Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản
Trong báo cáo của Sở GTVT gửi UBND TP.HCM về tình hình các dự án giao thông liên vùng, đáng chú ý nhất là đề xuất chi 1.123 tỉ đồng mở rộng 4km đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Về lý do lập đề xuất, Sở lý giải tuyến cao tốc TP HCM – Long Thành - Dầu Giây dài hơn 55km đã khai thác từ năm 2016 với quy mô 4 làn xe, luôn trong tình trạng đông đúc nhất là vào cuối tuần, các dịp lễ Tết.
Vì vậy, từ giữa năm 2022, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã xây dựng phương án mở rộng cao tốc này đoạn từ sau nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm giảm tải.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị giao UBND TP đầu tư dự án mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú tới đường Vành đai 2 là phù hợp để đồng bộ với dự án xây dựng nút giao An Phú đang thi công.
Theo đó, đoạn đường dẫn cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2 có thông số kĩ thuật dự kiến như sau: Chiều dài tổng đoạn đường dẫn hơn 3,7km, có 8 làn xe, bề rộng nền đường 36m để đồng bộ với nút giao An Phú.
Phạm vi mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 21,92km, từ km 4 đến km 25+920 (nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu).
Trong đó, đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (km 4 đến km 8+770) sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe; đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (km 8+770 đến km 25+920) sẽ mở rộng từ 4 lên 10 làn xe.
Về tiến độ dự kiến, năm 2023 sẽ lập và phê duyệt chủ trương đầu tư; thi công từ quý 2/2025 và hoàn thành công trình năm 2027.
Nút giao thông An Phú đang thi công từ tháng 12/2022 với mục tiêu xóa điểm nghẽn 'căng thẳng' nhất TP.HCM. Nút giao này sẽ được xây dựng hầm chui kết nối với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn). Hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.
Phối cảnh nút giao An Phú đang xây dựng. Ảnh: NLĐ
Ngoài ra sẽ xây dựng thêm 2 cầu vượt gồm 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với đó là 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội).
Dự kiến khi hoàn thành, nút giao kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng các tuyến đường xung quanh như Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định… khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông nơi đây.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 3 tháng 10 năm 2009, khai thác từ năm 2016 với tổng chiều dài 55,7km. Cao tốc này có nghĩa lớn đối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cao tốc có điểm đầu ở nút giao thông An Phú (Quận 2, TP.HCM) và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường cao tốc này giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu đến ngã ba Dầu Giây.
Cao tốc mang ý nghĩa quan trọng khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất hiện nay.
Ngoài ra nó cũng giúp giảm tải chi phí nhiên liệu cho các phương tiện vận tải và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế xã hội. Giao thông vận tải trở nên thuận tiện hơn, tăng khả năng lưu thông giữa các tỉnh thành trong khu vực. Các công ty, doanh nghiệp dễ dàng vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm được chi phí vận chuyển, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa.