3 năm mất trắng 4 ngôi nhà: Thảm cảnh của đất nước tỉ dân trước cơn khủng hoảng khí hậu

J.D |

Khủng hoảng khí hậu có thể gây ảnh hưởng đến hàng tỉ người, riêng Ấn Độ đã là gần 500 triệu người.

Anish Yadav đang say giấc trong ngôi nhà của mình - đúng hơn là một túp lều, mỏng manh, được làm từ gỗ và nhựa - khi nước lũ tràn vào.

Bức tường bê tông từng dùng để chặn nước lũ trước kia đã sụp đổ, khiến trận lụt tựa như đại hồng thủy tràn vào khu ổ chuột tại Malad - vùng ngoại ô phía bắc của Mumbai, Ấn Độ.

"Chúng tôi thức dậy sau tiếng hét thất thanh của những người xung quanh," - Yadav nhớ lại đêm ấy, vào tháng 7/2019. "Nước dâng lên ngập đầu, và tôi phải tận mắt chứng kiến cảnh người ta bị cuốn trôi đi."

Bức tường ấy đã bảo vệ Yadav và láng giềng của anh khỏi nước lũ từ các trận bão theo mùa mỗi năm. Căn nhà của anh thậm chí chưa từng bị tổn hại vì lũ. Nhưng bức tường đã sụp đổ, và trong 3 năm sau đó, Yadav phải mất 4 lần xây lại nhà.

3 năm mất trắng 4 ngôi nhà: Thảm cảnh của đất nước tỉ dân trước cơn khủng hoảng khí hậu - Ảnh 1.

Bức tường bảo vệ khu ổ chuột của Yadav đã sụp đổ vào năm 2019

Mỗi năm, có hàng ngàn người tại Ấn Độ thiệt mạng vì nước lũ và sạt lở đất trong giai đoạn gió mùa - thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 mỗi năm. Về bản chất, gió mùa là một hiện tượng tự nhiên do không khí ấm và ẩm di chuyển từ Ấn Độ Dương vào Nam Á mỗi khi mùa thay đổi. Vấn đề là cơn khủng hoảng khí hậu ngày nay đã khiến gió mùa trở nên kinh khủng và khó đoán hơn.

"Bi kịch và trớ trêu, khi người nghèo lại là nạn nhân chính của biến đổi khí hậu dù họ chẳng phải là những người tạo ra nó," - Sunita Narain, tổng giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường tại Ấn Độ cho biết.

Cuối tuần qua, lãnh đạo các nước trên thế giới đã tập trung ở Glasgow để dự hội nghị khí hậu COP26, nhằm tìm ra giải pháp giảm lượng phát thải carbon và tránh được thảm họa từ việc gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhưng với hàng triệu người Ấn Độ, những văn bản ấy chẳng giúp họ giữ được nhà. Cơn khủng hoảng khí hậu đã ở ngay trước mặt họ, cuốn trôi tất cả mọi thứ.

Mất trắng 4 căn nhà trong 3 năm

Mumbai, thành phố đông dân nhất của Ấn Độ, là niềm tự hào với những tòa nhà chọc trời và khách sạn sang trọng bậc nhất. Nhưng cũng ở đây lại có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo rất lớn. 65% trên tổng số 12 triệu cư dân đang phải sống trong những túp lều che chắn bằng vải bạt và thiếc, ở những khu ổ chuột đông đến nghẹt thở.

Yadav và mẹ được sơ tán đến một ngôi trường sau trận lũ năm 2019 - cũng là lần đầu tiên nhà của họ bị cuốn trôi đi. Trận lũ khiến 32 người tử vong, trong khi chính quyền địa phương nhận định khu ổ chuột đã trở nên quá nguy hiểm để sinh sống. Nhưng sau khi lời đề nghị cấp nhà không thành hiện thực, Yadav và mẹ phải trở về đó để xây lại nhà, tiếp tục bám trụ.

"Nhà tôi chỉ rộng khoảng 12m2, sàn được làm từ đất," - Yadav kể. "Cọc gỗ được đóng xuống, buộc lại rồi phủ bạt nhựa lên. Và nếu có gió mạnh, chắc chắn là không giữ được."

Gia đình Yadav bắt đầu tập thói quen cất giữ đồ quý trong các túi nhựa để tiện di tản. Nhưng có quá nhiều thứ cần phải bảo vệ.

3 năm mất trắng 4 ngôi nhà: Thảm cảnh của đất nước tỉ dân trước cơn khủng hoảng khí hậu - Ảnh 2.

"Căn nhà" nơi Yadav ở cùng mẹ của mình

Mùa lũ năm 2020, mẹ con Yadav lại mất nhà, kèm theo quần áo và số thực phẩm quý giá mà họ có được. Tháng 5/2021, chuyện đó lại xảy ra sau một cơn cuồng phong quét đến bờ Tây Ấn Độ. Một cơn bão bất thường, vì mọi năm chúng thường quét vào bờ Đông nhiều hơn.

Lần này, Yadav cho biết mọi người dường như đã chán ngấy với những lời hứa của chính quyền địa phương và vòng lặp tàn khốc: phá hủy - sơ tán - xây lại. "Sống làm sao nổi cơ chứ?" - Yadav nói.

Mà nào đã hết. Thảm họa lại một lần nữa tới vào tháng 9/2021, khi mùa mưa bão tưởng như đã hết. Một dòng nước lũ đầy mảnh vỡ lại quét qua khu ổ chuột, vào lúc 1h30 phút sáng. Cư dân lại đi sơ tán, lại phải ở đó trong vài ngày với lượng nước sạch hạn chế và chẳng có nhà vệ sinh.

"Liệu có thể trở về hay tìm được một ngôi nhà khác? Chẳng ai biết," - Yadav nói một cách ngán ngẩm.

"Họ (nhà chức trách) chỉ bảo chúng tôi sẽ có nhà mới trong 3 - 4 ngày tới, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Mọi người mất việc và cũng chẳng có tiền để mua thực phẩm."

Không thể sống nổi

Cơn khủng hoảng khí hậu ngày càng xấu đi khiến các trận lũ trở nên nguy hiểm hơn với ít nhất 35% dân số Ấn Độ - tương đương với 472 triệu người. Họ đang sống trong các khu ổ chuột đông đúc, chật hẹp.

Muralee Thummarukudy, quyền giám đốc chương trình chống thảm họa tự nhiên của Liên Hợp Quốc (UN) cho biết những người bám trụ ở khu ổ chuột thường phải sống trong những căn nhà hoặc lều trại đầy mỏng manh và chịu nhiều rủi ro hơn với thiên tai. Họ cũng không có bảo hiểm để tái xây dựng hoặc tái định cư trong trường hợp mất tất cả vì nước lũ.

3 năm mất trắng 4 ngôi nhà: Thảm cảnh của đất nước tỉ dân trước cơn khủng hoảng khí hậu - Ảnh 4.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Kể cả khi nước lũ buông tha cho căn nhà của họ, những tác động thứ cấp vẫn tồn tại - như ô nhiễm nước ngầm, lây lan bệnh tật qua nguồn nước, hay không có nguồn cung thực phẩm.

"Xu hướng tôi đang chứng kiến là cuộc sống bị xáo trộn bởi thảm họa, rồi nơi trú ẩn bị cuốn trôi," - Rajan Samuel, giám đốc điều hành của Habitat for Humanity cho biết.

Một số bang đã hành động, như bang Odisha đã xây dựng kênh thoát nước cho các khu ổ chuột, hay như Kerala cung cấp tài chính để người dân được tái định cư. Nhưng xét trên quy mô toàn quốc, tiến trình vẫn đang rất chậm. Nhiều kế hoạch suốt 2 thập kỷ qua đã thất bại, nơi thiếu vốn, nơi thiếu nhân lực, hoặc do thủ tục hành chính quá lằng nhằng.

"Đã từng có lúc những thảm họa như vậy 10 năm mới có 1 lần, rồi 5 năm 1 lần. Còn giờ là 1 năm 10 lần," - Narain nhận xét. "Lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng kinh hoàng khác gần đây cho thấy tương lai sẽ như thế nào."

Những người phải di cư vì khí hậu

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về một cơn khủng hoảng khí hậu sẽ gây ảnh hưởng đến hàng tỉ người vào các thập kỷ kế tiếp. Nó sẽ tạo ra một thế hệ người "di dân khí hậu", hoặc "tị nạn khí hậu". Trong đó, lũ lụt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi lượng mưa ngày càng tăng lên.

Đừng nghĩ đó chỉ là câu chuyện trên giấy tờ. Vì ở Ấn Độ, nhiều người đã trở thành di dân thật rồi.

3 năm mất trắng 4 ngôi nhà: Thảm cảnh của đất nước tỉ dân trước cơn khủng hoảng khí hậu - Ảnh 6.

Thảm họa tự nhiên đã khiến hơn 5 triệu người Ấn Độ mất nhà cửa vào năm 2019, theo một nghiên cứu từ Sydney. Con số ấy sẽ chỉ ngày càng tăng lên mà thôi. Những người như Yadav không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải trở lại chốn cũ, dựng nhà và chờ đợi nước lũ cuốn đi.

Bản thân gia đình Yadav lại khá chần chừ trong việc rời khỏi mảnh đất của họ trong khu ổ chuột, trừ phi nhà chức trách cung cấp một giải pháp thay thế. Anh và mẹ hiện phải sống dựa vào khoản tiền tiết kiệm ít ỏi hoặc vay mượn từ họ hàng, cùng một vài đồng lẻ kiếm được qua ngày. Sau trận lũ tháng 9, anh mất hoàn toàn hy vọng trước ý nghĩ phải xây lại nhà, một lần nữa.

"Mọi thứ kéo dài quá lâu rồi. Bạn chẳng thể biết khi nào nước sẽ tới và lại phá hủy ngôi nhà mình dựng lên một lần nữa."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại