38 người thiệt mạng trong ngày đẫm máu nhất sau đảo chính ở Myanmar

Kiệt Linh |

Ít nhất 38 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong ngày hôm qua (3/3) - ngày đẫm máu nhất kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Trong những ngày qua, lực lượng an ninh Myanmar đang tiến hành chiến dịch đàn áp làn sóng biểu tình chống đảo chính.

Một người thiệt mạng trong chiến dịch đàn áp biểu tình ở Myanmar

Một người thiệt mạng trong chiến dịch đàn áp biểu tình ở Myanmar

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar – bà Christine Schraner Burgener đã thông báo về số thương vong nói trên trong bối cảnh có tin vị quan chức được chính quyền quân sự lựa chọn là đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc đã đột ngột từ chức.

Myanmar đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ khi quân đội chiếm quyền hôm 1/2 và bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự. Sau khi làn sóng biểu tình chống đảo chính nổ ra, các lực lượng an ninh Myanmar bắt đầu tiến hành đàn áp bằng vũ lực.

Bà Burgener – một nhà ngoại giao Thụy Sỹ được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bổ nhiệm vào vị trí giám sát Myanmar, cho biết tại một cuộc họp báo mới đây rằng, giới lãnh đạo quân sự đã từ chối đề nghị đến thăm Myanmar của bà.

Khi bà Burgener cảnh báo giới lãnh đạo quân sự của quốc gia Đông Nam Á về hậu quả của việc trở thành một đất nước bị quốc tế tẩy chay, những vị quan chức này đã nói rằng: “Chúng tôi đã quen với các biện pháp trừng phạt” và “Chúng tôi phải học cách tồn tại với chỉ một số ít bạn bè”.

Bà Burgener cũng cho biết, bà đã nhận được nhiều tin nhắn từ các công dân Myanmar ở bên trong nước này khẩn thiết cầu xin cộng đồng quốc tế hãy hành động để chấm dứt cuộc đàn áp và giúp phóng thích những nhà lãnh đạo dân sự đang bị quân đội Myanmar bắt giữ.

“Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính. Chỉ riêng hôm nay, 38 người đã chết”, bà Burgener hôm qua cho hay. Trước đó, hôm Chủ nhật (28/2), đã có 18 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ - Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng Ba, dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp vào ngày mai (5/3) để bàn thảo về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Vụ đàn áp đẫm máu người biểu tình ở Myanmar cũng diễn ra vào thời điểm có những lùm xùm về vị trí Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Cụ thể, Đại sứ Kyaw Moe Tun mới đây đã lên án cuộc đảo chính ở Myanmar. Hành động của Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc được nhiều nhà ngoại giao và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ca ngợi là hành động anh hùng. Tuy nhiên, chính quyền quân sự lại thẳng tay tuyên bố cách chức Đại sứ Kyaw Moe Tun và bổ nhiệm Phó Đại sứ Tin Maung Naing vào vị trí quyền Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc.

Trong một diễn biến bất ngờ, ngày hôm qua, ông Tin Maung Naing đã thông báo qua Facebook rằng ông từ chức nhưng không đưa ra bất kỳ lý do nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại