4 kiểu mẹ chồng gây sóng gió hôn nhân trong "Sống chung với mẹ chồng"

Mỹ Mỹ |

Không chỉ bà Phương, "Sống chung với mẹ chồng" còn "khéo léo" giới thiệu luôn nhiều kiểu mẹ chồng mình có thể gặp trong đời sống.

Bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng chính là nhân vật tâm điểm của bộ phim, của mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu gay gắt. Bao nhiêu hục hặc, vấn đề oái oăm đều xoay quanh nhân vật này.

Không chỉ thế, phim còn sẵn tiện giới thiệu luôn những kiểu mẹ chồng khác mà các bạn gái có thể gặp phải trong cuộc sống hôn nhân, xem như là thủ sẵn kinh nghiệm trước khi về nhà chồng.

1. Thủ lĩnh của mẹ chồng

Đây là kiểu mẹ chồng "khó sống" nhất và nếu như các bạn gái có cá tính mạnh nữa thì quả thật là cuộc sống sẽ không khác gì phim.

Nhân vật đại diện: bà Phương (mẹ chồng của Vân).

4 kiểu mẹ chồng gây sóng gió hôn nhân trong Sống chung với mẹ chồng - Ảnh 1.

Đây là mẹ chồng xem con trai của mình như bảo bối, con trai nói đúng là đúng, sai là sai, con trai là ông trời con, là của quý, là cục vàng cục cưng… Kiểu mẹ chồng này ưa thấy ở tất cả các miền tại Việt Nam, nhất là trong các gia đình con một.

Con trai lúc nào cũng bé bỏng và cần được mẹ chăm sóc từng li từng tí. Chính vì lẽ ấy mà khi thấy có một cô nàng nào đó đỏm dáng, ra vẻ đành hanh với con là các mẹ lồng lộn lên. Chưa kể, con dâu lại còn "cưỡi lên người con trai" một cách âu yếm, mẹ chồng này đã khó nay còn khó hơn gấp trăm lần.

Cách đối phó: Cưng mẹ chồng như cưng chồng. Chỉ cần mẹ lên tiếng, con dâu lập tức một dạ hai vâng, mỗi tháng mang phí sinh hoạt về biếu mẹ, có việc gì cũng quy ra tiền đưa mẹ.

Có như vậy, vừa tránh được cãi vã với mẹ chồng, vừa mang tiếng khôn khéo.

2. Mẹ chồng xem cháu trai là số một

Đây là kiểu mẹ chồng mà nếu lỡ có mang bầu, thì hãy cầu cho nó là con trai.

Nhân vật tiêu biểu: bà Điều (mẹ chồng của Trang).

4 kiểu mẹ chồng gây sóng gió hôn nhân trong Sống chung với mẹ chồng - Ảnh 2.

Điểm chung của hai bà mẹ chồng của hai cô bạn thân này chính là tính tiết kiệm nhưng vẫn chăm con rất hay. Mỗi tội đến phiên con dâu thì bà Điều chỉ lại quan tâm đến việc cháu đích tôn nối dòng nối dõi.

Đây đích thị là một hình tượng đậm nét bà mẹ Việt Nam ở các miền quê, làm gì thì làm, phải có cháu trai đã rồi hẵng tính.

Con trai thích ăn gì cũng được, còn con dâu thì phải kiêng khem như các cụ mới là gái ngoan. Nói chung, đây là mẹ chồng sống theo kiểu thời đại cũ, ông bà nói thế nào thì cấm có sai.

Điểm mạnh của những bà mẹ này chính là tính cách tận tuỵ với con cái, nên khéo léo một chút vẫn có thể sống chung với bà.

Cách đối phó: Thật ra làm gì thì cũng phải có đầu có đuôi, cứ giải thích rõ ràng với mẹ, rằng là mẹ làm như thế không tốt, như thế kia là không hay, lấy ví dụ dẫn chứng và đừng lớn tiếng với bà. Bà dễ tự ái rồi bỏ về quê lắm, lúc đó thì không stress vì bà cũng stress vì đói.

3. Mẹ chồng không có chính kiến

Cụ thể, thực ra ý kiến của bố cũng là ý kiến của mẹ.

Nhân vật tiêu biểu: bà Bằng (mẹ của Vân).

4 kiểu mẹ chồng gây sóng gió hôn nhân trong Sống chung với mẹ chồng - Ảnh 3.

Mẹ của Vân chưa hẳn là mẹ chồng nhưng cũng có một cậu con trai nên được liệt hẳn vào danh sách này.

Bà Bằng không hẳn là không có chính kiến, nhưng lại không đủ khả năng bảo vệ chính kiến của mình, chồng nói là đúng nên con gái cũng khổ mà con dâu sau này kiểu gì cũng sẽ khổ.

Một điểm lạ ở người dân quê là họ luôn cho mình thấp hèn hơn người thành thị, nên không cho mình cái quyền được phản biện. Tưởng tượng sau này bà sui gia của bà Bằng mà cao tay như bà Phương thì mẹ chồng cũng lép vế.

Không có chính kiến, không có lập trường vững vàng, nên không bị chồng lấn lướt cũng bị người ngoài xem thường.

Cách đối phó: Nếu lỡ rơi vào gia đình có mẹ chồng như vậy, thì cách đối phó hay nhất là kết thân với bố chồng và chỉ tham khảo ý kiến của mẹ trong những trường hợp cấp bách.

Vì những người như vậy thường có nhiều cách giải quyết rất hay nhưng bị bác bỏ.

4. Mẹ chồng vương giả, sĩ diện

Nhân vật tiêu biểu: Cô Hà (bà hàng xóm của bà Phương).

4 kiểu mẹ chồng gây sóng gió hôn nhân trong Sống chung với mẹ chồng - Ảnh 4.

Bà hàng xóm ở khu nhà giàu, nên mọi thứ đều phải giàu có, xa hoa. Chính vì vậy lại rất lười. Bà không thích trách nhiệm nữa chứ!

Con dâu sanh rồi thì về ngoại cho ngoại chăm, sanh được con trai thì mừng rỡ, tuyệt đối không cho con trai ngoại tình vì sợ không giữ được cháu đích tôn.

Là mẹ chồng, bà cũng không nghĩ đến trách nhiệm gì với con dâu, như là chăm sóc, lo lắng như thế nào.

Cách đối phó: Cô nào có mẹ chồng như thế cũng không phải là xấu. Dành một chút thời gian, nhín một chút tiền, cùng mẹ chồng đi chơi, du lịch, hay là đăng ảnh lên Facebook, cho mẹ chồng thấy được rằng bà quan trọng, như thế là đủ mãn nguyện.

Nhân tiện, nếu sinh con trai thì càng tốt.

Tóm lại mẹ chồng có khó khăn như thế nào, cũng do cách cư xử của con dâu mà ra. Con dâu có tốt, mẹ chồng mới thương.

Trong trường hợp lỡ như mẹ chồng ghét bỏ thì … các bạn thấy rồi đó, cứ góp sinh hoạt phí cho bà, chăm hỏi han bà, và đặc biệt là đừng khó chịu với bà. Ôi giời, người lớn ấy mà, khó tính lắm nhưng cũng không phải là không có cách để họ vui!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại