Khi chủ tọa hỏi tiếp cái biệt danh “lão phật gia” này riêng một mình bị cáo biết hay còn nhiều người khác biết? Hoài trả lời rằng “lão phật gia” này thì trong phòng khảo thí nhiều anh em có biết”. 

Bị cáo có cơ sở nào khẳng định số báo danh nếu trên không liên quan gì đến kỳ thi THPT 2018 hay không? Hoài nói, số báo danh trong tờ giấy có thêm chữ “lão phật gia” này không liên quan đến thí sinh nào trong kỳ thi 2018 tại Hà Giang.

17h sau khi đại diện VKS và các thành viên trong HĐXX hỏi xong bị cáo Hoài, Chủ tọa phiên tòa Vương Thị Thu Hà quyết định cho tạm dừng. 

Phiên xử sẽ bắt đầu 8h ngày mai 15/10.

Bị cáo Hoài khai nhận nâng điểm cho 107 thí sinh

14h50 bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Cựu Trưởng phòng Khảo thí bước lên bục khai báo cho HĐXX hỏi. Theo cáo trạng, bị cáo Hoài đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương để nâng điểm môn trắc nghiệm cho các thí sinh. Dù ông Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi nhưng Hoài đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương.

Khai trước tòa, Hoài thừa nhận ông là người đã đánh dấu danh sách thí sinh rồi chuyển cho Vũ Trọng Lương 3 lần để Lương thao tác trên máy tính, sửa điểm thi. Ngoài ra, ông còn thừa nhận bản thân đã tiếp nhận danh sách của bị cáo Triệu Thị Chính đề nghị nâng điểm cho 12 thí sinh và xem điểm cho một thí sinh.

Hoài nói rằng việc nhờ bị cáo Vũ Trọng Lương nâng điểm cho 93 thí sinh là việc tình cảm, không phải cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Khi nhờ, Lương đồng ý luôn, không chần chừ, cựu Trưởng phòng Khảo thí còn khẳng định chắc chắn rằng nếu hôm đó Lương từ chối thì sẽ không thực hiện được việc sửa điểm.

Khi chủ tọa yêu cầu khai tên những người đã nhờ nâng điểm, Nguyễn Thanh Hoài phân trần do số lượng người nhờ vả nhiều nên bị cáo chỉ có thể nêu một số trường hợp trong Sở GD&ĐT.

Cụ thể gồm: Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám đốc Sở giáo dục) nhờ nâng điểm cho con; chị La Thị Thúy Chinh (Trưởng phòng Tổ chức cán bộ) và chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên) cùng nhờ nâng điểm thi cho con, số còn lại bị cáo nói không nhớ rõ.

Sau khi Hoài vừa nói dứt lời, Chủ tọa công bố danh sách những người đã cung cấp thông tin thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài đề nghị nâng điểm. Theo danh sách chủ tọa công bố gồm: ông Trần Đức Quý; chị Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh) nhờ nâng điểm cho cháu; chị Phượng (Phó chủ tịch huyện Vị Xuyên).

Ngoài ra còn một số người được chủ tọa đọc vắn tắt gồm: bác sĩ Tiến, chị Viện, anh Triệu Văn Nam; chị Vũ Thị Kim Chung; anh Nguyễn Văn Thành. Những người này đều được bị cáo Hoài thừa nhận đã giúp nâng điểm cho con, cháu.

"Chỉ 2 người là người thân của bị cáo gồm chị gái và con chú ruột, còn lại là đồng nghiệp, anh em, bạn bè quan hệ trong công tác, trong cuộc sống", bị cáo Hoài nói và khai nhận nâng điểm cho 107 thí sinh tốt nghiệp THPT là tự nguyện.

Bị cáo Lương khai "không bàn bạc, thống nhất gì" với Hoài khi nâng điểm

Đến 13h45 phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Vũ Trọng Lương. Trong phần này, luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính đã đề nghị bị HĐXX cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cách ly với bị cáo Lương để đảm bảo tính khách quan.

Đề nghị này đã được chủ tọa chấp nhận, bị cáo Hoài được cán bộ cảnh sát đưa ra ngoài.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (một trong hai luật sư tham gia bào chữa cho bị can Chính) đã hỏi bị cáo Lương cho HĐXX biết trong quá trình thực hiện nâng điểm thi có bàn bạc với bị cáo Hoài trước không? 

Bị cáo Lương trả lời: “Không có bàn bạc, thống nhất gì” 

Khi luật sư Hướng nói rất quan tâm đến quy trình chấm thi tự luận môn Văn như thế nào? Bị cáo Lương bảo, không phụ trách chấm thi môn này và cũng không rõ quy trình chấm. Luật sư Hướng hỏi tiếp, ngày 16/7/2018, bị cáo Lương có chứng kiến chị Triệu Thị Chính đến gặp bị cáo Hoài không? 

Lương trả lời: “Hôm đó tôi lên phòng anh Hoài và được nghe anh nói lại đã gặp chị Chính chứ không chứng kiến trực tiếp”. Sau câu trả lời của Lương, luật sư Hướng xin phép kết thúc phần hỏi của mình. HĐXX yêu cầu cán bộ nghiệp vụ đưa bị cáo Nguyễn Thanh Hoài quay lại phòng xử.

Bị cáo Vũ Trọng Lương:

Mọi người nhờ nâng điểm “không đưa gì cũng không hứa hẹn nâng đỡ trong công tác”

Lúc 10h, đại diện VKS nhân dân tỉnh Hà Giang bắt đầu công bố bản cáo trạng, nêu rõ tội danh của từng bị cáo. Đáng chú ý, vị đại diện VKS có đọc đoạn giao tiếp giữa nguyên PGĐ Sở giáo dục Phạm Văn Khuông với Nguyễn Thanh Hoài, trong đó có đoạn Khuông nói “anh chỉ sợ con anh trượt tốt nghiệp”, Hoài đáp lại “em hiểu rồi”.

HĐXX bắt đầu xét hỏi đối với bị cáo Vũ Trọng Lương. Khai nhận trước tòa Lương cho biết, từ đầu tháng 5/2018, Nguyễn Thanh Hoài gọi bị cáo này sang phòng nói, trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt. Lương đồng ý ngay lập tức rồi nói, phải xem phần mềm chấm thử của Bộ GD&ĐT. 

Sau khi xem xong phần mềm, Lương nói có thể xử lý được vì phần mềm chỉ yêu cầu file Excel. Lương khai tiếp đến đầu tháng 6/2018, Hoài đưa một danh sách các thí sinh cần sửa điểm, sau đó Lương nhập danh sách vào tờ giấy A4. Ngoài ra, Hoài còn hai lần nữa gửi danh sách thí sinh cần nâng điểm qua tin nhắn và email. 

Những thông tin do Hoài tự lập và chuyển cho bị cáo Lương, gồm họ tên, số CMND, hộ khẩu, bản đăng ký dự thi và điểm thi. Hoài đưa bị cáo 3 lần danh sách, với 93 thí sinh. 

Sau khi nhận danh sách, Lương tạo một file riêng gồm danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm. Ngày 27/6/2018, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, Lương đã tải các đáp án về máy và chuyển sang file Excel để thực hiện việc nâng điểm. 

Khi HĐXX hỏi Hoài có thỏa thuận gì về điều kiện nâng điểm không? Lương trả lời: “Anh Hoài không thỏa thuận hay hứa hẹn gì về lợi ích vật chất, bị cáo cũng không yêu cầu gì về lợi ích vật chất. Bị cáo là cấp dưới, anh Hoài bảo bị cáo làm nên bị cáo đồng ý, tự nguyện làm”. 

Ngoài danh sách Hoài đưa, bị cáo Lương cũng được bạn bè, người quen nhờ nâng điểm cho 14 thí sinh. 

Những người nhờ gồm: chị Hoàng Thị Hồng Nhẫn (Công tác ở công an tỉnh nhờ 1 thí sinh là con chị Nhẫn); anh Bùi Văn Thuyết (công ty in Hà Giang - nhờ nâng cho cháu; anh Nguyễn Mạnh Tuấn (Trường THPT Vị Xuyên - nhờ nâng cho một thí sinh); anh Nguyễn Thanh Cảnh (Hiệu phó Trường THCS và THPT Linh Hồ, Vị Xuyên - nhờ nâng một thí sinh); anh Trần Bách Tùng (Trường THPT Mèo Vạc - nhờ nâng cho hai thí sinh); anh Trần Duy Ninh (Trường THPT Việt Lâm - nhờ nâng cho 5 thí sinh); chị Tống Thị Phương (cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã nghỉ hưu - nhờ nâng 1 thí sinh); anh Tống Văn Lợi (Giáo viên Trung tâm GDTX hướng nghiệp tỉnh) nhờ 1 thí sinh. 

Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính Lão phật gia - Ảnh 5.

Bị cáo Vũ Trọng Lương. Ảnh: Vietnamnet

“Họ chỉ nhờ nâng điểm cho con, cháu của họ, không có thỏa thuận gì”, bị cáo Lương khai. Chủ tọa hỏi thêm có ai đưa tiền, đồ vật, tài sản gì cho bị cáo không? Lương tiếp tục trả lời: “Không đưa gì cũng không hứa hẹn nâng đỡ bị cáo trong công tác”.

Sau hơn một giờ xét hỏi, Vũ Trọng Lương thừa nhận hành vi của bản thân đã vi phạm pháp luật. "Bị cáo cảm thấy ân hận, ăn năn hối cải về những gì mình đã làm", bị cáo Lương cúi gằm mặt và nói.

Cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai của những người liên quan, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.

Đối với hành vi của 3 cán bộ Phòng PK20 Công an Hà Giang, dù họ giúp Vũ Trọng Lương bê hòm đựng bài thi nhưng không biết động cơ phạm tội của bị can Lương. Các cán bộ này cũng không bàn bạc hay hưởng lợi nên không đề cập xử lý.

Ngoài ra, vụ án còn một số người liên quan. Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu để xử lý.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi bị cáo Vũ Trọng Lương, Chủ tọa phiên tòa Vương Thị Thu Hà tuyên bố tạm dừng nghỉ trưa.

Phiên xử sẽ tiếp tục vào lúc 13h30.

101/178 người vắng mặt

Lúc 8h30, bà Vương Thị Thu Hà, Chủ tọa phiên tòa phiên tòa đọc lời khai mạc bắt đầu phiên xét xử. Thư ký phiên tòa bắt đầu đọc danh sách những người liên quan được triệu tập đến, trong nhóm này có rất nhiều người có đơn xin xét xử vắng mặt.

Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính Lão phật gia - Ảnh 7.

Chủ tọa phiên tòa bắt đầu xét hỏi nhân thân các bị cáo, cả 5 người đều đứng lên trả lời rõ ràng và không có gì cần giải đáp thắc mắc.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 18/9, có ông Trần Đức Qúy, Phó Chủ UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang có mặt, nhưng phiên xử hôm nay ông vắng mặt. 

 Ngoài 5 bị cáo, tại phòng xử tầng 3 của TAND tỉnh Hà Giang đã chật kín những người liên quan được triệu tập, trong đó, có ông Vũ Văn Sư - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, kỳ thì THPT Quốc gia 2018 ông này giữ chức Phó trưởng ban chỉ đạo kỳ thi. 

Hai người khác là và Vũ Thị Kim Chung (Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Giang) và bà Tống Thị Phương (cô ruột bị cáo Vũ Trọng Lương) - được đại diện VKS đề nghị triệu tập hôm 18/9 cũng có mặt.

Chủ tọa Vương Thu Hà tuyên bố sẽ công khai bản án lên cổng thông tin điện tử, khi bà Hà hỏi các bị cáo có đồng ý đăng trên cổng hay không, cả 5 người đồng ý, không ai phản đối.

Trong phiên tòa sáng nay, HĐXX điểm danh, kiểm tra căn cước đối với các bị cáo, người liên quan trong vụ án. Khi điểm danh tới bà Triệu Thị Giang, Phó trưởng phòng Kinh tế đối ngoại – Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Giang có đơn xin vắng mặt. Bà Giang là em gái ông Triệu Tài Vinh – nguyên Bí thư Tỉnh ủy.

Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Giang, vợ cựu Bí thư Triệu Tài Vinh cũng nằm trong số 82 người xin vắng mặt tại phiên xử sơ thẩm.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra tỉnh xác minh em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang đã tự nhắn tin nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài, nâng điểm cho con ông Vinh. Ngày 2/10, bà Triệu Thị Giang bị khiển trách vì nhờ người nâng điểm cho cháu, bà Phạm Thị Hà (vợ ông Triệu Tài Vinh) phải "kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm". 

Theo kết quả kiểm tra căn cước, 101/178 người vắng mặt. Trong đó, 82 người có đơn xin xử vắng mặt, 19 người vắng không lý do.

Về sự vắng mặt của 101 người, đại diện VKS tỉnh Hà Giang cho rằng những người làm chứng vắng mặt đã có lời khai tại cơ quan điều tra. Trong khi đó, các nhân chứng quan trọng đều có mặt nên đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.

Sau khi hội ý, chủ tọa kết luận sự vắng mặt của những người làm chứng không ảnh hưởng đến phiên tòa nên quyết định xét xử. Ngay sau đó, đại diện VKS công bố cáo trạng truy tố 5 bị cáo.

Các bị cáo và người liên quan đến toà từ sớm

Theo dự kiến, 8h30 sáng nay 14/10, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại tỉnh này.

Năm bị cáo bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT); Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng Khảo thí); Triệu Thị Chính (PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang); Phạm Văn Khuông (PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang).

Các bị cáo bị truy tố các tội: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Theo ghi nhận của PV, từ 7h lực lượng an ninh bắt đầu phong tỏa bên trong và bên ngoài của TAND tỉnh Hà Giang. Những người liên quan bắt đầu di chuyển đến phòng xử án. 

Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính Lão phật gia - Ảnh 9.

Lúc 7h sáng đã có lực lượng chức năng phong toả và nhiều PV các báo đứng trước sân chờ đến giờ xét xử

Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính Lão phật gia - Ảnh 10.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài

Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính Lão phật gia - Ảnh 11.

Bị cáo Vũ Trọng Lương

Xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang: Tiết lộ danh tính Lão phật gia - Ảnh 12.

Bị cáo Triệu Thị Chính đến tòa

Trong số 5 bị can có cựu PGĐ Sở Giáo dục &Đào tạo tỉnh Hà Giang – Triệu Thị Chính là người đến sơm nhất, bà ngồi trên ô tô màu đen, bước xuống sân tòa trong trạng thái khá bình tĩnh. 

Ông Vũ Văn Sử - cựu giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang - đến tòa với tư cách nhân chứng.

Khoảng 7h45, hai bị can Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (cựu trưởng và phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang). được đưa đến bằng hai xe ô tô đặc chủng có cán bộ công an dẫn giải. Bên cạnh đó, có ba người thân của bị can Nguyễn Thanh Hoài đến tòa án khá sớm, khi lực lượng chức năng áp giải bị can này xuống họ đứng sát Hoài khoảng 2m, rồi luôn miệng nói “anh Hoài ơi, anh Hoài, cố lên anh nhé... cố lên nhé cháu Hoài ơi...”


Trước đó, ngày 18/9, TAND tỉnh Hà Giang đã mở phiên xử sơ thẩm lần 1, tuy nhiên chỉ có 55 nhân chứng có mặt, 60 người có đơn xin vắng và 62 người vắng mặt không có lý do.

Việc vắng mặt của 122/177 người, theo quan điểm của VKSND tỉnh Hà Giang là “ảnh hưởng đến quá trình xét xử” nên vị đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính) quan ngại việc chỉ có 55 người làm chứng trên tổng số 177 người được triệu tập đến phiên xử có đảm bảo sự thật khách quan của vụ án và việc 62 người vắng mặt không có lý do là do họ không đến hay thông tin tố tụng đến những người này không hợp lệ ? Ông đề nghị xem xét tính hợp pháp của thư triệu tập đã gửi đến những người này. 

Giải đáp thắc mắc của luật sư Hướng, chủ tọa Vương Thị Thu Hà cho hay, trong số 62 người vắng mặt không có lý do, tòa đã chuyển thông tin triệu tập họ qua Fax. Tuy nhiên, có một số trường hợp được báo lại thư chuyển đi không có người nhận.

Còn địa chỉ, bà Hà nói đã kiểm tra và xác nhận hoàn toàn đúng với thông tin cơ quan điều tra cung cấp.

Sau ý kiến của đại diện các bên tố tụng, HĐXX xin phép hội ý, chủ tọa Vương Thị Thu Hà sau đó thay mặt HĐXX ra quyết định tạm hoãn phiên tòa. 

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc, thống nhất rồi đưa danh sách 93 thí sinh cho Vũ Trọng Lương sửa kết quả bài thi để nâng điểm. Ngoài ra, Lương còn trực tiếp nhận nâng điểm cho 14 thí sinh khác. Sau đó, một mình vị Phó trưởng phòng Khảo thí đã sửa kết quả 309 bài thi các môn để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Bị can Phạm Văn Khuông đã cung cấp thông tin của con ông này để nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng thêm 13,3 điểm.

Cựu công an Lê Thị Dung có mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh. Sau đó, 20 em này đều được nâng điểm.

Riêng bị can Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.

Cơ quan điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh có vụ lợi hay tiền bạc trong vụ án. Công an cũng đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không ai khai nhận đưa tiền hay vật chất để nhờ nâng điểm.

Bên cạnh đó, 2 bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do quen biết, bạn bè, người thân.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định được 210 người là bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm. Căn cứ lời khai, cơ quan điều tra đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo xử lý những phụ huynh này theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại