Bức tường Berlin bị sụp đổ trong đêm 9-11-1989. Ngày 3-10-1990, nước CHDC Đức đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sáp nhập vào CHLB Đức, một thành viên của NATO. Sau này, một số nhà phân tích cho rằng, có một nhân vật đứng sau hậu trường đã "hy sinh" CHDC Đức, đổi lấy viện trợ của Mỹ và CHLB Đức để cứu "cải tổ".
Đó là Mikhain Gorbachev, Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên Xô.
"Tư duy mới" của Gorbachev
Liên Xô, dưới thời Gorbachev (1985-1991), đã có những thay đổi đáng kể trong đường lối đối ngoại.
Gorbachev tiếp xúc với phương Tây rất sớm. Ngày 4-11-1981, Gorbachev đã tiếp J.Cristal, theo thông báo chính thức, là chuyên gia về nông nghiệp và "nhà hoạt động xã hội" của Mỹ.
Vào giữa tháng 11-1983, thông qua con đường công khai và không công khai, Gorbachev đã tiếp xúc với người của RAND Coporation, một tổ chức nghiên cứu "Xô viết học" của Mỹ, là tổ chức chuyên nghiên cứu thông tin tình báo để chống phá Liên Xô.
Trong số đó có John Brown, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong những năm 1977 – 1981 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và vào thời điểm đó đang là thành viên của Hội đồng Bảo trợ thuộc RAND Coporation.
Tại Mỹ lúc đó, chiến tranh tâm lý chống Liên Xô được triển khai ở cấp quốc gia. Ngân sách chỉ trong năm tài chính 1983 của Mỹ cấp cho Vụ "Các vấn đề nội bộ Liên Xô" của Trung tâm RAND Corporation (Mỹ) là 13,5 tỷ USD.
Mỹ cũng đã xây dựng cả một ngành khoa học gọi là ngành "Kremli học" chuyên nghiên cứu những đặc điểm cá nhân và những khả năng tiềm ẩn của những nhân vật chủ chốt trong giới lãnh đạo ở Liên Xô. Trong những năm 1980, Mỹ bắt đầu tăng cường mọi nỗ lực điều khiển ban lãnh đạo cao nhất của Liên Xô để bắt những nhân vật đó hành động theo ý mình.
Việc Gorbachev tiếp xúc với người của RAND Coporation để làm gì cho đến nay vẫn là một sự bí ẩn. Tuy nhiên, những hành động của phương Tây và Gorbachev sau này có thể làm cho chúng ta đoán được một phần sự thật.
Tháng 6-1984, Gorbachev dẫn đầu đoàn đại biểu sang Italia dự đám tang của Enrico Berlinguer, lãnh đạo Đảng Cộng sản Italia, người có xu hướng cải cách và thoả hiệp với giai cấp tư sản. Gorbachev đã đọc điếu văn cho Enrico Berlinguer, trong đó có đoạn: "Enrico thân mến, chúng tôi sẽ không bao giờ quên những lời khuyên của anh về sự cần thiết dân chủ hóa đất nước chúng tôi!"
Đây là một sự "đánh tiếng" rõ ràng của Gorbachev dành cho Mỹ và phương Tây. Bởi thế, tháng 12-1984, Gorbachev đẫn đầu đoàn đại biểu tới Anh và ngay lập tức được Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thừa nhận ông là một người Nga có "phong cách mới" và tuyên bố: "Chúng ta có thể hợp tác với nhau".
Tại Anh, Gorbachev cũng đã tuyên bố: "Châu Âu là ngôi nhà chung". Bộ Ngoại giao Anh và Văn phòng "Khối thịnh vượng chung" công nhận Gorbachev là "người mà họ muốn tiếp xúc và có quan hệ ở Kremli".
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ảnh: tư liệu
Gorbachev là vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đi ra nước ngoài nhiều nhất. Theo ghi chép của V.Medvedev, cận vệ của Gorbachev, trong vòng 6 năm (1985 – 1991), Gorbachev đã thực hiện 40 chuyến đi đến 26 nước.
Trong đó, số chuyến đi sang các nước phương Tây chiếm một nửa (21 chuyến đi): Pháp (4 lần), Mỹ (3 lần), Phần Lan, Cộng Hoà Liên Bang Đức, Italia, Anh (2 lần), Thuỵ Sỹ, Iceland, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Na Uy (1 lần). Những chuyến đi này góp phần khiến nhận thức của Gorbachev dần ngả theo phương Tây.
Vào tháng 5-1993, sau khi Liên Xô sụp đổ, Gorbachev đến Pháp và nhận trả lời phỏng vấn báo "Le Figaro" và lần đầu tiên công nhận rằng trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tại Reykjavik (Iceland) vào năm 1986, ông ta đã "trao" Liên Xô vào tay Mỹ.
Nguyên văn câu trả lời của Gorbachev như sau: "Trong cuộc gặp cấp cao này, chúng tôi đã tiến xa tới mức không thể quay trở lại…"
Khi đã ngồi yên vị ở cương vị nguyên thủ quốc gia rồi, Gorbachev đã không chuyển lại cho Bộ Chính trị xem biên bản ghi chép nội dung các cuộc trò chuyện của ông ta trong các chuyến ra thăm nước ngoài nữa. Thông thường, theo truyền thống, việc làm này là nguyên tắc bắt buộc vì nguyên thủ quốc gia không thể có chuyện riêng tư trong các chuyến công tác xuất ngoại...
Khi KGB thông qua con đường nghiệp vụ thu thập được những biên bản đó, họ đã phải kinh ngạc trước lời lẽ và những thỏa thuận của Gorbachev với các nhà lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây khác.
Đặc biệt, Gorbachev đã bị Tổng thống Mỹ Ronald Reagan "bắt bài" về tính cấp tiến trong tư tưởng của ông ta. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng đã viết trong Hồi ký của mình như sau:
"Từ tám tháng trước ngày Gorbachev nhậm chức, tôi và ông ta đã bí mật trao đổi tài liệu, qua đó tôi nhận thấy rằng ông ta không giống như một số vị lãnh đạo Liên Xô trước đây mà tôi từng biết. Ông ta là một người Nga rất khác thường… lúc tôi bắt tay ông Gorbachev và quan sát kỹ nụ cười của ông ấy, từ trong lòng tôi đã nhận thấy rằng, nhận xét của mình là đúng. Cảm giác vui sướng tràn ngập khắp người tôi. Dự định của tôi có thể sẽ thành công".
Ngoại trưởng Mỹ James Baker, dưới thời Tổng thống George H. W. Bush (cha) đã vui mừng nhận xét rằng: "Ông ta (Gorbachev) đang trên đường đến với chúng ta, thì cứ để ông ta đi tiếp".
Ngày 11-3-1985, Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Năm 1987, Gorbachev đưa ra "tư duy mới" trong chính sách đối ngoại của Liên Xô.
Gorbachev phát biểu rằng: "Khi xây dựng chính sách của mình trên nền tảng tư duy mới, chúng tôi hoàn toàn không muốn giam hãm mình trong vòng những ý niệm đã quen thuộc đối với chúng tôi và cái ngôn ngữ chính trị vốn có đối với chúng tôi".
Đối với Đông Âu, Gorbachev đã từ bỏ những mối quan hệ vốn đã trở nên truyền thống và mang ý nghĩa lợi ích chiến lược của Liên Xô. Kể từ 1987, Perestroika (cải tổ) của Gorbachev đã tạo ra sự mâu thuẫn trong tất cả các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu về đường lối phát triển đất nước.
Liên Xô đã rút quân đội, khí tài quân sự của mình ra khỏi Đông Âu một cách vội vã, gần như là một cuộc "tháo chạy".
Tiếp đó, tháng 10/1989, Gorbachev đã giao cho Ngoại trưởng Shevarnadze trách nhiệm tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia trong khối quân sự Warszawa (tại Ba Lan) rằng Liên Xô bác bỏ "chủ thuyết Brezhnev", không can dự vào công việc của các quốc gia Đông Âu nữa.
Sau đó, Liên Xô đã rút quân đội, khí tài quân sự của mình ra khỏi Đông Âu một cách vội vã, gần như là một cuộc "tháo chạy".
Cuối năm 1991, khi Liên Xô bên bờ vực tan rã, Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhân chuyến công cán đến Nga, đã nói với V.Putin, lúc đó là trợ lý đối ngoại về vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Annatoly Sobtchak - Chủ tịch Xô Viết thành phố Saint Petersburg:
"Ông biết không bấy giờ người ta đang phê phán tôi về quan hệ của tôi đối với Liên bang Xô Viết. Tôi cho rằng, Liên Xô không nên rút khỏi Đông Âu một cách vội vã như thế. Chúng ta đã làm các lực lượng trên thế giới này thay đổi quá nhanh và điều này có thể dẫn đến những hậu quả không đáng mong đợi".
"Giờ thì người ta cho rằng tôi đã dự đoán sai lầm. Người ta bảo, đấy, Liên Xô đã đi rồi, mọi chuyện vẫn bình thường cả chứ, vậy mà ông bảo không thể nào làm được. Tôi quả thực đã cho là không thể làm được như thế".
Suy nghĩ một lát, Kissingger nói tiếp: "Thú thực là, tới bây giờ tôi vẫn không hiểu, vì sao Gorbachev lại làm như vậy".
Erich Honecker, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức đã đau xót nói rằng:
"Những khái niệm cải tổ và công khai đối với công dân Liên Xô ngày càng trở nên đồng nghĩa với sự bần cùng hoá và điêu đứng. Những tư tưởng của cuốn sách "Cải tổ và tư duy mới đối với nước ta và trên thế giới" - như ngày nay người ta đã rõ - lại có tác động khác hẳn với suy nghĩ với nhiều người lúc đó".
"Chúng làm suy yếu Liên Xô, làm xói mòn trật tự kỷ cương trong xã hội, trong Nhà nước, mà ngay cả trong chủ nghĩa tư bản cũng không hề có. Những hậu quả của sự suy thoái của Liên Xô với quy mô của chúng mà ngày nay còn chưa lường trước được".
"Đối với đế quốc thì quả là đã mở ra những khả năng để bành trướng và kiếm lợi nhuận tối đa, nhưng đối với loài người là sự mất an toàn, các cuộc chiến tranh, nạn thất nghiệp gia tăng, dòng người di tản từ Đông sang Tây và rất nhiều điều khác nữa".
Erich Honecker, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức. Ảnh: Tư liệu
Đó là những lời trong "Những ghi chép từ nhà tù Môabít", cuốn sách cuối cùng của Honecker. Trong cuốn sách này, Erich Honecker tập trung phân tích nguyên nhân vì sao chủ nghĩa xã hội ở Cộng hoà Dân chủ Đức, ở Liên Xô và ở Đông Âu thất bại. Đặc biệt trong phần "Một người bạn biến mất" đã đề cập đến sự phản bội Cộng hoà Dân chủ Đức của Gorbachev.
"Bán" CHDC Đức để lấy viện trợ cho "cải tổ"
Ngày 23-4-1987, Erich Honecker tuyên bố đất nước mình sẽ không theo kiểu mẫu "cải tổ" và "tư duy mới" của Liên Xô. Erich Honecker đã chỉ trích Gorbachev có ý định "viết lại lịch sử Xô viết theo đường lối tư sản".
Ngày 12-6-1987, để "mua chuộc" Gorbachev, trong bài diễn văn trước Cổng Brandenburg, CHLB Đức, Ronald Reagan, Tổng thống Mỹ lúc đó đã bày tỏ muốn Gorbachev phá dỡ bức tường Berlin.
Ronald Reagan kêu gọi: "Tổng Bí thư Gorbachev, nếu ông kiếm tìm hòa bình, nếu ông tìm kiếm sự thịnh vượng cho Liên Xô và Đông Âu, nếu ông mong tìm sự giải phóng, hãy đến đây nơi cổng này. Ông Gorbachev, hãy mở cổng này. Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!".
Cũng trong tháng 6-1987, Tổng thống CHLB Đức Richard Von Weizacken thăm Moscow đã khéo léo đề cập vấn đề tái thống nhất nước Đức nhưng Gorbachev nói đây là vấn đề "chưa chín muồi", "phải thận trọng", "cần bàn thảo trong tương lai xa".
Tháng 5-1989, trong một chuyến viếng thăm chính thức tới Trung Quốc, được hỏi về ý kiến về Vạn Lý Trường Thành, Gorbachev đã nói: "Đó là một công trình đẹp… nhưng đã có quá nhiều bức tường giữa con người". Một nhà báo hỏi, "Ông có muốn Bức tường Berlin bị phá bỏ?", Gorbachev trả lời: "Tại sao không?"
Tháng 6-1989, trong chuyến thăm CHLB Đức, khi thảo luận về vấn đề thống nhất nước Đức, Gorbachev và thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl đều đã tuyên bố: "Đó là vấn đề của thế kỷ 21".
Ngày 7-10-1989, tại CHDC Đức, Gorbachev nói: "Cuộc sống sẽ trừng phạt những người tụt hậu". Đến ngày 18-10-1989, Erich Honecker bị bãi nhiệm khỏi chức vụ Đảng và Nhà nước của CHDC Đức.
Ngày 31-10-1989, Egon Krenz, Tổng Bí thư Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), người thay thế Erich Honecker thông báo trước Bộ Chính trị tình hình kinh tế của CHDC Đức đã có dấu hiệu ảm đạm, năng suất lao động giảm ít nhất 40% so với CHLB Đức và trong cuộc họp có ý kiến đưa ra là có nên nhờ CHLB Đức viện trợ 3 tỷ mark hằng năm theo "gợi ý" của Gorbachev không bởi nếu không sẽ dẫn đến sự sụp đổ về mặt tài chính.
Ngày 1-11-1989, Egon Krenz, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED) đến Kremlin hội kiến Gorbachev và mang theo những lời cảnh báo cực kỳ ảm đạm: Kinh tế CHDC Đức bên bờ vực sụp đổ và không thể trả lãi cho những món nợ khổng lồ, mức sống của người dân cũng giảm 30%.
Cộng với đó, biểu tình, sự thất vọng trong Đảng, cộng đồng xã hội chủ nghĩa tan rã, lực lượng chống xã hội chủ nghĩa trỗi dậy, CHLB Đức chống phá CHDC Đức. Ông yêu cầu Liên Xô giúp đỡ. Egon Krenz hỏi Gorbachev rằng: "Đông Đức và Tây Đức ở vị trí nào trong ngôi nhà chung châu Âu?"
Tuy nhiên, câu trả lời mà Egon Krenz nhận được từ Gorbachev là hãy "tự giải quyết chuyện nội bộ" và khuyên CHDC Đức nên "nuôi dưỡng" và "không ngừng tăng cường quan hệ" với CHLB Đức để nhận viện trợ từ nước này.
Tổng Bí thư Đảng XHCN Thống nhất Đức thực sự bị sốc. Nhưng ông đã không ngờ được rằng chính sách kinh tế của Gorbachev đã dần đưa nền kinh tế Liên Xô tới bờ vực thảm hoạ.
Đến năm 1989, tổng sản phẩm quốc dân Liên Xô giảm 4 - 5%, năng suất lao động xã hội giảm 2,5%, thâm hụt mậu dịch lên tới 5 tỉ USD, nợ nước ngoài 58 tỷ USD; sản lượng lương thực của Liên Xô chỉ đạt 190 triệu tấn (trong kế hoạch phải đạt 220 triệu tấn) và phải nhập 45 triệu tấn lương thực; hàng tiêu dùng trong nước khan hiếm nghiêm trọng, trong 1200 loại hàng chủ yếu trên thị truờng chỉ có 200 loại có thể bảo đảm cung ứng trong khi số tiền tồn đọng trong nhân dân tới 200 tỷ rúp.
Liên Xô phải tái lập hệ thống phân phối thời chiến tranh.
Người dân xếp hàng để mua nhu yếu phẩm. Ảnh: Corbis.
Không lâu sau đó, Gorbachev ban hành chỉ thị nhắc nhở các viên tướng của ông ta rằng binh sĩ Liên Xô không được dính líu đến cuộc xung đột giữa chính quyền ở Berlin và các công dân CHDC Đức dưới bất kỳ tình huống nào. Liền sau đó là sự kiện bức tường Berlin bị sụp đổ trong đêm 9-11-1989.
Khi đó, các nhân viên an ninh biên giới CHDC Đức, bị áp đảo bởi các đám đông lên tới trên 10.000 người, đã buộc phải mở các cánh cửa sang Tây Berlin, cho phép mọi người đi qua tự do lần đầu tiên trong 28 năm kể từ khi bức tường được xây dựng. Bức tường Berlin cũng đã bắt đầu bị phá hủy cùng ngày.
Trong bài viết cho hãng Reuters nhân dịp 25 năm bức tường sụp đổ, nhà báo Nina Khrushcheva, cháu gái của cố lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tiết lộ, Gorbachev đã kể với bà rằng nhà lãnh đạo Romania Nicolai Ceausecu cũng từng yêu cầu Moscow đưa xe tăng đến bảo vệ bức tường.
"Nhưng tôi đã hứa với George (Tổng thống Mỹ George H.W.Bush) rằng Kremlin sẽ không can thiệp", bà Khrushcheva dẫn lại lời ông Gorbachev.
Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11/1991. Ảnh: Carol Guzy/The Washington Post via Getty Images
Tuy nhiên, khi chưa nhận được viện trợ của phương Tây, Gorbachev vẫn chưa muốn nhân nhượng về vấn đề Đức.
Đầu tháng 12-1989, tại cuộc họp báo ở Italia trước khi bay đi Malta để chấm dứt "Chiến tranh Lạnh", Gorbachev còn tuyên bố dõng dạc rằng: "Việc thống nhất nước Đức phải là kết quả cuối cùng của quá trình biển đổi dần dần không khí chính trị tại châu Âu, khi mà cả hai khối NATO và Warszawa đều đã được giải tán hoặc sáp nhập theo thỏa thuận của hai bên".
Gorbachev tuyên bố học thuyết Brezhnev không còn tồn tại khiến Mỹ và CHLB Đức không khỏi vui mừng.
Ngày 3-12-1989, tại Malta, Gorbachev tuyên bố học thuyết Brezhnev không còn tồn tại khiến Mỹ và CHLB Đức không khỏi vui mừng. Gorbachev mong muốn Mỹ sẽ ủng hộ ông ta về mặt cải tổ và cả kinh tế.
Liền sau đó, Mỹ đã đẩy mạnh công tác phá hoại tại các nước Đông Âu. Ngoại trưởng Mỹ James Baker viết: "Chúng ta phải phấn đấu giành lấy tối đa những cái có thể, trong khi Gorbachev còn nắm quyền, nhằm củng cố những biến động đang diễn ra. Chúng ta biết là Gorbachev đang sẵn sàng nhượng bộ".
Ngày 21-1-1990, trong báo cáo đưa ra tại Bộ Chính trị, Gorbachev hoan nghênh Tổng thống Mỹ George H. W. Bush (cha) sẵn sàng có sự giúp đỡ cụ thể trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Nhưng sau đó chẳng có sự giúp đỡ nào khiến Gorbachev tức giận, phải quay sang nhờ vả CHLB Đức.
Vào tháng 2-1990, trong cuộc gặp với Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl tại Bắc Kakaz, Gorbachev đã nói thẳng rằng CHDC Đức có thể trở thành một bộ phận của CHLB Đức và để đạt mục tiêu này là "một việc quá dễ dàng". Đổi lại, Liên Xô muốn được CHLB Đức cấp cho một số tiền lớn để xây nhà tại Liên Xô cho các quân nhân đóng ở CHDC Đức khi họ rút về.
Bên cạnh đó Gorbachev cũng tỏ ra thỏa mãn khi CHLB Đức hứa sẽ hạn chế tối đa sự có mặt quân đội tại lãnh thổ CHDC Đức trước đây. Ngay sau đó, CHLB Đức đã đẩy mạnh quá trình hợp nhất hóa nước Đức trong khi Mỹ gây sức ép để Gorbachev gọi nguyên soái Akhromeev và binh lính Xô viết đóng tại CHDC Đức về nước.
Tháng 4-1990, Liên minh vì nước Đức, Đảng CDU được Mỹ và CHLB Đức hậu thuẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử tại CHDC Đức. Nhà nước của phe phái này tuyên bố xóa bỏ chủ nghĩa xã hội và kêu gọi thống nhất đất nước.
Tháng 5-1990, tại Washington D.C, Gorbachev đột nhiên đồng ý rằng nước Đức phải tự nó giải quyết về vấn đề gia nhập NATO. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ và tất cả thành viên đoàn Liên Xô đều bị "choáng".
Trong khi trước đó đã thảo luận nước Đức thống nhất tương lai chỉ sẽ giữ trung lập hoặc tham gia cả hai khối quân sự trong một thời gian nhất định. Chính vì vậy, ngày 3-10-1990, nước Đức bị chia rẽ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã được thống nhất với tên gọi là CHLB Đức nhưng vẫn tiếp tục là thành viên của NATO.
Gorbachev được gì sau khi "bán" CHDC Đức?
Tháng 10-1990, sau một loạt sự sụp đổ của các chế độ xã hội chủ nghĩa tại Ba Lan, Hungary, Bungary, Tiệp Khắc và nước Đức tái thống nhất dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, Gorbachev nhận giải thưởng Nobel Hoà Bình. Trong lúc đó, cộng đồng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đang sụp đổ và Liên Xô đang rơi vào vòng thảm họa.
Ngày 23-7-1991, Gorbachev đệ đơn xin cho Liên Xô gia nhập Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) và được chấp nhận. Nhưng sau đó, Gorbachev đã tức giận vì không vay được một đồng tiền nào từ "hai túi tiền" của thế giới này.
Chính vì vậy, ông ta đã viết thư công kích Tổng thống Mỹ Bush (cha): "Tôi cho rằng Tổng thống Mỹ là người nghiêm túc… Song tôi có cảm tưởng là bạn tôi, Tổng thống Mỹ vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng cho một vấn đề quan trọng… "
"Sau này, khi các bạn của tôi – nhóm G7 – nói với tôi là ông thích việc tôi đang làm và muốn ủng hộ tôi, nhưng lúc này tôi phải tự gánh lấy mọi hậu quả của mình, tôi nói rằng tất cả chúng ta đều phải gánh chịu".
"Thật là lạ 100 tỷ USD có thể được chi ra cho một cuộc xung đột khu vực. Tiền có thể cung cấp cho những chương trình khác. Nhưng số tiền này có thể làm thay đổi Liên bang Xô viết, đem lại sự tốt đẹp hoàn toàn mới, biến đất nước này trở thành một phần hoàn toàn của nền kinh tế thế giới, để nó không còn là một lực lượng gây rối và là một mối đe doạ tiềm tàng nữa".
"Chẳng bao giờ có một việc làm tầm cỡ" .
Năm 2010, tức 20 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Gorbachev tức giận nói:
"Kohl, ngoại trưởng Mỹ James Baker và những người khác đã hứa với tôi là không bao giờ bành trướng NATO sang phía đông, dù chỉ 1 centimet. Về vấn đề này, người Mỹ không giữ lời, còn người Đức thì làm ngơ. Thậm chí có thể họ đã xoa tay: Người Nga đã trình hết con bài của họ ra rồi. Nó sẽ mang lại điều gì? Chỉ một điều là người Nga không còn tin vào lời hứa của phương Tây nữa".
Dấu tay của Gorbachev được lưu lại trong lễ "kỷ niệm" 25 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngày 9/11/2014. Ảnh: RT