5 cặp "đồng đội tốt" trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng

J.D |

Trong thế giới tự nhiên có tồn tại mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi", được gọi là cộng sinh. Và trong số đó, có những cặp đôi nhìn thực sự rất lệch, đủ để khiến chúng ta phải bất ngờ.

Mối quan hệ hợp tác cùng tồn tại và phát triển không phải là đặc quyền của con người, mà trong thế giới tự nhiên đó cũng không phải là chuyện hiếm.

Với giới sinh học, mối quan hệ như vậy được gọi là cộng sinh. Nhưng với người bình thường, người ta chỉ nhìn vào chúng và bảo một câu rằng: Ồ, quả là những "đồng đội tốt".

Và dưới đây là những cặp đồng đội như thế. Bạn sẽ phải ngạc nhiên vì sự trái ngược giữa chúng - con nguy hiểm đến đáng sợ, con hiền lành bé nhỏ đến nực cười.

1. Nhện khổng lồ và ếch tí hon

Trong số hàng trăm ngàn loài nhện trên thế giới, loài to lớn nhất chính là Tarantula. Dù không có nọc độc quá nguy hiểm, nhưng vẻ ngoài khổng lồ dữ tợn đầy lông lá của Tarantula cũng đủ để khiến con người phải khiếp vía. Chưa kể, chúng cũng là những sinh vật khá hung dữ, có thể tấn công cả các loài vật nhỏ như chuột, ếch...

Tuy nhiên, một số loài ếch lại được Tarantula khá ưu ái. Đó là Microhylid - còn gọi là ếch hẹp miệng, một loài ếch có cơ thể rất nhỏ bé.

5 cặp đồng đội tốt trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng - Ảnh 1.

Hiện tượng này đã được khoa học phát hiện ra từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Khi đó, họ nhận ra Tarantula hoàn toàn có thể ăn ếch Microhylid, nhưng chúng không làm thế mà để mặc loài ếch này quanh quẩn trong tổ của mình. Thi thoảng, những con nhện non có thể tóm lấy ếch, đưa vào miệng, nhưng rồi lại nhả ra mà chẳng gây chút tổn hại nào.

Vào thời điểm đó, giới khoa học cho rằng lý do là vì chúng không thể ăn được khi ếch Microhylid có độc trên da. Tuy nhiên, hóa ra lý do thực sự lại hoàn toàn khác, và nó mang tính "đồng đội" hơn rất nhiều.

5 cặp đồng đội tốt trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng - Ảnh 2.

Theo đó, ếch Microhylid có sở trường săn kiến rất giỏi, và thật tình cờ làm sao trứng của nhện Tarantula lại là món khoái khẩu của kiến. Thế là ếch ở đó để săn kiến, vừa để bảo vệ trứng nhện. Đổi lại, nhện dang tay bảo bọc ếch khỏi sự tấn công của rắn và một số loài thằn lằn khác, một cách đầy yêu thương.

2. Chim và trâu rừng

Trong thế giới động vật hoang dã tại châu Phi, trâu rừng là một trong những sinh vật "ai cũng phải nể mặt." Chúng sống thành đàn, lại cực kỳ to khỏe và dễ bị kích động. Đó là lý do các loài săn mồi như sư tử hay linh cẩu thường chỉ "dám" tấn công con non, hoặc một số con trâu lạc đàn thôi.

Nhưng đánh đổi cho sự to khỏe ấy lại là một cơ thể có phần kém linh hoạt. Chúng không có khớp xương "dẻo" như sư tử hay báo, cũng không đủ thông minh để tự hỗ trợ nhau trong khoản... vệ sinh hình thể.

5 cặp đồng đội tốt trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng - Ảnh 3.

Chính vì vậy mà loài chim Oxpecker mới có đất dụng võ. Đây là loài chim bản địa của châu Phi, và cái tên cũng có nghĩa là "chim đậu lưng bò". Chúng thường xuyên đậu trên lưng trâu và một số loài vật to lớn như hà mã, tê giác nữa, và các loài vật này luôn để yên cho chúng muốn làm gì thì làm.

Oxpecker sẽ ăn các chất bẩn, kí sinh trùng có trên cơ thể trâu, giúp vết thương nhanh lành hơn. Một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi thôi - một bên có đồ ăn, một đằng thì chóng khỏe.

3. Cá hề "Nemo" và tổ ấm từ hải quỳ 

Xem phim "Đi tìm Nemo", bạn cũng biết đến tập tính của loài cá hề rồi nhỉ? Chúng sống trong những bụi cây toàn xúc tu kỳ lạ, lấy "vợ", sinh con đẻ trứng rồi kết thúc cuộc đời trong êm đẹp nếu như không có sự xuất hiện của cá mập.

Nhưng những cái "xúc tu" kỳ lạ ấy thực chất chính là hải quỳ - một loài vật săn mồi tương đối giỏi của đại dương. Những xúc tu ấy đều có chứa độc, và loài vật duy nhất sống sót được dưới độc tố đó chính là cá hề.

5 cặp đồng đội tốt trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng - Ảnh 4.

Nhờ vậy, chúng trở thành những đồng đội tốt. Cá hề sẽ có nhiệm vụ thu hút, "lùa" những con mồi lớn về cho hải quỳ xử lý. Đổi lại, các xúc tu của hải quỳ sẽ bảo vệ cá hề khỏi sự tấn công của các loài săn mồi, lại cung cấp cho cả nhà cá một nơi lẩn trốn rất hiệu quả.

4. Yêu nhau như cá mập và cá "ép"

5 cặp đồng đội tốt trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng - Ảnh 5.

Ngay cả một quái vật chuyên sống độc lập của đại dương là cá mập cũng cần đến những đồng đội tốt. Chúng là remora - hay còn gọi là cá "ép" hoặc cá mút.

Cá mút là một loài cá khá nhỏ, chỉ dài khoảng 30cm - 90cm khi trưởng thành. Nhưng ngay khi được 3cm, chúng đã có xu hướng tìm kiếm các loài vật lớn hơn để bám vào, và đối tượng thường được chú ý là cá mập.

Đây là một mối quan hệ cộng sinh điển hình của các đại dương. Cá mút vốn có vây rất bé, nên chúng không thể di chuyển nhanh được. Thế là chúng chọn cách bám vào cá mập để "tiện" bơi đến những nơi xa hơn. Đổi lại, chúng gặm hết cặn bẩn và ký sinh trùng trên người cá mập, giúp loài sát thủ này luôn trong trạng thái... sạch sẽ nhất trước khi quyết định săn mồi.

5. Cá chình khổng lồ và miếng mồi luôn lởn vởn trong miệng

Moray eel - cá chình biển (còn gọi là lươn biển) là những sinh vật tương đối vĩ đại. Có những loài moray eel có thể dài 4m, nặng tới 30kg.

Chúng là những sinh vật không hề hiền lành, có thể tấn công cả bạch tuộc và một số loài có cùng kích cỡ, bất chấp kết quả ra sao. Thế nên nhìn cảnh này, chắc bạn cũng hiểu chúng phải chịu đựng kìm nén cỡ nào nhỉ?

5 cặp đồng đội tốt trong thế giới tự nhiên khiến ai cũng phải trầm trồ về độ đáng yêu của chúng - Ảnh 7.

Thứ đang lởn vởn trong miệng con cá chình trong ảnh là loài tôm "vệ sinh" (cleaner shrimp). Chúng có vai trò làm sạch khoang miệng, loại bỏ da chết và kí sinh trùng cho cá chình. Đổi lại, cá chình để sẵn sàng há miệng hàng giờ để tôm kiếm ăn mà chẳng oán thán gì.

Tham khảo: Science Blogs, National Geographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại