4 “bậc thầy thao túng” trong thế giới các loài

Nguyệt Phạm |

Hóa ra trong thế giới của chúng ta cũng có rất nhiều 'bậc thầy thao túng' các loài khác.

Gần đây, cụm từ "thao túng tâm lý" được dùng như một câu nói trending mới của mạng xã hội. Lý do đằng sau xuất phát từ vụ việc của cô nàng Anna D. bị bóc phốt là dùng nhiều thân phận khác nhau để tiếp cận rồi thao túng tâm lý người khác để lừa tình, lừa tiền.

Trong thế giới của chúng ta cũng có nhiều loài có khả năng thao túng loài khác để phục vụ cho mục đích của chúng. Hãy cùng tìm hiểu xem đó là những loài nào nhé!

Loài ong biến nhện thành xác sống

Các nhà khoa học thuộc đại học British Columbia đã tình cờ phát hiện ra một sự thật kinh hoàng về một loài ong sống trong rừng Amzon. Đó là loại ong này hoàn toàn biến một loài nhện khác thành xác sống và điều khiến chúng. Theo tác giả của nghiên cứu, ông Philippe Fernandez-Fournier cho biết: "Việc loài ong thao túng hành vi của nhện đã từng được thấy trước đây nhưng ở mức độ của loài ong Zatypota đối với loài nhện Anelosimus eximius là chưa từng có".

4 “bậc thầy thao túng” trong thế giới các loài - Ảnh 1.

Loài ong Zatypota đã đẻ trứng bên trong thân của loài nhện Anelosimus eximius. (Ảnh: Star Inder)

Ông cũng chia sẻ thêm, trong quá trình nghiên cứu khoảng 25 loài nhện cộng đồng được phát hiện. Ông nhận thấy chúng đều sống tập trung thành một vùng lãnh thổ lớn, cùng nhau săn mồi. Thế nhưng một số con nhện sau khi bị nhiễm ký sinh trùng xuất hiện hành động lạ như tự rời khỏi cộng đồng, tự giăng tơ thành một cái kén bao quanh mình.

Sau khi điều tra, nhóm nghiên cứu đã tìm ra loài ong Zatypota (một chi ong Bắp cày) đã đẻ trứng bên trong thân của loài nhện Anelosimus eximius. Ấu trùng ong đã biến con nhện thành xác sống và điều khiển con nhện "tự sát", trước khi "tiêu thụ" hoàn toàn con nhện để trưởng thành. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí khoa học Ecological Entomology.

Đom đóm phát sáng để lừa bạn tình

Đom đóm là một loại côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát sáng. Chúng thường hoạt động về ban đêm. Con đực thường có cánh và có thể bay, còn con cái nhiều loài không có cánh. Đom đóm có thể phát sáng là nhờ phản ứng hoá học được gọi là phát quang sinh học. Do loại enzym luciferase tác động vào luceferin, với sự có mặt của các ion magie, ATP và oxi để tạo ra ánh sáng.

4 “bậc thầy thao túng” trong thế giới các loài - Ảnh 2.

Đom đóm cái của chi Photuris thường bắt chước kiểu phát sáng lập loè của những loài đom đóm khác nhằm mục đích săn mồi. (Ảnh: Baidu)

Ban đầu người ta cho rằng đom đóm phát sáng nhằm mục đích cảnh báo nhưng các nghiên cứu sau này cho thấy việc này là để giúp đom đóm lựa chọn bạn tình. Một số loài, đặc biệt là đom đóm thuộc các chi Photinus, Photuris và Pyractomena, được phân biệt bởi những kiểu lập lòe tán tỉnh duy nhất được phát ra từ những con đực đang bay trong cuộc tìm kiếm các con cái. Những con cái của chi Photinus không bay được, nhưng có thể phát sáng lập lòe để thu hút những con đực cùng loài.

Đặc biệt, đom đóm cái của chi Photuris thường bắt chước kiểu phát sáng lập loè của những loài đom đóm khác nhằm mục đích săn mồi. Chúng thường săn những con đom đóm đực Photinus nhỏ hơn. Những con đực bị thu hút và tưởng đó là bạn tình của mình nhưng đáng tiếc khi tìm tới nơi thì lại bị ăn thịt.

Phong lan "lừa tình" ong bắp cày

Theo các nhà nghiên cứu tại đại học Macquaire ở Sydney, Australia thì phong lan là loài thực vật duy nhất lừa ong đực "quan hệ" với nó. Phong lan tìm cách giả trang thành ong cái để quyến rũ những chú ong bắp cày lạc đường. Thậm chí, để ong bắp cày khó lòng phát hiện ra lớp ngụy trang của mình, phong lan còn tạo ra mùi hương giống con cái để dụ dỗ ong đực.

4 “bậc thầy thao túng” trong thế giới các loài - Ảnh 3.

Phong lan giả dạng mùi hương của ong cái để "dụ dỗ" ong đực. (Ảnh: Baidu)

Mục đích chính của những cây phong lan là để ong đực mang phấn của chúng trên cơ thể và đi thụ phấn cho những bông hoa khác. Điều thú vị là ong bắp cày đã bị lừa đi thụ phấn cho 5 loài phong lan khác nhau, thuộc nhóm Cryptostylis.

Hệ khuẩn chí đường ruột chi phối con người

Dù khó tin nhưng cộng đồng các vi sinh vật sống trong đường ruột của chúng ta đang có thể tác động tới toàn bộ sinh lý của con người. Các nhà khoa học của đại học Oxford đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là các loại thuộc Lactobacillus và Bifidobacterium có thể gây ảnh hưởng tới hành vi xã hội, lo âu, căng thẳng và các triệu chứng trầm cảm.

4 “bậc thầy thao túng” trong thế giới các loài - Ảnh 4.

Hệ khuẩn chí đường ruột thường chi phối hành vi của con người. (Ảnh: Baidu)

Trong nghiên cứu, việc bổ sung chủng lợi khuẩn Lactobacillus giúp cải thiện hành vi xã hội ở những con chuột bị stress, còn những con chuột không được bổ sung lợi khuẩn thì có biểu hiện hành vi xã hội bị suy yếu. Còn đối với con người, vi khuẩn đường ruột chi phối hành vi của chúng ta vì lợi ích của chúng. Ví dụ như chúng có thể khiến con người thay đổi hành vi ăn uống để cung cấp thức ăn cho vi khuẩn đường ruột, tạo cơ hội cho vi khuẩn lây truyền sang vật chủ mới.

*Bài viết được tổng hợp từ Star Inder, Ted talk.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại