Sáng nay, khoảng 100 người là chủ gần 30 doanh nghiệp kinh doanh vận tải mới được điều chuyển về bến xe Nước Ngầm đã tiếp tục có mặt tại Sở GTVT Hà Nội để phản đối việc điều chuyển luồng tuyến.
Đại diện doanh nghiệp Phiệt Học cho biết, trong 10 ngày tới, tất cả các doanh nghiệp sẽ tổ chức, thống kê lại các thiệt hại để yêu cầu ai ký quyết định điều chuyển sai với thông tư, làm trái phải bồi thường.
"Chúng tôi sẽ thực hiện theo luật doanh nghiệp và nếu như các cơ quan chức năng không tiến hành bồi thường thì chúng tôi sẽ khởi kiện ra tòa đối với những quyết định sai gây thiệt hại cho doanh nghiệp", đại diện doanh nghiệp Phiệt Học nêu rõ.
Đại diện một doanh nghiệp tuyến Hà Nội – Nam Định cho biết, từ khi chuyển sang bến xe Nước Ngầm, xe cao điểm nhất cũng chỉ có 6, 7 khách. Trừ chi phí xăng dầu, cầu phà, lương lái xe, phụ xe… thì xe liên tục lỗ.
Ông Phạm Văn Túy, đại diện doanh nghiệp Tuấn Phát (Giao Thủy - Nam Định) chia sẻ: "Qua sự điều chuyển, tôi thấy HN làm rất vội, không cho chúng tôi biết thời gian điều chuyển để nhà xe, doanh nghiệp sắp xếp được lộ trình".
Theo ông Túy, Sở thông báo từ ngày 25/12/2016 và yêu cầu đến ngày 31/12/2016, nhà xe Nam Định phải rời bến Mỹ Đình về Nước Ngầm.
Hình ảnh các nhà xe đưa xe lên phản đối tại trạm thu phí Pháp Vân hồi đầu tháng 3 vừa qua.
"Việc này tôi không nhất trí và tại hội nghị ngày 1/3 vừa qua, UBND TP, Sở GTVT có cho biết sẽ ra quân dẹp xe dù, bến cóc, điều này, tôi dám khẳng định, nếu Sở GTVT Hà Nội mà làm được, dẹp được xe dù bến cóc thì tôi sẽ cho thêm tiền để làm.
Các đồng chí cứ đứng ở đường trên cao hoặc đường Phạm Hùng thì sẽ thấy xe dù, bến cóc hoạt động như thế nào. Các đồng chí cấm được 300 xe xuyên tâm thì lại mở ra cho hàng trăm xe dù, bến cóc hoạt động.
Chúng tôi đóng thuế cho nhà nước thì chịu thiệt thòi trong khi xe dù chạy ngay trước mắt...", ông Túy nêu rõ.
Đại diện doanh nghiệp này cũng bày tỏ, nguyện vọng của các đơn vị là được chuyển trở lại bến Mỹ Đình hoạt động, đồng thời, việc điều chuyển cần phải được báo trước.
"Các đồng chí nói là tăng cường xe buýt nhưng bến nước Ngầm không thể làm được vì bến bãi không đáp ứng được, bên cạnh đó, đường xung quanh đều là cao tốc cả...
Nguyện vọng của chúng tôi tha thiết với UBND TP Hà Nội có thể tạm thời thu hồi quyết định điều chuyển, để các nhà xe tạm thời về lại bến Mỹ Đình một, hai năm", ông Túy đề nghị.
Còn đại diện một nhà xe Thái Bình cũng nêu rõ, vấn đề xe dù, bến cóc không bao giờ giải quyết được, bởi tất cả đã có vấn đề.
"Các đồng chí không thể làm nổi mà chỉ có xe tuyến chạy thì mới biết được xe nào là xe dù", đại diện nhà xe này chỉ ra.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho hay, hiện các ý kiến của doanh nghiệp đã được Bộ GTVT thống nhất với TP Hà Nội trình lên Thủ tướng. Tuy nhiên, đến thời điểm này Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo tiếp.
"Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của thành phố đang tích cực kiểm soát, xử lý nạn xe dù, bến cóc, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải", ông Quang thông tin thêm.
Sở GTVT Hà Nội yêu cầu, các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải và chủ trương sắp xếp luồng tuyến đã được Bộ GTVT và TP thống nhất. Tất cả các kiến nghị doanh nghiệp có thể tập hợp, gửi đến cơ quan chức năng để giải quyết.
"Tất cả phải tập trung vì lợi ích của Nhân dân, thành phố trước hết", ông Quang nhấn mạnh.