Bonnie Tu phì cười khi tìm thấy chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ mang dòng chữ "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà 1 đồng nghiệp đã để lại trên bàn làm việc để trêu đùa bà. Là Chủ tịch của Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, bà không phải là người hâm mộ Donald Trump. Thuế quan của Tổng thống Mỹ khiến chuỗi cung ứng của bà rối tung và đẩy chi phí sản xuất lên cao. "Đó là thuế đánh vào xe đạp, trong khiđạp xe là hoạt động tốt cho sức khỏe nhất trên thế giới", người phục nữ 70 tuổi than phiền. Giant đã phải thu hẹp sản xuất ở Trung Quốc và chuyển hướng sang Đài Loan, điều mà bà cho là "không có lựa chọn nào khác".
Và Giant không đơn độc. Gần đây nhiều công ty Đài Loan đã trở về quê nhà, trong đó có công ty sản xuất máy tính Compal, nhà sản xuất linh kiện điện tử Delta Electronics và công ty giấy Long Chen. Năm 2018, Đài Loan thành lập văn phòng xúc tiến đầu tư với những lời hứa hẹn về các khoản vay lãi suất thấp để hỗ trợ các công ty trở về. Tính đến nay văn phòng đã nhận được đơn từ hơn 150 công ty.
Những điều kể trên đem đến cảm giác Đài Loan là nền kinh tế được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Singapore và Hàn Quốc cũng có thêm thị phần ở Mỹ từ tay Trung Quốc. Nhưng sẽ là sai lầm nếu bạn kết luận rằng chiến tranh thương mại là điều tốt đối với 4 "con hổ châu Á". Sự thật là chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến cả 3 trụ cột mà các nền kinh tế này dựa vào: 1 hệ thống thương mại toàn cầu cởi mở, mạng lưới sản xuất ở châu Á và Trung Quốc – thị trường lớn nhất.
Xung đột thương mại đã đánh vào "tử huyệt" của Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông khi mà xuất khẩu chính là bí quyết tạo nên thành công của họ trong nửa thập kỷ qua.
Hàn Quốc bắt đầu với những tấm thép mạ thiếc, gỗ dán và dệt may, hưởng lợi từ nguồn tín dụng giá rẻ và chính sách miễn thuế nhập khẩu cùng đợt phá giá đồng won năm 1964. Từ tháng 2/1965 đến tận trước khi bị ám sát năm 1979, Tổng thống Park Chung-hee đã tham dự gần như mọi cuộc họp hàng tháng của ủy ban xúc tiến xuất khẩu, xem thử hàng mẫu và trò chuyện với các doanh nhân trong bữa ăn trưa. Ông bật khóc khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vượt mốc 100 triệu USD năm 1964, đề ra quy định cả nước sẽ có 1 ngày nghỉ gọi là "ngày xuất khẩu" mà sau đó được đổi tên thành "ngày thương mại".
Đài Loan cũng khởi đầu với tín dụng giá rẻ và các chính sách miễn thuế cho các công ty xuất khẩu. Những doanh nhân nhanh chóng nổi lên. Bà Tu nhớ năm 1972 người chú của mình – ông King Liu, người sáng lập Giant – đã phải thốt lên ngạc nhiên rằng "người Mỹ đang mang tiền tới Đài Loan để mua xe đạp". Ông nhanh chóng nhận ra các nhà cung ứng ở Đài Loan chưa đạt yêu cầu, lốp xe của họ thường bị tuột khỏi vành. Vì thế Liu đã đi khắp hòn đảo để thuyết phục các nhà cung ứng rằng họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều nếu như cùng sản xuất theo 1 quy chuẩn.
Singapore và Hồng Kông thường được coi là những cánh cổng kết nối nhà đầu tư với châu Á. Tuy nhiên 2 nền kinh tế này cũng từng là những chuẩn mực cho hoạt động sản xuất thâm dụng lao động. Trong những năm 1970, Hồng Kông là nơi sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới. Năm 1965, Singapore tự quảng bá bản thân là cái nôi sản xuất.
Qua thời gian, những con hổ ngày càng trở nên giàu có và các công ty của họ tiến dần lên các bậc cao hơn của dây chuyền sản xuất. Ở Hàn Quốc, chính phủ khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nặng như hóa chất và đóng tàu. Đài Loan thành lập các công viên khoa học phục vụ những ngành công nghệ tiên tiến từ quang điện tử đến chất bán dẫn. Năm 1981, Singapore thành lập ủy ban quốc gia về đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Trong 20 năm gần đây phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đã bị Trung Quốc giành giật thị phần. Tuy nhiên thị phần của 4 "con hổ" trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu vẫn giữ vững ở mức 10%. Tỷ trọng của Nhật Bản giảm xuống dưới 4%, bằng một nửa so với năm 2000.
Giống như các nền kinh tế giàu có khác, họ đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất cơ bản sang Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất là Foxconn, công ty điện tử Đài Loan nổi tiếng nhất với vai trò là nơi lắp ráp những chiếc iPhone cho Apple. Foxconn mở cửa nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1988, và 30 năm sau đang tuyển dụng gần 1 triệu nhân công tại đây.
Song song với việc chuyển các công việc đơn giản sang Trung Quốc, những "con hổ" đạt được bước tiến thần kỳ. Hàn Quốc hiện là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, Đài Loan nổi tiếng về chế tạo chất bán dẫn. Mỗi nền kinh tế đáp ứng hơn 12% nhu cầu về các sản phẩm điện tử của Trung Quốc, cao gấp đôi so với các đối tác thương mại khác.
4 nền kinh tế này cũng hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi mà Trung Quốc là công xưởng thế giới, châu Á cũng trở thành khu vực ngày càng quan trọng đối với hoạt động sản xuất toàn cầu. Tỷ trọng của châu Á trong thương mại toàn cầu về linh kiện điện tử đã tăng từ 19% trong năm 2000 lên 30% trong năm 2016. Trung Quốc đại lục đóng góp 4 trong số 7 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, và 3 cái tên còn lại đến từ Singapore, Busan và Hong Kong.
Cả Singapore và Hong Kong đều đã củng cố vai trò là đầu mối quản lý "công xưởng châu Á". Hơn 4.000 công ty chọn Singapore là nơi đặt trụ sở khu vực Đông Nam Á. Ở Hong Kong con số khiêm tốn hơn ở mức 1.500, nhưng thành phố đã tỏ ra thành công hơn nhiều so với Singapore trong việc thu hút các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại đây. TTCK Hong Kong có quy mô 4.000 tỷ USD, trong khi của Singapore là 700 tỷ USD.
Tất cả những sự kết nối này là "con dao hai lưỡi", vừa giúp những con hổ châu Á thịnh vượng nhưng cũng khiến họ dễ bị tổn thương. Cuộc chiến thương mại với Mỹ chắc chắn gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc, nhưng 4 "con hổ" tỏ ra mong manh hơn vì là những nền kinh tế nhỏ hơn và cởi mở hơn. Trong khi xuất khẩu tương đương khoảng 20% GDP của Trung Quốc, tỷ lệ ở Hàn Quốc là 45%, Đài Loan là 65%, ở Singapore và Hong Kong con số lên tới gần 200%.
"Xé toang" chuỗi cung ứng, những động thái của Tổng thống Trump gây ra mối nguy nghiêm trọng đối với mô hình sản xuất của 4 nền kinh tế bởi họ phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ nơi khác và cũng phục vụ tệp khách hàng quá rộng lớn, trong đó có một bộ phận mà người Mỹ không tin tưởng. Ví dụ, các công ty Đài Loan sản xuất chip cho nhiều khách hàng Mỹ nhưng cũng phục vụ cả Huawei – công ty bị Mỹ cấm vận với cáo buộc gián điệp.
Đối mặt với tất cả những bất ổn này, 4 nền kinh tế có một vài lựa chọn, trong đó có đa dạng hóa khách hàng và sản phẩm. Đài Loan từ lâu đã hối thúc các công ty khai phá những thị trường mới nổi thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc.
Một lựa chọn khác là cố gắng chắp vá hệ thống thương mại toàn cầu. Trước năm 2000, 4 nền kinh tế chỉ tham gia 5 hiệp định thương mại khu vực, nhưng kể từ đó đến năm họ đã gia nhập 49 hiệp định khác nhau. Singapore là một trong những nước khởi xướng cả TPP và RCEP, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng rút cục thì 4 nền kinh tế có rất ít khả năng để có thể ngăn chặn 1 cuộc xung đột toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Và Hong Kong đang hứng chịu nhiều rủi ro nhất. Không chỉ có căng thẳng Mỹ - Trung, những rắc rối trong nội bộ châu Á như xung đột giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng gây ra không ít xáo trộn.
Trong bối cảnh hỗn loạn như hiện nay, khi các công ty ngày càng khó có thể biết được họ nên giao thương với ai và nên hoạt động ở đâu, kết luận của bà Tu là các công ty cần phải bám sát những gì họ có thể kiểm soát, mà trong trường hợp của Giant là "tính hiệu quả và tự động hóa".