30 giây trên Táo Quân 2024 tốn 645 triệu đồng, một show cũng phát VTV đêm 30 Tết nhưng giá rẻ hơn 10 lần

Dy Khoa |

Với 10 giây quảng cáo trong chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2024, doanh nghiệp phải trả 322,750 triệu đồng.

Mới đây, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình TVAd (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam VTV) đăng tải các bảng báo giá quảng cáo dịp Tết Nguyên đán 2024 tới đối tác.

Trong đó, chương trình được quan tâm hàng đầu là Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2024 vẫn tiếp tục có bảng giá cao ngất. Cụ thể, với 10 giây quảng cáo trong chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2024, doanh nghiệp phải trả 322,75 triệu đồng.

Với thời lượng 15 giây, 20 giây lần lượt có mức giá 387,3 triệu đồng, 484,125 triệu đồng. Cao nhất là block 30 giây quảng cáo với giá 645,5 triệu đồng. Theo báo giá của TVAd, các mức giá trong báo giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Trong Táo Quân 2022 và 2023, nhãn hàng "chịu chi" nhất là ngân hàng VietinBank. "Ông lớn" này "chiếm sóng" quảng cáo với thời lượng 140 giây (2,3 phút) ở hai năm. Dựa theo bảng giá năm 2023 do TVAd thông báo, ngân hàng này phải chi ít nhất khoảng 3 tỷ đồng để xuất hiện trong chương trình.

Bên cạnh đó, VietinBank còn hiện diện trong các banner của chương trình. Đặc biệt, đây cũng là thương hiệu duy nhất được Táo Kinh tế (Quang Thắng) trực tiếp giới thiệu trên sóng chương trình năm 2023.

Chương trình Táo Quân năm nào cũng dành tối đa 20 phút cho quảng cáo, chia làm 4 lần, mỗi lần 5 phút. Năm 2021, 29 thương hiệu mua quảng cáo, đem về cho VTV khoảng 27 tỷ đồng. Đến năm 2022, 28 thương hiệu mua quảng cáo xuất hiện trên chương trình này với tổng thời lượng khoảng 11 phút 55 giây. Táo Quân năm 2023 đã thu về số tiền khoảng 28,6 tỷ đồng từ quảng cáo.

Quảng cáo Táo Quân 2024 đắt nhất Tết!

Tuy nhiên, không phải chương trình nào phát trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam dịp Tết 2024 đều có giá cao như Táo Quân 2024. Cũng theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình TVAd, chương trình Chiều cuối năm, phát từ khoảng 17h15-19h ngày 9/2 (tức chiều và đêm 30 Tết Giáp Thìn 2024), có giá quảng cáo cao nhất là block TVC 30 giây: 60 triệu đồng. Thấp nhất là 30 triệu đồng cho block 10 giây. Hai block 15 và 20 giây lần lượt là 36 và 45 triệu đồng.

30 giây trên Táo Quân 2024 tốn 645 triệu đồng, một show cũng phát VTV đêm 30 Tết nhưng giá rẻ hơn 10 lần- Ảnh 2.

Một bối cảnh trong chương trình Chiều cuối năm đã phát trên VTV.

Chương trình Đón Tết cùng VTV phát trên kênh VTV3 lúc 20h-22h ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) có giá tối đa là 110 triệu đồng cho 30 giây, vẫn rẻ hơn Táo Quân 2024. Các block 10 giây, 15 giây và 20 giây lần lượt là 55 triệu đồng, 66 triệu đồng và 82,5 triệu đồng.

Một chương trình hài xuân khác của VTV phát vào ngày 11/2 (mùng 2 Tết) trên VTV3 là Gala cười có giá quảng cáo cao nhất là 136,4 triệu đồng cho 30 giây, thấp nhất là 68,2 triệu đồng. Các block 10 giây, 15 giây và 20 giây lần lượt là 68,2 triệu đồng, 81,84 triệu đồng và 102,3 triệu đồng.

Cũng trên VTV3, chương trình 12 con giáp phát từ 20h-22h ngày 12/2 (mùng 3 Tết) có giá cao nhất là 136,4 triệu đồng/block 30 giây quảng cáo. Các block 10-15-20 giây lần lượt có giá 68,2 triệu đồng, 81,84 triệu đồng và 102,3 triệu đồng.

Phát vào mùng 5 Tết (14/2), chương trình Giao lưu diễn viên phim truyền hình trên VTV3 lúc 20h-22h có giá mềm hơn. Cụ thể, 83,7 triệu đồng cho 30 giây. 10 giây - 20 giây dao động từ 41,85 triệu đồng đến 62,775 triệu đồng.

Bảng giá Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán 2024 cũng có nhiều chênh lệch. Chương trình Chào năm mới - Đa sắc 2024 phát 20h10-22h30 ngày 1/1 trên VTV1 có giá cao nhất là 170 triệu đồng/30 giây. Các block từ 10-20 giây là từ 85 triệu đồng-127,5 triệu đồng.

Tại một hội thảo tổ chức vào tháng 10/2023, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho biết: Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu quảng cáo khối đài phát thanh, truyền hình trong 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tổng nguồn thu lĩnh vực phát thanh, truyền hình cả nước tính đến tháng 12/2022 đạt 15.159,3 tỷ đồng, tăng hơn 1% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ đạt xấp xỉ 10.200 tỷ đồng.

Theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tại Việt Nam chỉ có 3 đài phát thanh truyền hình có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, 4 đài có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Đa số các đài còn lại có doanh thu chỉ từ 2 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại