Thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 đã bắt đầu. Thập kỷ này hứa hẹn cuộc đua không gian bùng nổ giữa các cường quốc vũ trụ trên toàn thế giới.
Từ khi người Liên Xô mở ra kỷ nguyên khám phá không gian vào cuối thập niên 1950, tiếp theo đó là cuộc so găng căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô suốt hơn 4 thập kỷ thời Chiến tranh Lạnh, nhân loại liên tiếp chứng kiến những thành tựu vũ trụ đỉnh cao: Từ những cái tên Sputnik, Yuri Gagarin đến Apollo và Neil Armstrong... hành trình chinh phục không gian của loài người đã đi được những bước tiến rất xa.
Tính đến nay, hai cái tên Mỹ và Nga vẫn là 'tượng đài lớn', thống trị các chương trình không gian trong lịch sử nhân loại.
Thập kỷ này hứa hẹn cuộc đua không gian bùng nổ giữa các cường quốc vũ trụ trên toàn thế giới. Photo: Apple TV+
Bước sang thế kỷ 21, với những cuộc cách mạng trong kỹ nghệ vũ trụ và tham vọng chinh phục vũ trụ nhằm thể hiện vị thế quốc gia, rất nhiều cường quốc trên thế giới đã tung ra những chiến lược phát triển không gian tiêu tốn rất nhiều tỷ đô la Mỹ. Họ có 2 mục đích lớn: Làm giàu từ không gian và xây dựng đòn bẩy để khám phá vũ trụ sâu hơn nữa.
Vậy, đâu là những "mỏ vàng không gian", là đích đến mà các quốc gia Mỹ, Nga, châu Âu, các quốc gia châu Á và giới tỷ phú đặt tham vọng phải thực hiện bằng được trong thập kỷ thứ 3 này? Tờ Guardian (Anh) sẽ làm rõ câu chuyện này.
Từ lâu, Mặt Trăng trong mắt các nhà chiến lược không gian đã là một mỏ vàng khổng lồ. Vệ tinh Trái Đất được ví như "Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ" này được cho là chứa rất nhiều đất hiếm, vàng, bạch kim, thậm chí là Helium-3 siêu hiếm trên Trái Đất.
Mặt Trăng đang là "miếng bánh" khổng lồ mà bất cứ quốc gia giàu tiềm năng vũ trụ nào cũng đang nhắm đến.
Thế kỷ 21 chứng kiến tham vọng không gian rõ ràng của Trung Quốc. Người Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành quốc gia thứ 3 đưa các mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu, sau sự thành công mà Mỹ và Liên Xô lập được trong nhiều thập kỷ trước.
Sau thành công ngoài sức tưởng tượng của Trung Quốc trong sứ mệnh Chang'e-4 (Hằng Nga 4) đầu tháng 3/2019 - lần đầu tiên có một quốc gia đưa tàu vũ trụ đổ bộ thành công nửa tối Mặt Trăng - nước này thừa thắng xông lên, tiếp tục triển khai sứ mệnh Chang'e-5 vào cuối năm 2020. Sứ mệnh của Chang'e-5 là cho robot tự hành thu thập khoảng 2 kg đá Mặt Trăng rồi đưa về Trái Đất nghiên cứu.
Mô phỏng Chương trình Artemis của NASA. Photo: AP
So sánh với sứ mệnh lấy mẫu đất đá tại nửa sáng Mặt Trăng của Liên Xô thực hiện năm 1976, các nhà khoa học nhận định, hành trình và sứ mệnh của Trung Quốc mạo hiểm hơn nhiều. Đây là bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đặt mục tiêu cao nhất cho sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng trong tương lai gần.
Sau sự kiện bất ngờ của Trung Quốc tháng 3/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết tâm: Đưa NASA vĩ đại trở lại. Nước Mỹ sẽ đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng. Rồi sau đó là sao Hỏa.
Với kinh phí lớn nhất trong lịch sử NASA (22,6 tỷ USD) năm 2020, NASA đang ngày đêm phát triển Chương trình Mặt Trăng Artemis (chương trình kế tiếp của Apollo) nhằm đạt mục tiêu cao nhất: Đưa 2 phi hành gia (1 nam, 1 nữ) đổ bộ cực Nam Mặt Trăng năm 2024.
Đối với Ấn Độ, sau thất bại của sứ mệnh Chandrayaan-2, quốc gia này thực hiện sứ mệnh mới mang tên Chandrayaan-3 lên Mặt Trăng vào tháng 11/2020.
Mặt Trăng không chỉ là đích đến của các quốc gia, nhiều cá nhân như tỷ phú Jeff Bezos cũng đặt tham vọng lên Mặt Trăng để cứu Trái Đất trước khi hành tinh này bị những gánh nặng về dân số, tài nguyên cạn kiệt, nghèo đói... đè nặng.
Tỷ phú Elon Musk - CEO của SpaceX - được xem là cá nhân khát khao chinh phục sao Hỏa nhất trên thế giới. Đích đến tiêu tốn hàng tỷ đô la Mỹ của Musk chính là xây dựng một thành phố sao Hỏa và đưa dân thường lên sinh sống. Thập kỷ 2020 hứa hẹn những đột phá trong ngành vũ trụ của các cá nhân và công ty tư nhân thế giới.
Vậy mục tiêu vũ trụ mang tầm quốc gia thì sao?
Khoảng thời gian cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2020 là lúc khoảng cách giữa Trái Đất và sao Hỏa ngắn nhất (hơn 50 triệu km), do đó, NASA sẽ tận dụng thời điểm này để phóng tàu vũ trụ đổ bộ sao Hỏa trong năm nay nhằm tiếp tục tìm kiếm bằng chứng cho thấy hành tinh đỏ là nơi chứa nước và có thể nuôi dưỡng sự sống; cũng như các dấu hiệu sự sống của vi khuẩn cổ đại.
Chương trình sao Hỏa 2020 sẽ đánh dấu khởi đầu của một chương trình thám hiểm sao Hỏa kéo dài hàng thập kỷ.
Theo kế hoạch của NASA và châu Âu, dự kiến đến năm 2030, tàu vũ trụ sẽ mang các vật liệu sao Hỏa (khoảng 500 g) trở về Trái Đất nghiên cứu.
Cơ quan Vũ trụ Châu âu (ESA) cũng phát triển một chiếc rover của riêng mình để phóng lên sao Hỏa trong năm 2020. Cụ thể, cũng vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2020, tên lửa Proton của Nga sẽ phóng chiếc rover 6 bánh có tên Rosalind Franklin (hay ExoMars rover) lên sao Hỏa trong khuôn khổ chương trình ExoMars của ESA.
Sử dụng một mũi khoan có thể xuyên sâu 2 mét dưới bề mặt, ExoMars rover sẽ lấy được vật liệu được che chắn khỏi bức xạ cực mạnh bắn phá sao Hỏa và có thể chứa bằng chứng về quá khứ và thậm chí có thể có sự sống trên hành tinh đỏ.
Mô hình chiếc rover 6 bánh có tên Rosalind Franklin (hay ExoMars rover) của ESA. Photo: BBC
Sao Hỏa cũng là đích đến của Trung Quốc khi nước này có kế hoạch phóng tàu thăm dò tới hành tinh đỏ năm 2020. Trước đó, Trung Quốc cũng hợp tác với Nga tuy nhiên tàu vũ trụ Nga đang mang theo tàu thăm dò Trung Quốc Yinghuo-1 đã bị rơi vào tháng 1/2012. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu chương trình thám hiểm sao Hỏa của riêng mình và đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm hạ cánh quan trọng ở phía bắc tỉnh Hà Bắc. Zhang Kejian, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc, cho biết tàu đổ bộ đã trải qua một loạt các thử nghiệm tại một địa điểm ngổn ngang với những ụ đá nhỏ, mô phỏng địa hình sao Hỏa.
Dự kiến, vào tháng 7-8/2020, tàu thăm dò của Trung Quốc, Huoxing-1, sẽ triển khai một quỹ đạo bay vòng quanh sao Hỏa và thả một chiếc rover xuống bề mặt hành tinh, mục đích là tìm bằng chứng về sựsống hiện tại và quá khứ trên sao Hỏa.
Không chịu thua kém, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có kế hoạch phóng tàu thăm dò không gian sâu đầu tiên, tên là Hope Mars Mission, được xây dựng bởi Trung tâm Vũ trụ Mohammed bin Rashid hợp tác với Đại học Colorado và Đại học bang Arizona của Mỹ. Tàu vũ trụ robot sẽ nghiên cứu khí hậu sao Hỏa và cố gắng hiểu lý do tại sao hành tinh này đã trải qua những thay đổi khí hậu mạnh mẽ.
Thiên thạch, tiểu hành tinh cũng được giới chiến lược vũ trụ xem là những "mỏ vàng" di dộng khổng lồ ngoài không gian. Để nuôi tham vọng khai thác khoảng sản vũ trụ cũng như nghiên cứu khoa học, các nước tất yếu phải tiến hành nghiên cứu thành phần của chúng.
Tàu không gian Osiris-Rex của NASA, phóng năm 2016, hiện đang bay quanh Bennu, một tiểu hành tinh nhỏ hình cầu có đường kính khoảng 520 mét, được làm từ đá giàu carbon - một vật liệu mà các nhà khoa học tin là đại diện cho đám mây khí và bụi xoáy, mà từ đó Hệ Mặt Trời hình thành 4,6 tỷ năm trước.
Tàu không gian Osiris-Rex của NASA, phóng năm 2016, hiện đang bay quanh Bennu. Photo: Alamy Stock Photo
Mùa hè 2020, Osiris-Rex sẽ quét sát bề mặt Bennu, thực hiện việc thu thập các vật chất của Bennu rồi lên đường trở về Trái Đất, dự kiến vào tháng 9/2023, để các nhà khoa học nghiên cứu kỹ.
Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cũng đã phóng tàu vũ trụ Hayabusa2 năm 2014 nhằm thực hiện sứ mệnh thu thập mẫu vật chất từ tiểu hành tinh gần Trái Đất 162173 Ryugu. Dự kiến, Hayabusa2 sẽ quay trở lại Trái Đất vào tháng 12/2020.
Các công ty vũ trụ tư nhân đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc giảm chi phí du hành vũ trụ, và vào năm 2020 các phi hành gia đầu tiên có khả năng bay trên tàu vũ trụ thương mại.
Elon Musk và công ty của SpaceX của ông chuẩn bị ra mắt tàu vũ trụ Crew Dragon, nhiệm vụ có người lái đầu tiên của SpaceX vào đầu năm 2020. Một phiên bản Crew Dragon không người lái đã cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng 3/2019.
Mô hình tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX. Photo: SpaceX
Nếu thành công trong sứ mệnh đưa phi hành gia bay vào vũ trụ, Crew Dragon có khả năng trở thành một trong những phương tiện để các phi hành gia Mỹ di chuyển đến và đi ISS. Hiện tại, các phi hành gia tại ISS di chuyển bằng tàu vũ trụ Soyuz của Nga sau khi tàu con thoi của Mỹ nghỉ hưu vào năm 2011.
SpaceX không phải là công ty tư nhân duy nhất xây dựng tàu vũ trụ cho chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA. Boeing cũng có kế hoạch đưa các phi hành gia lên trạm ISS trên tàu vũ trụ Starliner của mình. Tuy nhiên, thời điểm chính xác để kế hoạch này đi vào hoạt động hiện vẫn chưa ấn định.
Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.