Tối 15-12, lãnh đạo UBND phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định) xác nhận núi Bà Hòa ở địa phương này bị sạt lở nghiêm trọng, vùi chết cháu Nguyễn Tuấn Khang (11 tuổi), con của ông Nguyễn Minh Vũ, ở khu vực 1, phường Đống Đa. Địa phương vận động, hỗ trợ các gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao tạm thời sơ tán đến nơi khác.
Bình Định kêu gọi hỗ trợ
“Hiện cũng đã có ít nhất gần 30 xã ở Bình Định bị lũ cô lập. Do phải chống chọi với bốn đợt lũ lớn liên tiếp nên người dân các vùng này đang hết sức khó khăn, cần sự cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm”.
Chiều 15-12, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tình hình mưa lũ ở tỉnh này đang hết sức nguy cấp.
Ông Châu thông tin trong hai ngày qua, tỉnh Bình Định đã cứu trợ 1.100 tấn gạo đến các hộ dân bị cô lập trong lũ.
UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương trợ giúp mì ăn liền, nước uống đến người dân các vùng không thể di chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, số hộ gia đình bị lũ cô lập ngày càng tăng nhanh do lũ bao vây khắp nơi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng đã có thư kêu gọi ủng hộ người dân vùng lũ bởi đời sống của hàng chục ngàn người dân vùng ngập lũ tỉnh Bình Định đang hết sức khó khăn, thiếu thốn, rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất (đến nay tỉnh có 18 người chết, hàng chục người bị thương; hơn 300 ngôi nhà bị sập, trên 14.000 ha lúa đông xuân đang gieo sạ bị hư hỏng hoàn toàn… Ước tính tổng thiệt hại trên 1.000 tỉ đồng - PV).
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể cháu Khang ra ngoài. Ảnh: NGUYỄN HỒNG PHÚC/BĐO
Quảng Ngãi: Đỉnh lũ xấp xỉ mốc lịch sử năm 2013
Lúc 16 giờ 30 cùng ngày ở Quảng Ngãi đã có 2.000 hộ dân ở vùng ngập sâu, nhà cửa tạm bợ được di dời đến nhà kiên cố, trường học, UBND xã và những gò cao để tránh lũ.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, trong đêm 15-12, lũ các sông tiếp tục dâng cao. Mực nước sông Vệ lên đến trên báo động 3, khoảng 1,3 m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2013 khoảng 0,2 m...
Công ty Vệ sinh môi trường đô thị đã điều nhân viên tỏa đi các điểm bị ngập để tháo nắp hố ga, căng tạm những biển cảnh báo để người qua lại không bị trượt ngã.
TP cũng cho biết mưa lũ cũng đã làm ông Nguyễn Giằng (sinh năm 1959) tử vong khi đang đi trên đường, bị gió đẩy mạnh ngã xuống kênh.
Cảnh báo lũ lớn từ Huế đến Phú Yên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình lũ còn diễn biến rất phức tạp.
Sáng nay (16-12), lũ trên các sông ở Thừa Thiên-Huế lên chậm; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục lên nhanh; các sông ở Phú Yên lên lại.
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông.
Mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu Bộ TN&MT chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân.
UBND các tỉnh, TP theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và cấp báo động; rà soát các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân đi lại an toàn trong vùng ngập lũ; căn cứ tình hình cụ thể quyết định cho học sinh ở các vùng bị ngập sâu, chia cắt nghỉ học để bảo đảm an toàn.