4 di vật kể lại cuộc đời cố Tổng thống Mỹ George Bush "cha"

Thu Phương (Theo NYT) |

Những di vật do chính cố Tổng thống Mỹ George Bush cha từng gìn giữ hay các di sản ông để lại tại Nhà Trắng và các trường đại học khắc họa lại cuộc đời nhà lãnh đạo.

Găng tay bóng chày

Cố Tổng thống George Bush cha từng chơi bóng chày khi là sinh viên Đại học Yale và trở thành đội trưởng vào năm 1948. Poppy, biệt hiệu của ông trong đội bóng, là một cầu thủ nổi tiếng không chỉ về kỹ năng xuất sắc mà còn khiếu hài hước bẩm sinh.

Khi đã trở thành tổng thống, ông vẫn giữ chiếc găng tay đầu tiên trong ngăn kéo bàn làm việc ở Phòng Bầu dục. Ông thường xuyên lau chùi và ngắm nhìn đôi găng tay mỗi khi cần tập trung suy nghĩ.

Môn thể thao này mang đến cho ông Bush niềm vui lớn lao. Ông và cố phu nhân Barbara, thường mời những vận động viên câu lạc bộ Houston Astros tới ăn trưa ở Texas và thậm chí từng đưa Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tới xem một trận đấu ở Baltimore Orioles.

Biểu tượng đầu lâu và xương chéo

4 di vật kể lại cuộc đời cố Tổng thống Mỹ George Bush cha - Ảnh 1.

Biểu tượng của nhóm kín Skull and Bones được trưng bày tại Đại học Yale - Ảnh: NYT

Ông Bush là một thành viên của Skull and Bones – một nhóm kín bí mật của sinh viên tại Yale. Một số thành viên trong gia đình ông cũng từng là "Bonesmen", bao gồm cha, anh trai, chú họ và anh họ. Con trai ông, George W. Bush II, sau này cũng tham gia nhóm.

Đối với ông Bush, nhóm kín tập hợp những thành viên ưu tú này thực sự là một gia đình. Các Bonesmen đã giúp ông có được công việc đầu tiên trong ngành công nghiệp dầu mỏ và một số khoản đầu tư quý giá.

Những người khác cung cấp hỗ trợ tài chính cho chiến dịch bầu cử và một số người đã trở thành nhân viên dưới quyền ông như cố vấn cấp cao, nhà soạn nhạc, đại sứ và các thành viên nội các.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1992, ứng cử viên Patrick J. Buchanan từng chỉ trích ông Bush vì từng giữ cương vị trưởng câu lạc bộ Skull và Bones. Những tin đồn về các nghi thức xã hội cũng như tầm ảnh hưởng của nhóm kín này đối với chính phủ Mỹ đã trở thành chướng ngại với gia đình ông trong một thời gian dài.

Bức chân dung cô con gái Robin

4 di vật kể lại cuộc đời cố Tổng thống Mỹ George Bush cha - Ảnh 3.

Bức chân dung của Robin được họa sĩ Louise VandenBergh Altson vẽ vào năm 1953 - Ảnh: NYT

Mùa thu năm 1953, bà Barbara Bush phát hiện cô con gái 3 tuổi khỏe mạnh, Robin, dần trở nên xanh xao, chậm chạp và hay ngất xỉu.

Khi biết con gái đã mắc bệnh bạch cầu giai đoạn cuối, bà Bush đi lại nhiều lần giữa Texas và New York, nơi Robin được điều trị tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering. Sau khoảng sáu tháng, Robin qua đời vì xuất huyết nội tạng chỉ hai tháng trước sinh nhật thứ tư của mình.

Bức chân dung của Robin được họa sĩ Louise VandenBergh Altson vẽ vào năm 1953, là một món quà từ mẹ của ông Bush. Sau nhiều năm, các thành viên gia đình vẫn treo bức tranh trang trọng trong phòng khách gia đình Bush ở Midland, Texas.

Ông Bush sau này thừa nhận rằng đã "không có can đảm" để an ủi và chăm sóc cho vợ mình sau đám tang bởi chính ông cũng kiệt quệ. Bà Bush tiếp tục bận rộn với các công việc tình nguyện và xã hội để quên đi nỗi đau quá lớn. George Bush, khi đó mới 7 tuổi, đã trở thành cầu nối cho cha và mẹ.

Trung tâm Tình báo George Bush

Năm 1975, Tổng thống Gerald R. Ford bổ nhiệm ông Bush làm giám đốc C.I.A. Tuy đánh giá vị trí này là một bước lùi so với kế hoạch trở thành phó tổng thống, ông Bush vẫn nhậm chức bởi tinh thần trách nhiệm và trở thành một trong những giám đốc thành công nhất lịch sử C.I.A.

Những câu chuyện về gián điệp trong nước, những cuộc biểu tình chống chiến tranh và âm mưu ám sát các lãnh đạo quốc tế trở thành tiêu đề trên nhiều mặt báo gắn liền với Cục Tình báo. Trong 12 tháng giữ cương vị lãnh đạo, ông Bush đã xuất hiện 51 lần trên đồi Capitol để bảo vệ cơ quan của mình.

Năm 1999, cơ quan này đổi tên trụ sở chính thành Trung tâm Tình báo George Bush. Ông Bush được ghi nhận là người đã yêu cầu Quốc hội giám sát nhiều hơn cũng như hỗ trợ các hoạt động tình báo và bảo vệ các mật vụ C.I.A.

Trong thời kỳ làm việc tại đây, ông sử dụng chung thang máy với nhân viên thay vì thang máy riêng, đi bộ trên đường hầm và viết nhiều lời cảm ơn đến các điệp viên xuất sắc.

Bức thư phản đối Hiệp hội Súng trường Quốc gia

4 di vật kể lại cuộc đời cố Tổng thống Mỹ George Bush cha - Ảnh 5.

Nội dung bức thư gửi Hiệp hội NRA của cố Tổng thống Bush - Ảnh: NYT


Năm 1988, ông Bush từng nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và nhiều người nghĩ ông ủng hộ quyền sử dụng súng. Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Bush cha đã trì hoãn việc thông qua dự luật liên bang Brady yêu cầu người mua súng phải chờ tối thiểu 5 ngày để xác minh lý lịch.

Nhưng vào năm 1995, ông Bush đã viết một bức thư gửi hiệp hội này, thể hiện quan điểm cá nhân ngược lại.

Các nhà nghiên cứu cũng như những người thân cận với cố tổng thống nói rằng ông từ lâu đã là người ủng hộ đạo luật kiểm soát súng nhưng không thể từ chối những cử tri thân thiết của hiệp hội trong cuộc bầu cử năm 1988.

Ông Bush đã ủng hộ đạo luật kiểm soát súng trong chiến dịch vận động của Thượng viện vào năm 1970 và ban hành lệnh cấm nhập khẩu một số vũ khí bán tự động. Bởi những hành động này, ông đã bị Bill Brady, Chủ tịch Hiệp hội NRA. thời điểm đó từ chối bỏ phiếu trong chiến dịch tranh cử năm 1992.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại