400.000 vật nuôi bị chính chủ 'thảm sát nhân đạo': Một chương lịch sử tăm tối mà người Anh không bao giờ muốn nhớ lại

J.D |

Vì đó không chỉ là ký ức buồn, mà còn là chương lịch sử mà người Anh tự cho là hổ thẹn.

Nước Anh nằm trong số những quốc gia đề cao quyền lợi của động vật. Họ là một trong số các quốc gia tiên phong trong việc cấm chọi chó. Họ sở hữu những quy định ngặt nghèo nhất liên quan đến thử nghiệm trên động vật. Và họ sẵn sàng phạt tiền, thậm chí là bỏ tù bất kỳ ai có hành vi ngược đãi động vật.

Nhưng cũng chính ở đất nước nhân văn với động vật ấy lại từng xảy ra một cuộc thảm sát hết sức kinh hoàng, khiến 400.000 vật nuôi bị chính chủ của mình giết chết. Chuyện xảy ra ở thời kỳ Thế chiến II, và là một chương lịch sử tăm tối mà chẳng người Anh nào muốn nhắc lại.

400.000 vật nuôi bị chính chủ thảm sát nhân đạo: Một chương lịch sử tăm tối mà người Anh không bao giờ muốn nhớ lại - Ảnh 1.

British Pet Massacre - Cuộc thảm sát tai tiếng của nước Anh

Tháng 9/1939, các trạm cứu hộ động vật tại London (Anh) liên tục quá tải. Người ta xếp hàng dài đến cả dặm đường để chờ đợi "an tử" cho chó, mèo, chim và thỏ mà họ nuôi.

An tử - hay cái chết nhân đạo vốn là hình thức được dùng để giúp các loài vật (hoặc con người) mắc bệnh quá nặng không có khả năng cứu chữa được ra đi sớm nhằm chấm dứt những đau đớn phải trải qua. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ toàn bộ những con vật ở Anh khi đó, không con nào sắp chết cả. Thậm chí chúng còn chẳng đau ốm gì. Lý do người Anh mang vật nuôi đi an tử khi đó chỉ là vì một mục đích nhân đạo: Để chúng không phải trải qua nạn đói và sự tàn nhẫn mà cuộc Thế chiến II có thể mang lại.

400.000 vật nuôi bị chính chủ thảm sát nhân đạo: Một chương lịch sử tăm tối mà người Anh không bao giờ muốn nhớ lại - Ảnh 2.

Các hộp an tử dành cho động vật

Thường được biết đến với tên gọi British Pet Massacre (Thảm sát vật nuôi tại Anh), sự kiện năm 1939 không chỉ tàn khốc, mà còn có phần mỉa mai với người Anh. Trên thực tế, những hành động tàn nhẫn với động vật vốn được dùng để thể hiện sự tàn ác của chủ nghĩa phát-xít. Một đại sứ của phát-xít Đức từng bị truyền thông Anh chế nhạo vì đã bỏ rơi chú chó của mình để trốn chạy, trong khi người Anh muốn chống lại điều đó để tìm công lý cho con người và cả động vật nữa.

NARPAC (Ủy ban Phòng ngừa không kích quốc gia cho động vật) tại Anh đánh giá đất nước này khi đó có khoảng 6 - 7 triệu chó và mèo, 56 triệu gia cầm, và 37 triệu các loài vật chăn nuôi - hơn gấp 2 lần so với dân số của họ. Chiến tranh nếu xảy ra sẽ không chỉ gây hiểm họa không kích cho đất nước, mà còn gây ra tình trạng đói kém, thiếu hụt lương thực. Với những dự đoán như vậy, NARPAC khuyến cáo người dân nên gửi vật nuôi về quê. Nhưng nếu như không thể thì sao? Thì nhân đạo nhất là hãy cho chúng được an tử.

400.000 vật nuôi bị chính chủ thảm sát nhân đạo: Một chương lịch sử tăm tối mà người Anh không bao giờ muốn nhớ lại - Ảnh 3.

Công văn của NARPAC

Ngày 3/9/1939, cựu Thủ tướng Neville Chamberlain công bố Anh Quốc sẽ bước vào chiến tranh. Ngay sau đó, hàng ngàn người London lũ lượt kéo đến các trạm thú y và cứu trợ động vật trong thành phố, để làm những điều họ cho là đúng.

Các nhân viên thú y phải làm việc thâu đêm vì số lượng vật nuôi yêu cầu được an tử là quá lớn, thậm chí cạn kiệt cả chloroform dùng để gây mê - như những gì được đưa ra trong báo cáo năm 1939 của Animal World.

Thảm họa từ nỗi sợ nhân danh nhân đạo

Đến đây, nhiều người có thể đổ lỗi cho NARPAC. Tuy nhiên theo nhà sử học Hilda Kean, đó thực chất không phải ý định của họ. NARPAC trên thực tế đã đưa ra chỉ dẫn rõ ràng với các loài vật phục vụ nông nghiệp, nhưng không đề cập đến vật nuôi trong nhà. Vài tuần sau đó, họ đưa ra thông báo nhấn mạnh "những ai đang ở nhà không nên đưa vật nuôi đi thiêu hủy", nhưng mọi thứ đã quá muộn. Chỉ trong vòng 1 tuần đầu tiên của cuộc chiến, 400.000 con vật đã bị thảm sát.

Vậy nếu như lỗi không nằm ở NARPAC, thì tại sao hàng trăm ngàn người vẫn mang vật nuôi của họ đi an tử? Kean cho biết, có thể không phải để bảo vệ gia đình khỏi tình trạng đói ăn, mà để tránh cho chúng không phải đối diện với sự tàn nhẫn của chiến tranh.

Theo Kean, vai trò và nhận thức về thú nuôi đã thay đổi trước cuộc Thế chiến II vài thập kỷ. Từ năm 1930, đã có quy định chó phải được đeo vòng cổ và chủ phải chịu thuế, yêu cầu phải được huấn luyện và đeo dây xích khi ra đường, qua đó khiến cuộc sống của chó ngày càng gần gũi hơn với con người. Từ vị thế là một vật nuôi độc lập, chúng trở thành người bạn tốt nhất của con người.

Những ai từng sống sót qua cuộc Thế chiến I hiểu rằng chiến tranh có thể tàn khốc và hủy hoại đất nước nhiều như thế nào, và chắc chắn sẽ không bao giờ muốn sống lại thời điểm đó lần nữa. Trong khi đó, việc vật nuôi ngày càng trở nên gần gũi hơn khiến các người chủ khó lòng tưởng tượng ra việc chúng có thể tự bảo vệ bản thân khi cuộc chiến bắt đầu.

Kean nhận định, một số người trải qua cuộc Thế chiến I thậm chí còn dự trữ độc dược, bảo rằng họ thà để con cái chết trước còn hơn cho chúng trải qua thời kỳ chiến tranh. Vậy nên Kean cho rằng quan điểm này lúc đó được áp dụng cho vật nuôi. Sự sợ hãi đã đổ dồn vào những loài vật vô tội.

Rốt cục, những con vật không bị an tử khi đó cũng chẳng chết đói, thậm chí còn gần gũi hơn với nhà chủ. Bởi dù chúng không có lương thực riêng, những bữa ăn còn sót lại từ loài người vẫn được chuyển cho chúng, chẳng có gì to tát cả. Chỉ là những sinh mạng mất đi thì không lấy lại được, và chương lịch sử tăm tối của nước Anh thì gần như bị chìm vào quên lãng, chẳng ai muốn nhắc đến nữa.

Nguồn: Atlas Obscura

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại