Ngày 23/6, cả thế giới xôn xao trước vụ tai nạn thảm khốc của tàu lặn Titan. Có 5 hành khách thiệt mạng trong chuyến tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland (Canada) khoảng 600 km.
Khi mọi việc chưa ngã ngũ, James Cameron - đạo diễn Titanic (1997) – thẳng thắn bình luận về sự kiện trong một cuộc phỏng vấn. Ông gây tranh cãi khi so sánh vụ nổ của tàu lặn Titan với thảm kịch Titanic xảy ra cách đây hơn 100 năm.
Đạo diễn của những tranh cãi
Trên ABC News , James Cameron không ngại chỉ ra điểm giống nhau giữa 2 thảm họa. Theo ông, đó là việc “thuyền trưởng liên tục được cảnh báo về băng phía trước con tàu, nhưng lại lao hết tốc lực vào 'cánh đồng băng' trong đêm không trăng và hậu quả là nhiều người thiệt mạng”.
Đạo diễn sinh năm 1954 còn “cường điệu hóa” vụ nổ tàu Titan khi nhận xét sự giống nhau này có phần kỳ quái, đáng kinh ngạc. “Chưa bao giờ có trường hợp tử vong ở độ sâu như thế, chắc chắn chưa có vụ nổ nào xảy ra trước đó”, ông nói.
Lập tức, James Cameron bị nhiều khán giả chỉ trích. Phần lớn cho rằng bình luận này có thể khiến dư luận hoang mang, đồng thời tạo ra tâm lý sợ hãi với các nhà thám hiểm.
James Cameron là người làm nên thành công của phim Titanic - thắng 11 tượng vàng Oscar 1998.
Đây không phải là lần đầu James Cameron có phát ngôn gây tranh cãi. Đạo diễn Canada nổi tiếng với nhiều bom tấn đình đám ở Hollywood nhưng cũng thường xuyên là tâm điểm chỉ trích của dư luận.
Năm 2017, James Cameron khiến nhiều người phẫn nộ khi lên tiếng chê bai bộ phim Wonder Woman của nữ đạo diễn Patty Jenkins.
Cụ thể, trong một phỏng vấn trên tờ The Guardian , đạo diễn Titanic thẳng thắn nhận xét đây là một bước thụt lùi của ngành điện ảnh thế giới. Ông cho rằng: “Tất cả lời tâng bốc dành cho Wonder Woman khiến mọi người hiểu nhầm đây là bộ phim xuất sắc. Cô ấy chỉ là biểu tượng cũ kỹ, được tạo ra bởi những người đàn ông của Hollywood”.
Ngay lập tức, nhiều khán giả cho rằng James Cameron đang có thái độ phân biệt giới tính. Ông cũng không tử tế khi lên tiếng chê bai đồng nghiệp, chưa kể lại là đàn em.
Sau đó, chính Patty Jenkins đã phải lên tiếng phản bác bình luận về mình. Bà khẳng định: “James Cameron không có khả năng thấu hiểu Wonder Woman hoặc ý nghĩa đằng sau đó. Mặc dù ông ấy là nhà làm phim vĩ đại nhưng ông ấy không phải là phụ nữ”.
Ngoài ra, James Cameron cũng từng đối diện làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ phía khán giả. Năm 2010, đạo diễn bị “ném đá” vì yêu cầu các bộ lạc người Mỹ bản địa nên "chiến đấu mạnh mẽ hơn" để chống lại nạn diệt chủng. Phát ngôn đụng chạm đến người bản địa khiến Avatar (2009) bị nhiều người quay lưng.
13 năm sau, Avatar 2 tiếp tục bị tẩy chay. James Cameron vướng cáo buộc phân biệt chủng tộc, không tôn trọng văn hóa bản địa. Cách xây dựng cốt truyện của ông thì hoàn toàn “vô cảm”.
Trước phát ngôn về tàu Titan, James Cameron từng bị khán giả phản đối một vài lần.
Niềm đam mê bất tận với đại dương
Dường như người hâm mộ đều biết James Cameron vốn là người có đam mê lặn biển, dù ông lớn lên ở Ontario (Canada), nơi cách xa đại dương đến hàng trăm km.
Đạo diễn từng chia sẻ điều này với National Geographic , cho biết đã bắt đầu lặn biển từ năm 17 tuổi, càng lớn lại càng yêu thích hơn.
Nhà làm phim nhiều lần tự lặn xuống đáy biển để khám phá xác tàu Titanic trong quá trình thực hiện bom tấn Titanic , cũng như phim tài liệu Ghosts of the Abyss (2003) kể lại vụ thảm họa đáng buồn. Theo Variety , James Cameron đã thực hiện tổng cộng 33 chuyến thám hiểm dưới biển sâu.
Bên cạnh đó, đạo diễn còn viết một cuốn sách về chủ đề đại dương, mang tên Exploring the Deep , xuất bản năm 2017. Tác phẩm tổng hợp những bức ảnh, bản đồ và kể lại trải nghiệm của Cameron sau mỗi lần khám phá xác tàu Titanic.
Theo CNN , James Cameron tích lũy nhiều kinh nghiệm với đam mê lặn biển của mình. Đạo diễn có tàu ngầm riêng, từng chinh phục rãnh New Britain sâu hơn 8 km.
Ông cũng lặn đến điểm sâu nhất của Trái Đất là vực thẳm Challenger thuộc rãnh Mariana ở Thái Bình Dương, có độ sâu hơn 10 km. Đồng thời, đạo diễn còn phá kỷ lục về chuyến lặn một mình dài nhất thế giới khi dành hơn 3 tiếng đồng hồ dưới đáy biển.
James Cameron đứng trước tàu lặn một người mang tên Deepsea Challenger trong một sự kiện năm 2013.
James Cameron so sánh việc khám phá đáy biển chẳng khác gì thám hiểm không gian vũ trụ: “Đó là một nơi rất âm u, rất hoang vắng, rất cô lập”. Đạo diễn cảm thấy mình như đến được một hành tinh khác. “Có một biên giới rộng lớn dưới đó mà chúng ta sẽ phải mất một thời gian mới hiểu được”, ông nói.
Gần nhất, James Cameron vừa trở lại điện ảnh với tác phẩm Avatar 2. Toàn bộ bối cảnh phim được quay dưới nước, như một cách thể hiện tình yêu với đại dương. Quá trình ấp ủ và thực hiện dự án mất nhiều năm dài, ngốn đến hàng trăm triệu USD.
Chính những kinh nghiệm và kiến thức của bản thân đã giúp James Cameron tự tin khi phát ngôn về tàu Titan. Song, sự tự tin của đạo diễn có phần hơi thái quá và chưa thực sự đúng lúc đúng chỗ, nhất là khi thảm họa tàu Titan vẫn đang khiến cả thế giới bàng hoàng.