4 bậc thầy "lừa đảo" đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên

Vũ Huế |

Nhìn đáng sợ hệt như rắn, nhưng thực chất chỉ là sâu. Cứ tưởng cục đá phủ rêu, ai dè lại là loài có độc và dữ dằn nhất dưới đáy biển. Ngó ngây thơ như nai, vậy mà đã lừa đảo lại còn cướp giật nữa.

Vì không tồn tại cái gọi là lòng thương hại giữa tự nhiên, nên các sinh vật buộc phải "sáng tạo" các chiến thuật sinh tồn. Trong khi một số trở nên nhanh nhẹn, mạnh mẽ hơn hoặc cam chịu gặm thức ăn thừa, một số khác lại bày trò... lừa đảo, đánh lừa tất cả mọi sinh vật khác.

1. Sâu giả dạng rắn – giống hệt rắn độc

Nếu bất thần nhìn thấy phần đầu con sâu giả dạng rắn này dưới một cành cây trong rừng, bạn sẽ giật thót. Nhưng ngay khi phát hiện phần thân ngắn ngủn của nó, bạn lại phải bật cười.

4 bậc thầy lừa đảo đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên - Ảnh 1.

Loại sâu giả dạng rắn ấy là ấu trùng của loài bướm đêm Amazon có tên Hemeroplanes triptolemus. Dù hình dạng trưởng thành của bướm H. triptolemus chẳng có gì đặc biệt, song lúc vẫn còn là sâu, nó đủ để dọa nhiều kẻ thù phải sợ chết khiếp.

Không chỉ có cái đầu hình tam giác như rắn độc, Hemeroplanes triptolemus còn giả dạng cả cặp mắt lẫn các vảy. Nếu cảm thấy "có biến", nó còn biết lúc lắc nửa thân giả rắn y như đầu rắn thật để lòe bịp nữa.

Cái độc đáo nhất ở sâu H. triptolemus là nửa "đầu rắn" ấy thật ra lại là... mặt sau (phần bụng). Chỉ khi nghỉ ngơi hoặc cảm thấy nguy hiểm, con sâu này mới xoay 180 độ hoặc ngửa đầu ra đằng sau, để lộ ra bộ hàm và cổ đầy đe dọa ấy. Chứ ở trạng thái bình thường, nó cũng y hệt như mọi con sâu ăn lá mà thôi.

4 bậc thầy lừa đảo đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên - Ảnh 2.

2. Cá mặt quỷ - cực nhanh và cực độc

Ngoại hình cá mặt quỷ xấu xí và dữ tợn vào hàng... khủng bố. Chúng đã sở hữu cái hàm rộng, bộ răng sắc, vậy mà lại còn được trang bị thêm cả vây lưng nhọn có độc.

Dù đầy "vũ khí", cá mặt quỷ lại không chọn trực diện tấn công. Nó khéo léo ngụy trang thành một cục đá vô hại giữa cụm san hô, kiên nhẫn chờ đợi.

4 bậc thầy lừa đảo đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên - Ảnh 3.

Khi một con mồi xấu số bơi qua, "cục đá" giả này sẽ há mỏ đớp với tốc độ nhanh kinh hoàng - chỉ 0,015 giây. Nhờ tốc độ và khả năng ngụy trang thần sầu ấy, nó thậm chí chẳng cần xài đến cái vây lưng chứa độc.

Cá mặt quỷ cũng chỉ "thần tốc" khi cần. Phần lớn thời gian còn lại, chúng nằm yên. Nếu có phải di chuyển, loài cá xấu kinh hồn này cũng bơi rất thong thả. Đúng là kẻ mạnh thì không cần phải vội!

3. Rắn Rinkhal – giả chết như thần

Rắn Rinkhal đích thực là loài "được voi đòi tiên", bởi dù có độc nhưng, nhưng chúng vẫn khoái giả dạng... rắn hổ mang.

Mỗi khi phải đối mặt với nguy hiểm, nó sẽ ngóc đầu lên cao, phè cổ ra và phun nọc độc. Nọc của rắn Rinkhal không mạnh như rắn hổ, chỉ gây sưng tấy, đau nhức chứ không quá nguy hiểm. Thế mới nói nó giả vờ là rắn hổ mang.

4 bậc thầy lừa đảo đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên - Ảnh 4.
4 bậc thầy lừa đảo đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên - Ảnh 5.

Nếu bắt chước nhà hổ mang mà vẫn chưa đạt hiệu quả, rắn Rinkhal vẫn còn chiến thuật dự phòng. Đó là giả chết. Nó sẽ lật ngược đầu, phơi hàm, há mỏ và nằm im như chết thật.

Chỉ với những kẻ săn mồi không chê cả xác chết, rắn Rinkhal mới miễn cưỡng nhổm dậy tấn công. Xét ra, dù là có độc, loài rắn này vẫn hiền lành chán!

4. Chèo bẻo Dicrurus adsimilis – vừa la làng vừa ăn cướp

Chèo bẻo Dicrurus adsimilis là loài chim phổ biến ở Châu Phi. Chúng thích ăn côn trùng nhưng lại lười đi bắt.

Để không làm mà vẫn có ăn, chèo bẻo Dicrurus adsimilis nỗ lực bắt chước âm thanh báo động của các loài khác.

Mỗi khi "tia" được con chim hoặc cầy nào đang tha mồi, chèo bẻo liền phát báo động giả. Vì hốt hoảng, một số "con ong chăm chỉ" sẽ đánh rơi miếng mồi và cắm cổ bỏ chạy. Lúc này, nó chỉ việc ra nhặt chiến loại phẩm thôi.

4 bậc thầy lừa đảo đáng sợ bậc nhất trong thế giới tự nhiên - Ảnh 6.

Nếu "đánh lừa" không được, chúng sẽ chuyển sang "đánh thật", cướp giật thẳng tay. Chúng thậm chí còn ới nhau "đánh hội đồng", hung hãn đến nỗi ngay cả diều hâu cũng phải chào thua.

Không dừng lại ở đó, chèo bẻo D. adsimilis biết cả giả tiếng gọi nhau của cú Glaucidium perlatum, để "triệu hồi" loài cú này "nhập trận". Mỗi lần phải đối mặt với kẻ thù lớn, chúng đều giở chiêu này, và trăm trận trăm thắng.

Tham khảo: Momtastic và Africageographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại