3 ngân hàng tư nhân lớn vừa tăng mạnh lãi suất huy động

Thu Thủy |

Xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm Tân Sửu 2021 không còn diễn ra cục bộ ở một vài ngân hàng nhỏ mà đã xuất hiện ở cả ngân hàng lớn.

Sau khi hàng loạt ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động trong tháng cuối cùng năm 2021, bước sang tuần đầu năm 2022, nhiều ngân hàng tư nhân lớn cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất.

Cụ thể, VPBank mới đây công bố biểu lãi suất mới cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 4/1/2022 và tăng ở hàng loạt kỳ hạn và đặc biệt tăng mạnh ở các khoản tiền gửi lớn.

Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất hiện nay là 6,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng, tiền gửi từ 50 tỷ trở lên, tăng tới 0,9 điểm % so với trước. Tương tự các kỳ hạn khác cũng tăng mạnh.

Tại kỳ hạn 12 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,2-0,7 điểm % lên 5-6%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, ngân hàng giảm nhẹ lãi suất khoảng 0,1 điểm % đối với số tiền gửi dưới 300 triệu xuống mức 4,5%/năm, trong khi đó, khách hàng gửi từ 300 triệu trở lên được tăng lãi suất 0,3-0,4%/năm lên 5,1-5,5%/năm.

Với kỳ hạn dưới 6 tháng, nếu như trước đó khách hàng phải gửi từ 50 tỷ trở lên, kỳ hạn 2 tháng trở lên mới có lãi suất tối đa 4%/năm thì hiện chỉ phải gửi từ 10 tỷ, kỳ hạn từ 2 tháng trở lên.

Tương tự với hình thức gửi tiết kiệm online, ngân hàng cũng tăng mạnh lãi suất lên cao nhất là 6,5%/năm, cao hơn 0,3%/năm so với trước, áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ, kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn khác cũng đồng loạt tăng mạnh 0,4-0,7 điểm %.

Với số tiền dưới 300 triệu đồng, khách hàng có thể được hưởng lãi suất cao nhất là 5,6%/năm khi gửi từ 15 tháng trở lên.

 3 ngân hàng tư nhân lớn vừa tăng mạnh lãi suất huy động  - Ảnh 1.

Chưa kể, VPBank cũng mới triển khai chương trình Prime Savings, khách hàng chỉ cần gửi mới từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất nhân đôi ngay trong tháng đầu tiên. Theo đó, lãi suất bình quân mà khách hàng được hưởng nếu gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng có thể lên đến 6,2%/năm.

Thêm một ngân hàng lớn khác cũng tăng lãi suất huy động trong tuần qua là Sacombank, với biểu lãi suất mới áp dụng từ 4/1/2022.

Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Sacombank là 6,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2%/năm so với trước đó. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm.

Ngân hàng cũng tăng lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm online. Cụ thể, kỳ hạn 36 tháng tăng 0,2 điểm % lên 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm % lên 6,2%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,1%/năm.

Chênh lệch lãi suất giữa hình thức gửi tiết kiệm online và tại quầy của Sacombank khá lớn, lên tới 0,5%/năm nhằm khuyến khích ngân hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để giao dịch.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, Sacombank cũng đã có một đợt tăng mạnh lãi suất khoảng 0,4-0,6%/năm. Ngân hàng này tích cực tìm cách hút tiền gửi cá nhân trong thời gian gần đây sau khi quý 3/2021 ghi nhận sự suy giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh tại khu vực các tỉnh, thành phía Nam.

 3 ngân hàng tư nhân lớn vừa tăng mạnh lãi suất huy động  - Ảnh 2.

SHB cũng công bố biểu lãi suất mới từ ngày 4/1/2022. Hiện lãi suất cao nhất ở nhà băng này là 6,6% khi gửi kỳ hạn 18 tháng theo sản phẩm Tiết kiệm Đại lợi trong khi trước đó, hồi tháng 12/2021, lãi suất cao nhất chỉ ở mức 6,35% áp dụng cho các khoản tiền gửi online kỳ hạn từ 18-36 tháng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng phát hành Chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhất là 7,2%/năm với kỳ hạn 8 năm.

Có thể thấy, xu hướng tăng lãi suất những tháng cuối năm Tân Sửu 2021 không còn diễn ra cục bộ ở một vài ngân hàng nhỏ mà đã xuất hiện ở cả ngân hàng lớn cho thấy thanh khoản hệ thống có phần căng hơn so với giai đoạn trước do yếu tố mùa vụ.

Thời điểm cuối năm là lúc kinh doanh cao điểm của ngân hàng khu nhu cầu rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng cao, ngoài ra nhiều doanh nghiệp cũng cần vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh khi cầu tiêu dùng tăng mạnh trước Tết Âm lịch.

Trong khi nhóm ngân hàng tư nhân tăng lãi suất thì 4 "ông lớn" quốc doanh là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động trong 3 tháng trở lại đây và tiếp tục là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất hệ thống.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong năm 2022, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động.

Tuy nhiên, NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất huy động ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19. BVSC đánh giá mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại