Mấy chục năm vừa qua, Trung Quốc đã “tiếp sức” cho nền kinh tế bằng cách đầu tư vào các nhà máy, những tòa nhà chọc trời và đường cao tốc. Mô hình này tạo ra thời kỳ tăng trưởng thực sự ấn tượng, biến Trung Quốc thành “gã khổng lồ” với ngành xuất khẩu phát triển rực rỡ, đưa hàng hóa “made in China” vươn tới mọi ngóc ngách trên thế giới.
Nhưng giờ đây mô hình đó đang gặp rắc rối. Trung Quốc đang nợ nhiều và không còn nhiều thứ để xây dựng nữa. Trên khắp đất nước, có không ít những cây cầu hay sân bay không được sử dụng hết công suất. Hàng triệu căn hộ không có người ở. Tỷ suất lợi nhuận từ những khoản đầu tư đã sụt giảm nhanh chóng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào thời kỳ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với quá khứ trong khi phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược như cấu trúc dân số không thuận lợi và rạn nứt quan hệ với Mỹ. Những điểm yếu mà kinh tế Trung Quốc bộc lộ trong thời gian gần đây không phải là nhất thời mà sẽ định hình nền kinh tế trong dài hạn.
Vậy tương lai kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao? Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo trong những năm tới GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 4%, chưa bằng một nửa so với mức trung bình trong 40 năm qua. Capital Economics dự báo tăng trưởng GDP giảm từ mức 5% trong năm 2019 xuống còn 3% và sẽ giảm xuống quanh 2% vào năm 2030.
Nếu dự báo này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu đến năm 2035 tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra năm 2020. Trung Quốc cũng sẽ không thể thoát khỏi nhóm thị trường mới nổi có thu nhập trung bình và do đó không thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong quá khứ, đã có không ít lần giới phân tích đưa ra dự báo xấu về kinh tế Trung Quốc nhưng không trở thành hiện thực. Các lĩnh vực mới như xe điện và năng lượng tái tạo nhắc nhở thế giới về khả năng cạnh tranh xuất sắc của các doanh nghiệp Trung Quốc. Khi phải đối đầu với Mỹ, sức sáng tạo của kinh tế Trung Quốc càng được đẩy mạnh.
Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn đã phát triển lên nấc thang mới, mở khóa những động lực tăng trưởng mới. Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn còn những công cụ để kích thích nền kinh tế ví dụ như mở rộng tài khóa.
Giống như Nhật Bản?
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận rằng hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức lớn hơn, trong khi những cách làm cũ đang tỏ ra không hiệu quả.
Thực ra thì một số điểm yếu đã bộc lộ rõ từ trước đại dịch. Nền kinh tế vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng là nhờ đi vay nhiều hơn và dựa vào thị trường bất động sản bùng nổ - lĩnh vực trong nhiều năm liên tiếp đóng góp hơn 25% GDP.
Nhưng thành công ban đầu trong kiểm soát Covid-19 và nhu cầu về hàng tiêu dùng tại các thị trường phương Tây tăng vọt trong đại dịch đã làm lu mờ những điểm yếu này. Sau khi thế giới trở lại trạng thái bình thường, Trung Quốc phải đối mặt với hiện thực: Nhu cầu của phương Tây sụt giảm, thị trường nhà đất khủng hoảng trong khi nợ đã tăng lên mức không bền vững.
Một dự án chung cư mà Country Garden làm chủ đầu tư. Ảnh: Bloobmberg.
Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc liên tục công bố những dữ liệu đáng lo ngại. Hoạt động sản xuất bị co hẹp, xuất khẩu giảm, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao chưa từng thấy. Nguy cơ nền kinh tế rơi vào giảm phát rất rõ ràng trong khi một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu là Country Garden có thể vỡ nợ.
Không có gói kích thích lớn từ Bắc Kinh hay những nỗ lực hồi phục niềm tin của khối doanh nghiệp tư nhân, một số chuyên gia kinh tế tin rằng Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng trì trệ giống như Nhật Bản từng trải qua từ những năm 1990, khi bong bóng bất động sản vỡ tung kéo theo mấy chục năm chìm trong giảm phát và tăng trưởng yếu ớt.
Nhưng Trung Quốc thậm chí còn kém hơn khi thu nhập bình quân đầu người ở thời điểm hiện tại vẫn thua xa so với các nền kinh tế phát triển. Năm ngoái thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 12.850 USD, thấp hơn ngưỡng tối thiểu 13.845 USD mà World Bank đưa ra để phân loại 1 nước vào nhóm thu nhập cao. Chỉ số của Nhật Bản và Mỹ trong năm ngoái lần lượt là 42.440 USD và 76.400 USD.
Cho đến nay, giới chức Trung Quốc mới chỉ tung ra một số biện pháp rất nhỏ giọt gồm hạ lãi suất và cam kết sẽ hành động thêm nếu như tình hình xấu đi.
Thế kỷ Trung Quốc
Đây là 1 sự thay đổi lớn. Kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu “cải cách và mở cửa” năm 1978, Trung Quốc đã có 4 thập kỷ liên tục bùng nổ và chống lại các chu kỳ kinh tế thông thường.
Trong quãng thời gian đó, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 25 lần. Hơn 800 triệu người thoát khỏi ngưỡng nghèo, theo số liệu của World Bank. Trung Quốc tiến bộ vượt bậc, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.
Giới hàn lâm ấn tượng mạnh với sự trỗi dậy của trung Quốc đến nỗi họ gọi thế kỷ 21 là “thế kỷ Trung Quốc”, vì đất nước châu Á thống trị kinh tế và chính trị toàn cầu, tương tự như thế kỷ 20 là “thế kỷ của Mỹ”.
Tăng trưởng GDP Trung Quốc trong hơn 40 năm qua.
Sự bùng nổ của Trung Quốc được tạo ra bởi dòng vốn đầu tư lớn bất thường vào cơ sở hạ tầng và các tài sản cố định khác. Trung bình trong các năm từ 2008 đến 2021, dòng vốn đầu tư này chiếm khoảng 44% GDP. Cùng kỳ, tỷ lệ trên thế giới là 25% và ở Mỹ chỉ khoảng 20%.
Sở dĩ Trung Quốc có thể chi lớn đến vậy một phần là nhờ hệ thống các ngân hàng nhà nước thiết lập lãi suất tiền gửi ở mức thấp, từ đó huy động được lượng vốn lớn với chi phí thấp để xây dựng các dự án. Trung Quốc đã xây dựng hàng chục nghìn km đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, qua thời gian, những dấu hiệu cho thấy sự thừa mứa ngày càng hiện rõ. Năm 2018, khoảng 1/5 số căn hộ ở thành thị Trung Quốc (tương đương ít nhất 130 triệu căn) bị bỏ trống, theo số liệu thống kê của ĐH Tài chính và Kinh tế Tây Nam.
Một ga tàu cao tốc ở Danzhou, thành phố nằm ở phía Nam của tỉnh Hải Nam, tốn 5,5 triệu USD để xây dựng nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động vì nhu cầu của hành khách quá thấp. Hay Guizhou, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc với GDP bình quân đầu người năm ngoái chưa tới 7.200 USD nhưng đã xây hơn 1.700 cây cầu và 11 sân bay. Ước tính tỉnh này có nợ xấu 388 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Một nút giao đường cao tốc ở Hải Nam. Ảnh: CFOTO/DDP/ZUMA PRESS.
Kenneth Rogoff, giáo sư ĐH Harvard, cho rằng những gì diễn ra ở Trung Quốc giống như nhiều nền kinh tế châu Á khác trong thời kỳ tăng tốc đô thị hóa, các nước châu Âu sau thế chiến thứ hai hay cơn sốt cơ sở hạ tầng ở Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990. Tuy nhiên nếu như châu Âu và một số nước châu Á đã thúc đẩy được tăng trưởng, Nhật Bản lại rơi vào tình trạng đầu tư quá mức và không mang lại hiệu quả.
Các chuyên gia kinh tế ước tính hiện tại Trung Quốc phải đầu tư khoảng 9 USD để tạo ra mỗi USD tăng trưởng GDP. Cách đây 1 thập kỷ, con số chưa đến 5 USD và trong những năm 1990 Trung Quốc chỉ cần đầu tư hơn 3 USD.
Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của các doanh nghiệp tư nhân cũng đã giảm từ 9,3% ở thời điểm cách đây 5 năm xuống còn 3,9%, theo Bert Hofman, người đứng đầu Viện nghiên cứu Đông Á trực thuộc ĐH Quốc gia Singapore. ROA của khối doanh nghiệp nhà nước giảm từ 4,3% xuống còn 2,8%.
Trong khi đó lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị thu hẹp và năng suất tăng chậm lại. Từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000, tăng trưởng năng suất đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP Trung Quốc, nhưng trong thập kỷ vừa qua tỷ trọng đã giảm xuống còn chưa đến 1/6.
Rất nhiều địa phương của Trung Quốc giải quyết bài toán tăng trưởng chậm bằng cách tiếp tục vay mượn và xây dựng. Tổng nợ (đã bao gồm nợ của các địa phương và các doanh nghiệp nhà nước) tăng từ mức chưa đến 200% GDP trong năm 2012 lên gần 300% GDP năm 2022, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS.
Bị hạn chế những khoản vay trực tiếp để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, nhiều tỉnh thành chuyển sang những khoản vay ngoại bảng. Theo IMF, những khoản vay như vậy có thể lên tới 9.000 tỷ USD trong năm nay.
Tổng nợ/GDP của Trung Quốc, Mỹ và eurozone.
Giải pháp nào cho Trung Quốc?
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đồng tình rằng giải pháp rõ ràng nhất là trung Quốc nên chuyển hướng thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và ngành dịch vụ để tạo ra 1 nền kinh tế cân bằng hơn. Mô hình này cũng giống với Mỹ và tây Âu. Hiện chi tiêu của các hộ gia đình chỉ đóng góp khoảng 38% GDP Trung Quốc, trong khi của Mỹ vào khoảng 685.
Để làm được điều đó, Trung Quốc sẽ phải triển khai những biện pháp khuyến khích người dân tăng chi, giảm tiết kiệm. Trong đó có giải pháp mở rộng mạng lưới an sinh xã hội với các phúc lợi y tế và trợ cấp thất nghiệp hậu hĩnh hơn.
Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc vẫn đang hoài nghi về nền kinh tế tiêu dùng kiểu Mỹ. Thay vào đó nước này vẫn muốn tập trung phát triển công nghiệp và cạnh tranh với phương Tây. Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp chip nội địa và giảm phụ thuộc vào phương Tây.
Trung Quốc hoàn toàn có thể biến những tham vọng này hiện thực. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, chừng đó có lẽ là chưa đủ để vực dậy toàn bộ nền kinh tế hay tạo ra đủ việc làm cho hàng triệu cử nhân vừa tốt nghiệp đại học và sẽ nhanh chóng gia nhập lực lượng lao động.
Tham khảo Wall Street Journal